Facebook 'mua lại, sao chép và giết chết đối thủ cạnh tranh' để duy trì sự độc quyền mạng xã hội?

'Quyền lực độc quyền của Facebook được củng cố vững chắc và không có khả năng bị xói mòn bởi áp lực cạnh tranh từ những người mới tham gia hoặc các công ty hiện tại'.

Mới đây, Tiểu ban chống độc quyền Hạ viện Mỹ đã công bố báo cáo sau 16 tháng điều tra bốn ông lớn công nghệ Facebook, Apple, Amazon và Google.

Đối với Facebook, cơ quan này xác định rằng công ty đã độc quyền trên lĩnh vực mạng xã hội và duy trì vị thế của mình bằng cách mua lại, sao chép và thậm chí là giết chết đối thủ cạnh tranh.

Một báo cáo khác cũng đề cập đến những lo ngại về chống độc quyền liên quan đến Amazon, Apple và Alphabet – công ty mẹ của Google và khuyến nghị xem xét một loạt các biện pháp giải quyết.

Điều này bao gồm "sự phân tách cơ cấu", theo đó, có thể yêu cầu các công ty phải chia tách phải chia tách một số bộ phận kinh doanh của họ. Ví dụ, Facebook có thể buộc phải thoái vốn hoặc tách riêng dịch vụ chia sẻ ảnh Instagram và ứng dụng nhắn tin WhatsApp, hai ứng dụng mà Facebook đã mua lại lần lượt vào năm 2012 và năm 2014.

Facebook mua lại Instagram năm 2012 với giá 1 tỷ USD.

Facebook mua lại Instagram năm 2012 với giá 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề nghị Quốc hội Mỹ coi bất kỳ thương vụ mua lại nào của các công ty công nghệ lớn là hành vi phản cạnh tranh trừ khi họ chứng minh được rằng việc sáp nhập sẽ vì lợi ích chung của tất cả.

Cụ thể với Facebook, báo cáo kết luận: "Quyền lực độc quyền của Facebook được củng cố vững chắc và không có khả năng bị xói mòn bởi áp lực cạnh tranh từ những người mới tham gia hoặc các công ty hiện tại".

Đặc biệt, báo cáo chỉ ra rằng Facebook đã tăng cường sự độc quyền của mình bằng cách xác định các đối thủ cạnh tranh có thể gây ra mối đe dọa cho công ty để từ đó mua lại, sao chép hoặc tiêu diệt họ.

Một ví dụ cho vấn đề này là cuộc trao đổi của nhà đồng sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg với giám đốc tài chính của công ty vào thời điểm liên quan đến thương vụ mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD.

Theo báo cáo, Zuckerberg đã nói: "Một cách nhìn về việc này là thứ chúng ta thực sự mua là thời gian. Ngay cả nếu một số đối thủ cạnh tranh khác nổi lên, việc mua lại Instagram ngay bây giờ, sẽ chúng ta một năm hoặc nhiều hơn để tận dụng lợi thế của Instagram trước khi bất kỳ ai có thể tiến đến gần quy mô của họ".

Một luật sư không tiết lộ danh tính của tiểu ban cho biết tài liệu điều tra chỉ ra rằng Instagram là công ty đang tăng trưởng mạnh mẽ chứ không dễ dàng "chết yểu" nếu không có sự hỗ trợ của Facebook.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Facebook chia sẻ: "Facebook là một câu chuyện thành công của Mỹ. Chúng tôi cạnh tranh bằng nhiều loại dịch vụ với hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ người đang sử dụng. Mua lại là một phần không thể thiếu của mọi ngành và chỉ là một cách chúng tôi đổi mới công nghệ để mang lại nhiều giá trị hơn cho người dùng. Instagram và WhatsApp đã đạt đến tầm cao mới của thành công nhờ Facebook đã đầu tư hàng tỷ USD vào các mảng kinh doanh đó.

Thời điểm diễn ra cả hai thương vụ trên, bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ đã tồn tại và nó vẫn hiện diện cho đến ngày nay. Các cơ quan quản lý đã xem xét kỹ lượng từng thỏa thuận và không tìm ra lý do để ngăn chặn chúng vào thời điểm đó".

Mộc Tiên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/facebook-mua-lai-sao-chep-va-giet-chet-doi-thu-canh-tranh-de-duy-tri-su-doc-quyen-mang-xa-hoi-52020710161119995.htm