Facebook muốn trở thành Apple và chuyện chưa kể về dự án Building 8

Sở hữu mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn là chưa đủ với Mark Zuckerberg. CEO Facebook còn muốn tạo ra phần cứng thành công như Apple, Microsoft.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi tại Facebook, Regina Dugan có thói quen bắt đầu tuần mới bằng cuộc họp toàn bộ bộ phận của mình. Giữa tháng 10/2017, sau 1,5 năm lãnh đạo phòng nghiên cứu Building 8, bà lại tổ chức cuộc họp tuần như vậy.

Nhưng trong cuộc họp lần này, Dugan có một tin không vui. Gần như không kìm được nước mắt, bà nói với hàng chục nhân viên rằng mình sẽ sớm rời khỏi Facebook để theo đuổi những ý tưởng riêng.

Đó là một cú sốc. Một phần bởi Dugan mới chỉ gia nhập Facebook 18 tháng, nhưng phần lớn vì bà đang lãnh đạo phòng nghiên cứu phần cứng Building 8, một dự án mà CEO Mark Zuckerberg cực kỳ tâm huyết. Khi giới thiệu Dugan vào tháng 4/2016, Zuckerberg cho biết Facebook “sẽ đầu tư hàng trăm nhân sự và hàng trăm triệu USD cho nỗ lực này trong vài năm tới”.

Regina Dugan, người đứng đầu phòng nghiên cứu phần cứng Building 8 của Facebook. Ảnh: Getty.

Regina Dugan, người đứng đầu phòng nghiên cứu phần cứng Building 8 của Facebook. Ảnh: Getty.

Sự ra đi của Dugan là một thất bại lớn với Facebook. Những gã khổng lồ công nghệ khác như Apple, Google, Amazon và Microsoft ít nhiều đều đã có thành công trong lĩnh vực phần cứng. iPhone, Xbox là những cái tên huyền thoại, Amazon và Google cũng đạt chỗ đứng trong mảng loa thông minh.

Tháng 12/2018, hơn 2,5 năm từ ngày thành lập, phòng nghiên cứu Building 8 đã bị giải thể, và nhóm nhân sự chính được sáp nhập vào phòng sản phẩm Portal. Đây cũng là sản phẩm phần cứng duy nhất do Building 8 nghiên cứu trở thành hiện thực, một loại màn hình thông minh có khả năng gọi điện gần như không gây dấu ấn trên thị trường.

Tham vọng của Mark Zuckerberg

Phần cứng là lĩnh vực Facebook đặt nhiều hy vọng bởi họ muốn đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình. Trong quý kinh doanh gần nhất, quảng cáo di động chiếm đến 93% tổng doanh thu của Facebook.

Những dòng code là giá trị lõi của Facebook, nhưng họ gặp nhiều rào cản khi văn hóa phần mềm đụng chạm với những vấn đề rất thực tế của một nhà phát triển phần cứng.

Thị trường smarthome mà Facebook nhắm đến rất tiềm năng. Theo dự báo của Research and Markets, thị trường này sẽ đạt doanh thu 151,4 tỷ USD vào năm 2024, trong khi năm 2018 mới đạt 76,6 tỷ USD. Đó là lý do Facebook tìm kiếm một nhà lãnh đạo thực sự tài năng để khai phá sản phẩm mới cho họ.

Những thiết bị smarthome, cổng kết nối AI như Amazon Echo Show là cảm hứng để Facebook phát triển Portal. Ảnh: Cnet.

Regina Dugan tốt nghiệp tiến sĩ cơ khí tại đại học Caltech, từng là Giám đốc Cục Các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ từ 2009-2012. Bà gia nhập Google năm 2012 để lãnh đạo nhóm nghiên cứu công nghệ và dự án tiên tiến (ATAP) sau khi Google mua Motorola. ATAP được Google duy trì sau khi bán lại Motorola cho Lenovo năm 2014.

Tại Google, Dugan hoạt động trực tiếp dưới quyền Sundar Pichai, lúc đó còn là Giám đốc sản phẩm và vận hành trước khi trở thành CEO năm 2015. Tuy nhiên đến tháng 4/2016, cựu Chủ tịch Motorola Rick Osterloh được mời về làm Phó chủ tịch phần cứng của Google, trên quyền của Dugan.

Đây cũng là thời điểm Zuckerberg quyết định phát triển thêm sản phẩm phần cứng, sau 2 năm mua lại công ty thiết bị VR Oculus. Nhận thấy thành công của dòng loa Echo, Zuckerberg cũng muốn Facebook có một sản phẩm tương tự. Không lâu sau, Regina Dugan gia nhập Facebook.

Ngay sau khi tham gia Facebook, Dugan đã khảo sát lại toàn bộ các dự án của công ty này để tìm ra dự án tiềm năng nhất. Đó là Little Foot, một cỗ máy gắn iPad với khả năng nhận biết người trong phòng và xoay camera về hướng đấy.

Do Zuckerberg rất muốn thúc đẩy video trên nền tảng Facebook, nhóm Building 8 quyết định sử dụng Little Foot để phát triển một chiếc máy có khả năng gọi điện nhóm. Họ làm việc với nhiếp ảnh gia Lucian Perkins để phát triển tính năng tự động lấy nét vào người đang nói trong khung hình.

Ý tưởng của Building 8 có mục tiêu cắt bớt khoảng cách giữa những người thân thuộc và cho họ kết nối dễ dàng hơn. Họ thử nghiệm đủ loại kích thước, thậm chí có sản phẩm lớn như TV. Đến cuối năm 2016, Giám đốc công nghệ Mike Schroepfer của Facebook đã đồng ý với bản mẫu của thiết bị và cho rằng đã đến lúc bán ra thị trường.

Tháng 6/2017, Facebook mời một số nhân viên và lãnh đạo vào phòng nghiên cứu để xem những thiết bị mà Building 8 tạo ra. Bên cạnh thiết bị mà sau này trở thành Portal, họ còn phát triển một cỗ máy có khả năng điều khiển bảng trí óc, cùng một dự án phát triển thiết bị thực tế ảo được đặt tên Project Sequoia. Tất cả đều chỉ là những bản thử nghiệm.

Làm phần cứng không dễ như Facebook nghĩ

Con số trong tên của Building 8 có ý nghĩa là 8 ký tự trong tên Facebook. Văn phòng của công ty này được đặt ngay trung tâm đại bản doanh của công ty. Building 8 là một trong những đơn vị bí mật nhất của Facebook: để vào văn phòng của họ phải có bảo vệ đi kèm.

Sự bí mật của Building 8 khiến cho nhiều nhân viên của Facebook “ngứa mắt”. Không chỉ hoạt động bí mật, phòng nghiên cứu này còn chi tiêu rất tốn kém, 100 triệu USD mỗi năm cho các đối tác và những sự kiện hoành tráng.

Ngoài gọi video, Portal không có nhiều chức năng hữu ích trong khi giá bán ban đầu là 199 USD và 349 USD cho 2 phiên bản. Ảnh: The Verge.

Đầu tư nhiều tiền, Facebook cũng đặt ra những yêu cầu về thời hạn rất gắt cho Building 8. Họ muốn đơn vị này làm ra được sản phẩm sẵn sàng để bán chỉ trong 1 năm, khoảng thời gian quá ngắn so với những thiết bị phần cứng thông thường.

Khi mới gia nhập, Dugan đã thỏa thuận sẽ phát triển sản phẩm trong vòng 2 năm. Tuy nhiên Facebook không chờ được lâu như vậy. Tháng 8/2017, Facebook bổ nhiệm Andrew “Boz” Bosworth, Phó chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh và quảng cáo của Facebook, phụ trách thêm mảng phần cứng, bao gồm cả Oculus và Building 8.

Bosworth là một cấp dưới trung thành của Zuckerberg, gia nhập Facebook từ năm 2006, nhưng ông chưa từng lãnh đạo một nhóm phát triển phần cứng. Theo một số nhân viên từng làm việc tại Building 8, Bosworth gần như không đóng góp gì về mặt kỹ thuật cho các sản phẩm.

Việc bổ nhiệm Bosworth khiến Dugan không tiếp tục gắn bó nữa. Chưa đầy 2 tháng sau, bà bất ngờ công bố rời Facebook. Không ai rõ bà tự nghỉ hay bị cho nghỉ việc, nhưng hàng loạt cấp dưới thân cận đã rời Facebook chỉ trong vài tuần sau đó. Thay thế cho Dugan là Rafa Camargo, người từng làm việc cùng Dugan tại ATAP.

Vụ bê bối Cambridge Analytica diễn ra đầu năm 2018 khiến Facebook mất hết uy tín. Ảnh: AFP.

Rắc rối nhân sự chưa giải quyết xong, Facebook gặp bê bối lớn nhất trong lịch sử đầu năm 2018. Sự cố với công ty Cambridge Analytica làm lộ dữ liệu của 87 triệu người dùng, khiến giá cổ phiếu Facebook sụt giảm và Mark Zuckerberg phải dành gần hết năm để giải quyết hậu quả.

Bosworth nhận ra lòng tin của người dùng vào Facebook đang ở mức thấp nhất. Ông giải thích với nhân viên rằng đây không phải thời điểm ra mắt Portal, và trì hoãn ngày phát hành thiết bị vô thời hạn. Trong cuộc phỏng vấn của CNBC, nhiều nhân viên Building 8 cho biết Portal đã nhiều lần bị lùi ngày ra mắt, trong khi đại diện Facebook lại cho biết máy đã ra mắt đúng hẹn.

Portal - sản phẩm thất bại của Facebook

Tháng 10/2018, Facebook ra mắt hai chiếc Portal. Đây là màn hình hiển thị ảnh, thông tin trên Facebook và có chức năng gọi video. Tính năng “thông minh” nhất của Portal là tự động xoay camera theo hướng người trong phòng, đồng thời phóng to hoặc lấy nét vào người đang nói.

Bên cạnh đó, Portal còn đóng vai trò của một chiếc loa thông minh. Thiết bị có khả năng chơi nhạc theo yêu cầu, dự báo thời tiết, tương tác với người dùng. Tuy nhiên, Facebook lại tích hợp trí thông minh nhân tạo Alexa của Amazon vào Portal, thay vì tự phát triển trợ lý ảo riêng. So với thiết kế trước đó, nó được bổ sung thêm một miếng che để che đi camera khi cần thiết.

Sản phẩm phần cứng đầu tiên do Facebook phát triển bị đánh giá là một thất bại cả về tính năng lẫn vấn đề riêng tư. Ảnh: The Verge.

Ngay sau khi ra mắt, Portal đã bị nghi ngờ về tính riêng tư. Sau khi nói với Recode rằng họ không sử dụng dữ liệu người dùng qua Portal để quảng cáo, Facebook rút lại lời nói đó và cho biết Portal dùng chung nền tảng phần mềm với Facebook Messenger, nên cũng thu thập dữ liệu và có thể được sử dụng để quảng cáo như Messenger.

Vấn đề lớn nhất của người dùng với Portal là nó luôn theo dõi, luôn lắng nghe và kết nối với Facebook.

Biên tập viên Dan Seifert, The Verge.

Cuối năm 2018, Camargo cho biết phòng nghiên cứu Building 8 sẽ giải thể, đổi tên thành Portal. Nhóm nghiên cứu còn lại được chuyển sang phòng nghiên cứu Oculus, sau đó đổi tên thành Phòng nghiên cứu thực tế Facebook. Đây là nơi họ đang tạo ra cỗ máy điều khiển bằng suy nghĩ.

Portal bán rất chậm. Theo IDC, Facebook mới chỉ bán được khoảng 54.000 chiếc Portal từ khi ra mắt, mặc dù Facebook đã nhiều lần giảm giá, đến nay giá của Portal chỉ từ 99 USD. Facebook cho rằng số liệu của IDC không chính xác, và khẳng định họ hài lòng cả về số lượng bán ra lẫn phản hồi của người dùng.

Facebook đang phát triển một trợ lý ảo để tích hợp vào Portal, Oculus và các thiết bị khác của họ trong tương lai. Bosworth cho biết nhiều phiên bản Portal mới sẽ được ra mắt cuối năm nay, và Camargo cũng xác nhận Facebook đang nghiên cứu thiết bị thực tế ảo.

“Phần cứng đang trở về đúng hướng. Chúng tôi muốn đảm bảo sự kết nối giữa con người là trải nghiệm đầu tiên trong phần cứng của Facebook”, Bosworth nói tại hội nghị phần mềm của Facebook vào tháng 6/2019.

Portal, thiết bị gọi video của Facebook Facebook giới thiệu Portal, loa thông minh đính kèm màn hình giúp người dùng nân cao trải nghiệm gọi video qua Messenger.

Nhật Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/facebook-muon-tro-thanh-apple-va-chuyen-chua-ke-ve-du-an-building-8-post974863.html