Facebook, Google chưa có ý kiến gì về Luật An ninh mạng

Trả lời báo giới về những ý kiến trái chiều quanh Luật An ninh mạng trong họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh - cho biết, tới nay, Facebook và Google chưa có phản hồi chính thức nào về luật này.

Chiều 15.6, Quốc hội tổ chức kỳ họp công bố kết quả kỳ họp thứ 5. Ảnh KH

Ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý, ủy ban đã hết sức lắng nghe ý kiến cử tri chuyên gia, đại diện một số quốc gia như Mỹ, Australia, Liên minh Châu Âu, Hiệp hội Internet, viễn thông, ý kiến các phóng viên trong và ngoài nước để chỉnh lý nhiều vấn đề trong dự thảo luật.

Ông nhận định an ninh mạng là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà là thách thức toàn cầu, đồng thời khẳng định những lo lắng của người dân và doanh nghiệp về những ảnh hưởng của luật trong việc cung cấp dữ liệu thông tin là không có cơ sở vì luật tạo cơ chế pháp lý bảo vệ quyền hợp pháp của doanh nghiệp (DN) và người dân.

Liên quan tới ý kiến lo ngại Facebook và Google có thể rời khỏi Việt Nam, ông Hồng cho biết, 2 tập đoàn này chưa có phản hồi chính thức tham gia ý kiến xây dựng luật.

Liên quan tới nội dung DN phải lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam, ông Hồng khẳng định có 18 quốc gia đưa ra yêu cầu tương tự và đây là yêu cầu bảo vệ quyền hợp pháp của công dân Việt Nam. Theo quy định của Hiến pháp, đây xem như tài sản của công dân Việt Nam nên phải lưu trữ ở Việt Nam và quy định này không cản trở công nghiệp số 4.0 tại Việt Nam.

Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Hồng chỉ rõ mục tiêu lớn nhất của Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua là xây dựng không gian mạng lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan trong và ngoài nước. Luật còn có nhiều quy định tập trung vào hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm không gian mạng nhằm mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Ông Hồng khẳng định, khi Luật An ninh mạng ra đời, không có việc kiểm tra, kiểm soát các hệ thống thông tin trên không gian mạng và luật chỉ tập trung vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đó là hệ thống thông tin quan trọng về quân sự, quốc phòng, an ninh, đảm bảo hoạt động điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành trên lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội.

Đối với vấn đề đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh, Luật An ninh mạng khi được thông qua không còn quy định này.

Bên cạnh đó, việc quy định đặt máy chủ và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam không phải lần đầu tiên được quy định trong luật này.

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội, cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải "có ít nhất 1 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng".

Tuy nhiên, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri, tổ chức chính trị, tổ chức nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, dự thảo luật đã bỏ quy định đặt máy chủ tại Việt Nam.

Khánh Hòa

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/facebook-google-chua-co-y-kien-gi-ve-luat-an-ninh-mang-613180.ldo