Facebook đã trở thành bộ máy sao chép 770 tỷ USD

Các chuyên gia nhận định Facebook đang thể hiện vai trò của người đi sao chép, thay vì người sáng tạo.

Giới công nghệ từng trải qua thời kỳ hứng khởi cách đây 4 năm, khi Facebook dường như làm được điều gì đó khiến mọi người ngỡ ngàng. Thời điểm đó, tập đoàn của tỷ phú Mark đã thành lập một bộ phận thiết bị có tên Building 8 với nguồn nhân lực tầm cỡ, bao gồm giới nghiên cứu khoa học, đội ngũ kỹ sư, đặt dưới quyền giám sát của một lãnh đạo đến từ Cơ quan Nghiên cứu Các dự án Quốc phòng Tiên tiến (Darpa) thuộc Lầu Năm Góc.

Facebook cho biết Building 8 sẽ phát triển những công nghệ đột phá, người dùng có thể gõ văn bản bằng não và nghe qua da.

Không rõ ý tưởng táo bạo này có thể trở thành hiện thực hay không, nhưng nó đã mang lại cảm giác sáng tạo và khác biệt so với những thứ mà Facebook từng làm trước đó.

Chỉ vài tháng sau, lãnh đạo Darpa rời Facebook. Một năm sau, Building 8 đổi tên thành Portal và phát triển mẫu loa thông minh để cạnh tranh với sản phẩm tương tự của đế chế Amazon.

 Building 8 là dự án tham vọng của Facebook. Ảnh: TeCake.

Building 8 là dự án tham vọng của Facebook. Ảnh: TeCake.

Dù vậy, Facebook vẫn là một trong những đế chế công nghệ lớn nhất, có giá trị nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới. Cùng với Google, Facebook đang nắm quyền thống trị trên thị trường quảng cáo trực tuyến.

Mọi thứ dường như đã đi ngược lại với suy đoán của nhiều người. Những năm gần đây, nền tảng này chỉ được nhắc đến như một ứng dụng sao chép tính năng từ đối thủ, thay vì phát triển những tính năng và sản phẩm riêng. Một số sản phẩm được Facebook ra mắt có tính năng giống YouTube, Twitch, TikTok, LinkedIn, Pinterest và Slack.

Năm 2016, tập đoàn này mua lại nhiều ứng dụng hẹn hò phổ biến và ra mắt đối thủ cạnh tranh Craiglist, đồng thời sao chép lại ứng dụng Stories nổi tiếng nhất của Snapchat ngay trước khi công ty này IPO. Theo CNN, nhiều nguồn tin gần đây cho biết Facebook đang tính làm điều tương tự với ứng dụng chuyên về âm thanh Clubhouse.

Ngoài sao chép, Facebook còn thâu tóm đối thủ nếu không thể đánh bại họ, điển hình là thương vụ với Instagram, WhatsApp và Oculus.

Động thái này là khởi nguồn cho nhiều cuộc điều tra chống độc quyền của giới chức Mỹ. Bộ trưởng Tư pháp bang New York Letitia James từng cáo buộc Facebook "lợi dụng vị thế thống trị và sức mạnh độc quyền để đè bẹp các đối thủ cạnh tranh và loại bỏ sự cạnh tranh”.

Facebook mua lại Instagram vào năm 2012. Ảnh: BI.

Ở một diễn biến khác, nỗ lực sao chép không ngừng nghỉ của nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng đặt ra nhiều nghi vấn về năng lực sáng tạo của Facebook, vốn được xem là yếu tố sống còn của mọi tập đoàn công nghệ.

Thực tế, Facebook không phải công ty công nghệ đầu tiên hay duy nhất sao chép các tính năng của đối thủ, song khó tìm ra một điều gì đó mới mẻ từ tập đoàn này trong nhiều năm gần đây.

CNN dẫn lời ông Tucker Marion, chuyên gia nghiên cứu đến từ Đại học Northeastern (Mỹ), cho rằng sao chép và mua lại đối thủ không phải chiến lược tồi, nhưng cần đi đôi với nỗ lực theo đuổi những ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp. "Họ không thể duy trì điều này mãi. Rồi sẽ đến lúc họ nhận thức được và thấy rằng phải hành động khác biệt", ông nói.

Dù vậy, sáng tạo là quá trình khó khăn và những dự án đổi mới đầy tham vọng cũng chứng minh điều này. Google từng đốt hàng tỷ USD cho những dự án từ khí cầu Internet cho đến xe tự lái. Trong khi đó, bản thân Facebook cũng có nhiều hoạt động từ khi ra mắt News Feed vào năm 2006 - chỉ vài tháng sau khi Twitter ra mắt - giúp thay đổi cách người dùng tiếp nhận thông tin trên mạng.

Trong quá khứ, Facebook từng ra mắt điện thoại nhưng không thành công, thử nghiệm máy bay không người lái chạy bằng năng lượng Mặt Trời để cung cấp Internet và cũng sớm hủy dự án, dự án triển khai tiền thuật toán cũng gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt nỗ lực đổi mới thất bại của Facebook cũng được thể hiện thông qua những nút bấm gần như không được người dùng sử dụng.

Sản phẩm điện thoại của Facebook. Ảnh: Youtube.

Trái lại, các sản phẩm sao chép từ đối thủ lại thành công rực rỡ. Instagram Stories - bản sao Snapchat - đã trở thành hình thức liên lạc và kết nối mặc định cho hàng triệu người dùng. Trong khi đó, Facebook Marketplace nổi lên như một công cụ thay thế phổ biến và an toàn hơn Craiglist.

Sau khi tờ New York Times đề cập thông tin Facebook đang phát triển sản phẩm tương tự Clubhouse vào tuần trước, người phát ngôn Joe Osborne cho biết tập đoàn "luôn tìm cách để cải thiện trải nghiệm âm thanh và hình ảnh cho người dùng".

Ông cho rằng sự lặp lại và cải tiến liên tục những ý tưởng là điều thường thấy tại Thung lũng Silicon, giúp họ mang tới nhiều lựa chọn cho người dùng. Nói cách khác, Facebook đã công khai thể hiện vai trò của người sao chép thay vì người sáng tạo.

Sao chép vốn là vấn đề thường xuyên xuất hiện trong giới công nghệ. Trên thực tế, người dùng thường không quan tâm đến việc ai là người nghĩ ra ý tưởng đầu tiên, họ chỉ quan tâm tới ai đã thực hiện nó tốt nhất.

Chẳng hạn như Apple - không sáng tạo ra smartphone - nhưng lại chế tạo được mẫu smartphone tốt nhất vào thời điểm đó. Đây cũng là lý do Stories của Instagram nhanh chóng vượt qua Snapchat trong chưa đầy một năm, còn tính năng video ngắn Reels của Facebook không đủ sức cạnh tranh với thuật toán đề xuất của TikTok.

Hương Giang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/facebook-da-tro-thanh-bo-may-sao-chep-770-ty-usd-post1184291.html