Facebook đối diện vụ kiện cùng án phạt khủng 35 tỷ USD

Mạng xã hội lớn nhất thế giới đang đứng trước một vụ kiện tập thể mới của người dùng tại bang Illinois, Mỹ với cáo buộc Facebook đã lạm dụng dữ liệu nhận dạng gương mặt.

Cụ thể, vụ kiện tụng có liên quan đến hàng loạt người dùng Facebook tại Illinois với cáo buộc mạng xã hội lớn nhất thế giới đã tự ý thực hiện việc hình ảnh do người dùng đăng tải bằng công nghệ nhận diện hình ảnh. Ngoài ra, Facebook cũng không đưa ra thông báo tới người dùng về những dữ liệu sau khi được quét sẽ được lưu trữ trong khoảng thời gian bao lâu mặc dù thực tế hoạt động quét hình ảnh này đã được Facebook bắt đầu được thực hiện từ năm 2011.

Vụ kiện 35 tỷ USD đón chờ gã khổng lồ Facebook

Vụ kiện 35 tỷ USD đón chờ gã khổng lồ Facebook

Những nỗ lực sau đó của Facebook nhằm ngăn chặn vụ kiện tập thể này như việc phản đối các định nghĩa trong đơn kiện cho đến việc vận động hành lang để chống lại Đạo luật Quyền riêng tư Thông tin Sinh trắc học đều đã thất bại.

Theo luật Illinois yêu cầu các công ty phải thông báo công khai khi sử dụng dữ liệu sinh trắc học bao gồm cả việc quét nhận diện khuôn mặt. Facebook sử dụng những dữ liệu này cho tính năng gợi ý tag (gắn thẻ), tự nhận diện mặt của người trong ảnh và đề xuất gắn thẻ hồ sơ mà không cần sự đồng ý của người dùng.

Theo ước tính, nếu vụ kiện này được diễn ra sau đây, Facebook có thể phải đối mặt với số tiền phạt từ 1.000 USD cho đến 5.000 USD mỗi người, và với 7 triệu người, tổng số tiền tối đa có thể lên đến 35 tỷ USD. Đây là khoản tiền phạt quá cao mà Facebook từng phải chịu.

Trước đó, vào tháng 7-2019, mạng xã hội Facebook cũng từng nhận án phạt 5 tỷ USD (khoảng 116,3 nghìn tỷ đồng) từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài hơn một năm, đánh dấu sự kiện lớn nhất trong lịch sử của cơ quan này.

FTC đã mở cuộc điều tra liên quan tới các hoạt động dữ liệu của Facebook vào 3/2018, một tuần sau khi có thông tin về vụ Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của hàng chục triệu người dùng Facebook. Điều tra sơ bộ xác định chính sách lỏng lẻo của mạng xã hội này đã tạo điều kiện cho một học giả lấy thông tin mà người dùng không hay biết.

Năm 2011, Facebook cam kết với FTC rằng sẽ không chia sẻ dữ liệu của người dùng với bên thứ ba khi chưa được sự cho phép của họ. Nó là một phần trong thỏa thuận giải quyết các cáo buộc lừa dối người dùng, bảo mật kém của mạng xã hội này. Tuy nhiên đến tận 2015, Facebook mới thực sự chặn quyền truy cập của Cambridge Analytica.

N.Công (t/h)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-nghe/facebook-doi-dien-vu-kien-cung-an-phat-khung-35-ty-usd-566456/