Facebook bảo vệ hay bán đứng người dùng?

Vụ 50 triệu tài khoản Facebook bị lộ thông tin một lần nữa khẳng định chính sách cốt lõi của 'gã khổng lồ' công nghệ: kiếm tiền bằng cách khai thác tối đa dữ liệu người dùng.

Một giáo sư thực hiện khảo sát tâm lý trên Facebook với 270.000 người tham gia và thu thập được dữ liệu của 50 triệu tài khoản. Dữ liệu được bán cho một công ty phân tích, nơi cung cấp dịch vụ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump. Thông tin được sử dụng để đoán định cách người dùng, từ đó "điều khiển" những quảng cáo mà họ sẽ nhìn thấy trên Facebook.Báo chí phanh phui việc công ty phân tích Cambridge Analytica thu thập thông tin của hàng chục triệu người dùng Facebook mà họ không hề hay biết. Đây là bê bối thứ ba mà gã khổng lồ công nghệ vướng phải liên quan đến cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ, sau những cáo buộc về tin giả và ảnh hưởng từ phía Nga. Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng của Facebook một lần nữa cho thấy những vấn đề lớn hơn liên quan đến ảnh hưởng của mạng xã hội đối với dòng chảy thông tin và tiến trình chính trị.

Các chuyên gia trong ngành đều đã cảnh báo vấn đề này từ 2, 3 năm trước. Vụ việc liên quan đến Cambridge Analytica chỉ một lần nữa khẳng định điều này: Facebook kiếm lời bằng cách khai thác tối đa dữ liệu người dùng.

Nhiều năm qua, Facebook đã kiếm tiền bằng cách khai thác kho dữ liệu người dùng này và bán lại cho các công ty phát triển ứng dụng, các công ty quảng cáo. Một khi bị bán đi, hầu như không thể ngăn chặn những dữ liệu đó được tiếp tục bán cho các bên thứ ba với những động cơ . Hơn 2 tỉ người dùng hiện nay của Facebook đều có nguy cơ bị khai thác thông tin, dữ liệu cá nhân mà không hề hay biết.

Vụ việc mới nhất này đang đẩy Facebook đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là niềm tin của công chúng đối với Facebook đang sụt giảm nghiêm trọng. Nó không chỉ đến từ việc gã khổng lồ công nghệ đang đi ngược lại những cam kết bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân họ luôn rêu rao.Đó còn là sự thiếu minh bạch và phủi bỏ trách nhiệm từ Mark Zuckerberg và các lãnh đạo cao cấp khác của Facebook. Điều đáng quan ngại nhất là “người dùng và hầu hết báo giới chỉ mới bắt đầu lờ mờ nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề”, ông Arnoud Zwemmer, chuyên gia về mạng xã hội tại Đại học Amsterdam (Hà Lan), nhận định với Zing.vn.

Chính vì vậy, khía cạnh đáng báo động nhất của vụ lộ thông tin cho Cambridge Analytica nằm ở chỗ: “Về thực chất, đây hoàn toàn không hề là một vụ ‘lộ dữ liệu’. Đó là chính sách kinh doanh cốt lõi của Facebook", theo ông Zwemmer.

Theo điều tra của New York Times, Cambridge Analytica (CA), công ty phân tích dữ liệu chính trị có trụ sở cả tại Anh lẫn Mỹ, được thuê bởi đội ngũ của ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nắm giữ thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng Facebook. Cambridge Analytica cung cấp những công cụ giúp xác định tính cách của cử tri Mỹ và từ đó gây ảnh hưởng đến hành vi của họ.

Đáng chú ý, Cambridge Analytica có mối quan hệ mật thiết với Steve Bannon, giám đốc chiến dịch tranh cử sau này trở thành chiến lược gia trưởng của ông Trump, và Robert Mercer, doanh nhân giàu có thường quyên tiền cho đảng Cộng hòa. Đối tượng khách hàng của Cambridge Analytica rất đa dạng: từ công ty dịch vụ tài chính MasterCard, đội bóng chày New York Yankees đến Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.

Thông tin mà Cambridge Analytica có được, theo New York Times, bao gồm danh tính, bạn bè và những lần nhấn "like" của người dùng trên Facebook. Cambridge Analytica sẽ phân tích tính cách của một người dựa trên những gì họ "like" và sau đó sử dụng thông tin này để điều chỉnh những mẩu quảng cáo mà người dùng nhìn thấy trên mạng xã hội.

Đó là cách mà Cambridge Analytica được cho là đã làm để ảnh hưởng đến hành vi của cử tri trong cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Cambridge Analytica bác bỏ những cáo buộc này, dù thừa nhận họ có thu thập dữ liệu.

Tuy nhiên, một số đoạn băng quay lén được phát sóng hôm 20/3 trên truyền hình Anh cho thấy CEO Alexander Nix "khoe" rằng việc phân tích dữ liệu của họ đóng vai to lớn trong chiến dịch của ông Trump. Trong khi đó, người phụ trách mang dữ liệu của Cambridge Analytica, Alex Tayler, khẳng định chính công ty này đã giúp ông Trump chiến thắng về số phiếu đại cử tri, qua đó đắc cử tổng thống.

Sau khi đoạn băng phát sóng, Cambridge Analytica ra tuyên bố cho biết ông Nix đã bị đình chỉ chức vụ để chờ điều tra toàn diện, đồng thời khẳng định những phát ngôn của vị CEO không đại diện cho giá trị của công ty.

Hiện chưa ai có thể khẳng định các dữ liệu về người dùng Facebook mà Cambridge Analytica đã thu thập giúp ích cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Nhưng ngược lại, cũng chẳng ai dám chắc là kết quả bầu cử Mỹ năm 2016 đã không bị tác động, hay thậm chí là thao túng, dựa trên những thông tin đó.

Christopher Wylie, người từng phụ trách quá trình giám sát thu thập dữ liệu tại Cambridge Analytica, nói về các lãnh đạo công ty trên New York Times: "Luật lệ không quan trọng với họ. Đối với họ, đây là một cuộc chiến và mọi thứ đều công bằng".

"Họ muốn châm ngòi một cuộc chiến văn hóa tại Mỹ", anh nói thêm. "Cambridge Analytica được cho xem là vũ khí để chiến đấu trong cuộc chiến đó".

Mô thức trên được áp dụng trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), tức "Brexit" hồi giữa năm 2016. Cambridge Analytica được cho là đứng sau phe ủng hộ "Brexit", tác động đến quyết định bỏ phiếu của cử tri, góp phần đưa đến "cuộc ly hôn" đầy đau đớn này.

Tờ giấy dán bên ngoài trụ sở CA ở London hôm 20/3 với hình ảnh CEO Alexander Nix cùng dòng chữ "Thông tin của chúng tôi, không phải của anh ta. Hãy vào tù mà ngồi đi". Ảnh: Getty.

Năm 2014, người dùng Facebook từng được đề nghị làm một khảo sát tính cách và tải một ứng dụng. Ứng dụng này yêu cầu người dùng cho phép tiếp cận thông tin cá nhân trên tài khoản của họ cũng như thông tin về bạn bè họ. Đây là hoạt động mà Facebook không cho phép vào lúc đó và sau đó hoàn toàn bị cấm.Công nghệ này được phát triển tại Trung tâm Thống kê Tâm lý học thuộc Đại học Cambridge ở Anh. Trung tâm này từ chối làm việc với Cambridge Analytica, nhưng Aleksandr Kogan, giáo sư tâm lý học người Mỹ gốc Nga tại trường này, sẵn lòng hợp tác. Kogan phát triển ứng dụng của riêng mình và đến tháng 6/2014, anh ta bắt đầu thu thập dữ liệu cho Cambridge Analytica.

Tổng cộng Kogan đã cung cấp hơn 50 triệu hồ sơ Facebook "thô" cho Cambridge Analytica, theo Wylie. Chỉ khoảng 270.000 người dùng tham gia cuộc khảo sát đồng ý để ứng dụng thu thập dữ liệu cá nhân; tất cả họ đều được nói là việc này phục vụ cho mục đích học thuật.

Facebook nói mật khẩu hay "thông tin nhạy cảm" của người dùng không hề bị lộ, và những ngày qua một mực khẳng định rằng những gì Cambridge Analytica làm không phải là một vụ xâm hại dữ liệu. Lý do là Facebook vẫn cho phép những người nghiên cứu tiếp cận thông tin người dùng cho mục đích học thuật và người dùng đã “đồng ý” với quy định này khi họ lập tài khoản.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đã dấu hỏi rất lớn xoay quanh việc liệu người dùng có thực sự “đồng ý” với điều khoản này hay không. Theo Bloomberg, một thực tế rõ ràng là người sử dụng rất dễ bị "dụ" cung cấp các thông tin cá nhân mà chẳng mảy may đắn đo suy nghĩ. Các mạng xã hội như Facebook có những thủ thuật biến việc chấp nhận các điều khoản dịch vụ phức tạp nhìn chẳng khác gì một quyết định vô tư.

Ông Zwemmer nhận định: “Theo nghiên cứu của tôi, rất nhiều người dùng Facebook sẵn lòng chia sẻ bất cứ cái gì trên mạng họ thích tới bạn bè, và không màng đọc các điều khoản quy định dài hàng trăm trang, lại mập mờ, rối rắm và thay đổi liên tục. Với cách dùng Facebook như thế này, vô hình trung người dùng được coi là mặc nhiên đồng ý”.

Facebook cũng khẳng định họ đã cấm việc bán hay chuyển giao dữ liệu người dùng "cho bất kỳ hãng quảng cáo, hãng dữ liệu và bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến quảng cáo và thương mại hóa dữ liệu".

Thế nhưng, ông Zwemmer bác bỏ lập luận này: “Điều quan trọng là không ai đoái hoài tới việc những dữ liệu đó sẽ đi về đâu khi đã được bán cho các bên thứ ba. Các điều khoản quy định chính thức không cho phép công ty phát triển app và các nhà nghiên cứu bán dữ liệu cho bên thứ ba như Cambridge Analytica nên về lý thuyết, có thể khởi kiện hành vi này. Thế nhưng, làm sao kiểm soát được những vi phạm này với tất cả những ứng dụng đó một khi thông tin đã phát tán rộng rãi trên mạng?”

Ông kết luận: “Lý lẽ Facebook luôn vin vào, coi mình là một ‘nền tảng kỹ thuật’, đã không còn ý nghĩa từ lâu. Cần phải có hệ thống luật pháp quy định chặt chẽ hơn tư cách pháp nhân không chỉ của Facebook, mà còn cả Instagram hay WhatsApp nữa. Viễn cảnh đáng sợ nhất, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra, là Facebook sẽ nuốt chửng mọi thứ”.

Trước vụ Cambridge Analytica, Facebook đã phải đối diện với những nghi vấn về việc mạng xã hội này được sử dụng để lan truyền thông tin định hướng dư luận từ chính phủ Nga cũng như tin giả. Vụ việc lần này khiến các nghị sĩ và cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc.Theo New York Times, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết họ đang điều tra về việc liệu Facebook có vi phạm một thỏa thuận năm 2011 về việc bảo mật thông tin người dùng hay không.

“Chúng tôi quan ngại về vấn đề này nhưng chưa thể bình luận gì thêm về cuộc điều tra. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử bất cứ vi phạm nào, giống như trường hợp của Google năm 2012”, đại diện của FTC cho biết.

Tại Quốc hội Mỹ, hai thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và John Kenned đã đề nghị mở phiên điều trần về mối liên hệ giữa Facebook và Cambridge Analytica. Lãnh đạo của Ủy ban Thương mại Thượng viện đã gửi thư đến Zuckerberg yêu cầu giải thích dữ liệu được Cambridge Analytica thu thập như thế nào.

Tại Anh, Ủy ban Thông tin đã xin lệnh khám xét văn phòng của CA tại London. Một ủy ban của nghị viện Anh cũng gửi thư đến CEO Facebook, yêu cầu Zuckerberg có mặt tại ủy ban để điều trần về vụ việc.

Hôm 16/3, một ngày trước khi các bài báo điều tra về vụ Cambridge Analytica xuất hiện trên New York TimesGuardian, Facebook đã ra tuyên bố cho biết không phải tất cả dữ liệu mà Cambridge Analytica có đều đã được xóa và họ đang điều tra việc này.

"Chúng tôi đang quyết liệt hành động để tìm hiểu tính xác thực của những thông tin này. Nếu đúng, đây là một hành vi khác xâm phạm lòng tin và cam kết không thể chấp nhận được của họ", tuyên bố cho hay. Điều này bước đầu tạo được thiện cảm với công chúng.

Tuy nhiên, sang đến ngày hôm sau, các phóng viên tiết lộ Facebook đã gửi thư đến hai tòa soạn báo nói trên nhằm ngăn cản việc tiết lộ thông tin. Nhà báo Carole Cadwalladr, tác giả bài viết trên Guardian, nói rằng Facebook đe dọa khởi kiện, dù New York Times nói họ không xem lá thư họ nhận được là lời đe dọa.

Dù sao, cả hai động thái trên đều gây ra tác dụng ngược, khiến làn sóng chỉ trích thêm mạnh mẽ. Điều đó đã thể hiện rõ trên sàn chứng khoán hôm 19/3 khi cổ phiếu Facebook giảm mạnh 6,77%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2014. Đến ngày 20/3, giá cổ phiếu Facebook tiếp tục giảm thêm 5,3% so với phiên giao dịch hôm trước.

Thông thường, Facebook sẽ rất nhanh chóng xin lỗi người dùng trước thông tin bị sử dụng sai mục đích, hứa làm tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, cho đến ngày 20/3, cả CEO Zuckerberg lẫn COO Sheryl Sandberg chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào về vụ Cambridge Analytica.

Mark Zuckerberg vẫn chưa chính thức lên tiếng về vụ bê bối được xem là sống còn với Facebook. Ảnh: Getty.

Ba tuần trước khi bê bối nổ ra, Zuckerberg đã bán tháo 1,14 triệu cổ phiếu Facebook. Đây là mức bán tháo cổ phiếu lớn nhất từ nội bộ một công ty trong số các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, theo số liệu của hãng nghiên cứu Argus Research.

Mặc dù động thái bán lượng lớn cổ phiếu của Zuckerberg đã có trong kế hoạch trước đó, việc nó diễn ra đúng thời điểm nhạy cảm khiến không ít người băn khoăn về động cơ của vụ bán tháo này.

"Vấn đề là Facebook, không phải là Cambridge Analytica", một ý kiến trên Bloomberg nói.

Đông Phong - An Điền

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/facebook-bao-ve-hay-ban-dung-nguoi-dung-post827811.html