Facebook đã lách các vụ kiện độc quyền như thế nào?

Vận đen vẫn đeo bám Facebook khi mà ngay trong tuần thứ 2 của năm mới, tập đoàn công nghệ khổng lồ này đã bị tòa án tại thành phố Milan (Italy) phạt tới 4,7 triệu USD vì có hành vi sao chép ứng dụng.

Trong khi đó, tại Mỹ, Facebook cũng đang phải “gồng mình” với các chiến thuật khôn khéo nhằm đối phó với vụ kiện từ Bộ Tư pháp và hơn 40 bang.

4,7 triệu cho "hành vi không đẹp"

Hãng Reuters đưa tin, tòa án phúc thẩm tại Milan hôm 5-1 đã giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm hồi năm 2019 về vụ kiện giữa công ty Business Competence với Facebook. Theo đó, Business Competence cáo buộc mạng xã hội Facebook đã có hành vi “không đẹp” khi sao chép tính năng Nearby trên ứng dụng Faround mà hãng này phát triển. Ứng dụng Faround giúp người dùng có thể xác định được các địa điểm, quán ăn, nhà hàng trong khu vực địa phương của họ. Theo hãng Reuters, phán quyết được giữ nguyên nhưng số tiền phạt lại bị tăng từ 431.000 USD lên mức 4,7 triệu USD. Mức phạt này gần tương đương với số tiền mà Facebook phải bỏ ra hồi năm 2019 để Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) khép lại vụ điều tra bán dữ liệu người dùng cho công ty Cambridge Analytica.

Phát biểu trước báo giới, Sara Colnago, CEO của Business Competence bày tỏ sự hài lòng với mức độ của phán quyết thứ 2 dẫn đến khoản bồi thường khá lớn. Tin từ BBC cho hay, vụ kiện giữa Business Competence và Facebook bắt nguồn từ năm 2012 và “nó như là cuộc chiến của David chống lại Goliath". Nói thêm về vụ việc này, Sara Colnago cho biết: “Facebook thời điểm đó là một nền tảng công nghệ rất khác với các công cụ khác. Các ứng dụng khác như FourSquare và bình luận trên TripAdvisor cho lựa chọn câu lạc bộ, nhà hàng rất mạnh... Chúng tôi đã đưa một ứng dụng tích hợp vào Facebook với kiểu logic này, mang lại khả năng nhất định. Một vài tháng sau, một chức năng nội bộ tương tự như chức năng của chúng tôi xuất hiện trên Facebook. Vì vậy chúng tôi thấy mình thực sự bị loại trừ tất cả các khả năng kinh doanh mà lúc đó chỉ mới bắt đầu. Các thẩm phán của tòa phúc thẩm quyết định mức bồi thường trên cơ sở thẩm định chính thức những thiệt hại mà chúng tôi phải gánh chịu, gấp 10 lần những gì đã quyết định trong phiên sơ thẩm. Giờ thì chúng tôi chỉ chờ đợi thủ tục pháp lý hoàn tất”.

Vừa đối mặt với các vụ kiện ở Mỹ, Facebook vừa bị thông báo khoản phạt 4,7 triệu USD từ một tòa án ở Milan, Italia.

Vừa đối mặt với các vụ kiện ở Mỹ, Facebook vừa bị thông báo khoản phạt 4,7 triệu USD từ một tòa án ở Milan, Italia.

Vận động hành lang như con thoi

Phản hồi đầu tiên sau phán quyết của tòa án phúc thẩm Milan, đại diện của Facebook chỉ đưa ra thông tin đã tiếp nhận phán quyết và cần phải xem xét một cách cẩn thận. Theo giới phân tích, khoản bồi thường nói trên là khá lớn và là cú đánh mạnh vào tập đoàn công nghệ này nhất là khi Facebook đang phải hứng chịu thêm một loạt các vụ kiện chống độc quyền khác của Mỹ.

Facebook hiện bị cáo buộc lạm dụng sự thống trị của mình trong thị trường kỹ thuật số và có hành vi phản cạnh tranh. Các khiếu nại tập trung vào việc Facebook mua lại và kiểm soát Instagram và WhatsApp với giá lần lượt là 1 tỷ USD và 19 tỷ USD trong 2 năm 2012 và 2014. FTC và liên minh các tổng chưởng lý từ 48 bang và vùng lãnh thổ tại Mỹ đã đâm hai đơn kiện riêng biệt chống lại Facebook vào ngày 9-12-2020. FTC muốn xin lệnh cấm vĩnh viễn, có thể dẫn đến việc Facebook thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp; cấm Facebook áp đặt những điều kiện phi cạnh tranh đối với các nhà phát triển phần mềm bên thứ ba. Còn Faceboook phản bác lại vụ kiện, cho rằng FTC đã không nhắc tới việc chính họ là người thông qua các vụ mua bán này vài năm trước.

Nguồn tin từ hãng CNBC cho hay, đối mặt với những vấn đề pháp lý đó, “gã khổng lồ công nghệ” Mỹ đã tăng cường vận động hành lang, thuê các luật sư có năng lực cao và đưa ra một loạt các sáng kiến nội bộ để cố gắng ngăn chặn vụ việc. “Các nhà điều tra liên bang và tiểu bang đang hoàn tất hai vụ kiện chống độc quyền mang tính bước ngoặt đối với Facebook. Trong nhiều tháng, các cơ quan giám sát ở Washington và khắp cả nước đã điều tra Facebook và CEO Mark Zuckerberg về những cáo buộc rằng tập đoàn độc quyền kinh doanh bất hợp pháp. Các nhà quản lý ngày càng tin rằng mạng xã hội khổng lồ trong gần 17 năm qua đã tìm cách thâu tóm hoặc loại bỏ tất cả các đối thủ của mình, tham gia vào các chiến thuật bất hợp pháp để trở thành một trong những dịch vụ kỹ thuật số có lợi nhất trên thế giới”, hãng CNBC viết.

Trong khi đó, Facebook bác bỏ mọi cáo buộc và trong một nỗ lực để minh họa cam kết của mình trong việc cạnh tranh lành mạnh. Các luật sư hàng đầu của tập đoàn cho biết họ sẵn sàng thay đổi một số phương thức kinh doanh của công ty. Một trong những ý tưởng mà Facebook đưa ra là sẽ cho phép một công ty hoặc nhà phát triển khác cấp phép truy cập vào mã mạnh nhất trong mạng lưới của mình để công ty hoặc nhà phát triển này có thể dễ dàng tạo phiên bản mạng xã hội riêng. Nhưng các nhà điều tra Mỹ đã bác bỏ ý tưởng này, tin rằng đề xuất của Facebook là một phần của danh sách các biện pháp khắc phục mơ hồ mà “gã khổng lồ công nghệ” đã trình bày trong năm 2020 và không giải quyết được đầy đủ các mối lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh.

CEO Facebook Mark Zuckerberg trong một cuộc điều trần về chống độc quyền trước Quốc hội Mỹ.

Những cuộc đàm phán căng thẳng

Cuối năm 2020, các cuộc đàm phán căng thẳng của Facebook với đại diện FTC và các bang cho thấy mức độ cấp bách mà tập đoàn tìm cách bác bỏ cáo buộc của chính phủ. Đồng thời, kết quả không khả quan đã báo trước các chiến thuật gây hấn mà công ty dự kiến sẽ triển khai trong cuộc chiến vào đầu năm 2021. Hãng CNN cho hay, trong hơn 18 tháng bị điều tra, Facebook đã tăng cường vận động hành lang, thuê các luật sư chống độc quyền có năng lực cao, từng làm việc trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và đưa ra một loạt các sáng kiến nội bộ tập trung vào các vấn đề cạnh tranh. “Những nỗ lực của Facebook giờ đây đã tạo tiền đề cho một trong những cuộc đụng độ pháp lý có hậu quả xấu nhất trong kỷ nguyên kỹ thuật số: cuộc đọ sức tại phòng xử án giữa “gã khổng lồ công nghệ” trị giá khoảng 800 tỷ USD và một số cơ quan quản lý quyền lực nhất ở Mỹ. Kết quả có thể định hình không chỉ tương lai của Facebook mà còn của toàn bộ thung lũng Silicon cũng như khả năng của chính phủ trong việc giám sát lĩnh vực này”, bài viết trên hãng CNN phân tích.

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Richard Blumenthal, người từng là Tổng chưởng lý của Connecticut trong 20 năm trước khi làm việc trong Quốc hội cách đây một thập kỷ nói: “Các nhà thực thi pháp luật đang rũ bỏ sự tự mãn trong nhiều thập kỷ đã cho các công ty này hoạt động tự do”. Đồng quan điểm này, Michael A. Cusumano - Giáo sư hàng đầu tại trường Quản lý MIT Sloan và là tác giả của một cuốn sách về Microsoft thì nhận định, các vụ kiện nhằm vào Facebook hiện nay mang tính biểu tượng tương đồng với hành động chống độc quyền của chính phủ nhằm vào Microsoft những năm 1990.

“Khi đó, các quan chức tiểu bang và liên bang đã tìm cách trừng phạt Microsoft vì hành động chống cạnh tranh để đảm bảo sự thống trị của hệ điều hành Windows và trình duyệt Web Internet Explorer. Cuối cùng, Microsoft đã thắng thế trong việc ngăn chặn Washington và tổng chưởng lý tiểu bang tháo gỡ các hoạt động của mình nhưng vụ việc đã biến Microsoft thành một công ty thận trọng hơn về những gì họ sẽ nói, đặc biệt là bằng văn bản và cách họ tiến hành kinh doanh. Tôi hy vọng điều tương tự cũng xảy ra với Facebook”, GS Michael A. Cusumano nói.

Năm 2017, tòa án sơ thẩm Milan tuyên bố Facebook chịu trách nhiệm về vi phạm bản quyền và cạnh tranh không lành mạnh chống lại Business Competence.

Đội ngũ pháp lý siêu mạnh

Giáo sư Michael A. Cusumano nhận định, Facebook đã chuẩn bị cho cuộc chiến của họ từ lâu trước khi các cơ quan giám sát liên bang và tiểu bang đệ đơn kiện hồi tháng 12-2020. Cụ thể, kể từ khi bắt đầu bị điều tra, công ty đã dựa vào lời khuyên pháp lý từ Howard Shelanski, một cựu quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Barack Obama và là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của Mỹ về chống độc quyền và thị trường kỹ thuật số. Shelanski, một đối tác của công ty luật Davis Polk, trước đây từng là nhà kinh tế học tại FTC trong khi cơ quan này quyết định không chặn Facebook mua Instagram vào năm 2012 và gần đây cũng đã hỗ trợ chiến dịch tranh cử năm 2020 của Tổng thống đắc cử Joe Biden với tư cách là cố vấn, cũng được Facebook mời gọi.

Hồi tháng 4-2020, Facebook đã thuê Barbara Blank, cựu luật sư chống độc quyền hàng đầu tại FTC làm cố vấn chung của tập đoàn. Bên cạnh đó, “gã khổng lồ công nghệ” còn thu hút thêm hai trợ lý quan trọng từ Đồi Capitol là Anant Raut - người đã hỗ trợ Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein trong Ủy ban Tư pháp Thượng viên và Ritika Robertson, cố vấn của Hạ nghị sĩ Ken Buck. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein hiện nay đang đóng một vai trò quan trọng trong việc “tiêu diệt” Mark Zuckerberg và CEO các hãng công nghệ khác. Còn Hạ nghị sĩ Ken Buck là đảng viên Cộng hòa, người đứng đầu trong hội đồng Hạ viện điều tra những “gã khổng lồ công nghệ” về các hành vi phản cạnh tranh và đưa ra đề xuất những thay đổi sâu rộng đối với luật liên bang.

Chưa hết, Facebook đã khớp việc tuyển dụng nội bộ của mình với một loạt chi tiêu mới, đưa ra những khoản tiền đáng kể để tác động đến các cơ quan quản lý tham gia cuộc điều tra chống độc quyền. Theo một nguồn tin giấu tên, tập đoàn công nghệ này đã huy động được 32 triệu USD để chi riêng cho hoạt động vận động hành lang liên bang trong khoảng thời gian từ 1-1-2019 đến cuối tháng 9-2020. Đồng thời, Facebook đã chi số tiền bổ sung cho quảng cáo và các sáng kiến chính trị khác. Một chiến dịch mới với tên gọi “American Edge”, được khởi động trong năm 2020 để bảo vệ ngành công nghệ khỏi sự giám sát của pháp luật...

Vài ngày sau khi chính phủ đệ đơn kiện Facebook, “American Edge” do đã tiến hành một cuộc thăm dò mới cho thấy rằng các cơ quan quản lý nên "giữ cho các công ty công nghệ trong nước vững mạnh”. Harry First, một chuyên gia về chống độc quyền tại Đại học New York cho biết, điều này cho thấy, Facebook đã tích cực học hỏi từ “những người đi trước”. Nhưng “gã khổng lồ công nghệ” này vẫn phải đối mặt với những trở ngại to lớn.

CEO Facebook trong những ngày gần đây đã tìm cách giảm thiểu mối đe dọa đối với công nhân của mình, cam kết rằng công ty sẽ không hoạt động chậm lại ngay cả khi đối mặt với mối đe dọa lớn về kiện tụng. Chris Cox-một lãnh đạo cấp cao của Facebook đã tổ chức một cuộc gặp với các nhân viên để phác thảo lộ trình phát triển của tập đoàn trong 10 năm tới. Các dịch vụ mới bao gồm một sản phẩm chưa phát hành trả tiền cho người sáng tạo để đưa ra các thông điệp video được cá nhân hóa, dường như là một bản sao của ứng dụng Cameo phổ biến.

Facebook cũng cam kết điều chỉnh lại các dịch vụ truyền thông như ứng dụng nhắn tin của riêng Facebook, cũng như WhatsApp và Instagram để người dùng trên một ứng dụng có thể nói chuyện với những người khác. Trước khi vụ kiện xảy ra, Facebook cũng đã bắt đầu chỉnh sửa cấu trúc nội bộ của mình, tiến hành tổ chức lại toàn công ty để tập trung vào các vấn đề cạnh tranh. Hồi tháng 10-2020, Facebook giới thiệu chương trình đào tạo bắt buộc về “cạnh tranh”, hướng dẫn nhân viên về các cách để tránh các hành vi mà các nhà quản lý có thể coi là có vấn đề hoặc phạm pháp. Chẳng hạn, các nhân viên được yêu cầu tránh thông đồng để săn trộm tài năng hoặc không chấp nhận các sản phẩm và công cụ của các nhà phát triển bên thứ ba của Facebook theo cách có thể gây hại cho các đối thủ đó. Các nhân viên cũng được cảnh báo không cắt quyền truy cập của các nhà phát triển vào các công cụ phần mềm quan trọng của Facebook, được gọi là API, mà không có sự chấp thuận pháp lý.

Ngọc Khuê (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/facebook-da-lach-cac-vu-kien-doc-quyen-nhu-the-nao-627065/