F0 giấu bệnh, nói dối khiến cuộc chiến chống Covid-19 khó khăn hơn

Tại một số nước, cuộc chiến chống Covid-19 vốn căng thẳng lại càng kéo dài hơn khi nhiều trường hợp F0 cố tình giấu việc mắc bệnh, khai báo thiếu trung thực quá trình đi lại.

Đi làm, tập thể dục, ghé qua một số điểm ăn chơi, người đàn ông ở Mallorca (Tây Ban Nha) vẫn sinh hoạt như thói quen bình thường dù biết mình có biểu hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 và nhận kết quả dương tính.

Tới tháng 4, khi bị các đồng nghiệp nghi ngờ nhiễm virus và đề nghị tự cách ly, người này đã cố tình hạ khẩu trang để ho và đe dọa: “Tôi sẽ lây nhiễm virus cho tất cả”. Cuối cùng, cảnh sát buộc phải bắt giữ khẩn cấp.

Tháng 3/2020, nhà chức trách ở thành phố Melbourne, Australia khẩn cấp truy tìm khoảng 70 bệnh nhân từng được điều trị bởi một bác sĩ được xác định đã nhiễm Covid-19.

Dù có triệu chứng như ho, sốt, người bác sĩ vừa quay về từ vùng dịch Mỹ khi đó vẫn bỏ qua các lời cảnh báo và tiếp tục tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp, người bệnh khác.

Dù xuất phát từ tâm lý chủ quan hay lo sợ, các trường hợp giấu bệnh, giấu lịch trình di chuyển đang khiến cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 càng căng thẳng, kéo dài hơn.

 Hơn một năm dịch bệnh hoành hành toàn cầu là chừng đó thời gian nhân viên y tế lo ứng phó với những người có biểu hiện nhưng giấu bệnh, trốn cách ly. Ảnh: SCMP.

Hơn một năm dịch bệnh hoành hành toàn cầu là chừng đó thời gian nhân viên y tế lo ứng phó với những người có biểu hiện nhưng giấu bệnh, trốn cách ly. Ảnh: SCMP.

Uống thuốc hạ sốt để qua mắt nhân viên y tế

Tháng 4 năm ngoái, một người đàn ông Mỹ trả giá đắt khi che giấu việc mình có các triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 để được vào phòng hộ sinh cùng vợ ở bệnh viện Strong Memorial (New York).

Hành động thiếu suy nghĩ của người nhà đẩy tính mạng sản phụ vào nguy hiểm. Đứa trẻ may mắn chào đời, song người vợ bắt đầu có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp ngay sau khi "vượt cạn".

Đến lúc này, người chồng mới thừa nhận mình từng tiếp xúc với người mắc Covid-19 và bản thân có nhiều dấu hiệu cho thấy đã nhiễm bệnh như ho, khó thở.

Trước đó một tháng, cảnh sát Trung Quốc phát hiện nhiều điểm bất thường về lời khai lịch trình di chuyển của một phụ nữ họ Li (37 tuổi).

Để giấu tình trạng sức khỏe, Li đã uống thuốc hạ sốt trước khi lên máy bay xuất phát từ Los Angeles (Mỹ) bay về Bắc Kinh. Tại sân bay, Li cũng nói dối, khẳng định mình hoàn toàn khỏe mạnh.

Cảnh sát ở Mỹ, Trung Quốc từng ghi nhận trường hợp người mắc Covid-19 uống thuốc hạ sốt để qua mắt lực lượng kiểm tra ở sân bay. Ảnh: Reuters.

Hành động giấu bệnh bị bại lộ, Li cũng nhận tin mình dương tính với virus sau đó.

Tệ hơn, Li nhận quyết định khởi tố vì tội "cản trở công tác phòng chống dịch bệnh". Theo luật pháp Trung Quốc, Li có thể đối mặt mức phạt 3 năm lao động công ích hoặc ngồi tù tới 7 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng thời gian, một du học sinh Hàn Quốc trở về từ Mỹ đã vượt qua cửa an ninh sân bay bằng cách tương tự. Nam thanh niên đã lên chuyến bay từ Chicago đi Seoul vào ngày 24/3 và hạ cánh tại sân bay Incheon một ngày sau đó.

Việc đo thân nhiệt bình thường khi qua cổng an ninh đã giúp thanh niên 18 tuổi nhập cảnh thành công. Tuy nhiên đến ngày 26/3, người này có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Kim Ganglip khẳng định chính phủ sẽ báo cáo trường hợp của du học sinh này với cảnh sát để có những hình phạt thích đáng. Theo quy định của Hàn Quốc, người vi phạm các quy tắc nhập cảnh có thể phải đối mặt với án tù một năm hoặc phạt tiền lên tới 10 triệu won.

Nói dối lịch trình di chuyển

Hồi tháng 3 năm ngoái, bệnh nhân N.H.N. (Hà Nội) sử dụng hộ chiếu Anh để di chuyển đến các nước châu Âu, trong đó có Italy là nơi đang bùng phát dịch Covid-19, sau đó về Việt Nam bằng hộ chiếu Việt để tránh bị kiểm dịch.

Cùng với việc khai gian tờ khai y tế để vượt qua vòng kiểm dịch của CDC Hà Nội, N. đã được giải quyết nhập cảnh bình thường.

Cuối tháng 2 năm ngoái, N.T.T. (TP Dĩ An, Bình Dương) "khoe" trên sóng livestream về cách mình qua mắt lực lượng chức năng ở sân bay bằng cách khai báo gian dối.

Trước đó vài ngày, cô gái đi từ vùng dịch Daegu của Hàn Quốc khi đó để đến Busan, từ đó lên máy bay về nước, hạ cánh ở TP. HCM. Do khai báo thiếu trung thực, T. không bị xét vào diện đi cách ly, được phép trở về nhà.

Một động thái trốn tránh các quy định phòng dịch, chữa trị cần thiết cũng đủ khiến những nỗ lực đẩy lùi dịch trước đó đổ bể. Ảnh: Japan Times.

Sau cùng, T. vẫn phải đi cách ly bắt buộc, cùng hàng loạt lời chỉ trích, "ném đá" về suy nghĩ và hành động vô trách nhiệm. Không ai dành cho cô gái lời lẽ nào tán dương, khen cách thức khôn ngoan. Ngược lại, thái độ giận dữ bao trùm.

Khi nhận thức mình đã sai, T. đăng tải lời xin lỗi lên trang cá nhân. "Mình đã có những lời lẽ không hay, quá tiêu cực và mình biết như vậy là sai. Mình thành thật xin lỗi mọi người", cô viết.

Cùng thời điểm này, tại Thái Lan, một nam giới lớn tuổi cũng khiến 30 y bác sĩ tại trung tâm y tế B.Care ở thủ đô Bangkok vào nguy cơ nhiễm virus cao.

Ngày 23/2, người đàn ông đến viện kiểm tra với triệu chứng ho, sốt. Nhưng khi được hỏi, người này giấu lịch trình di chuyển, không khai báo mình vừa trở về từ Nhật Bản - nơi cũng đang đối chọi với số ca nhiễm mới tăng cao.

"Tôi không hề đi ra nước ngoài" là lời người này khẳng định chắc chắn ở cả hai lần lấy chi tiết về quá trình đi lại. Vài giờ sau, người đàn ông mới thú nhận điều ngược lại và lập tức tiến hành xét nghiệm.

Xét nghiệm cho ra kết quả dương tính. Những bác sĩ từng tiếp xúc gần với bệnh nhân trong hai ngày cũng phải đi cách ly ngay sau đó.

Đến tháng 4 năm ngoái, sau khi những bữa tiệc xa hoa tại thị trấn Westport (Mỹ) và Ischgl (Áo) khiến dịch lan nhanh, nhiều người giàu có tham gia các hoạt động này không lên tiếng khai báo lịch sử đi lại vì sợ bị kỳ thị, ảnh hưởng danh tiếng.

Một bức tượng mô phỏng virus corona ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Tâm lý lo sợ

Từ buổi đầu dịch bệnh vào năm ngoái, ông Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, đã cảnh báo các trường hợp "giấu bệnh", cộng với tính chất dễ lây lan của virus chắc chắn sẽ dẫn đến tình hình xấu hơn.

"Khi dịch bùng phát, nhiều người từng tiếp xúc với các ca dương tính giữ im lặng. Họ sợ bị hàng xóm tẩy chay và con cái họ bị cấm tham gia các đội thể thao hay sự kiện ở trường. Họ quá sợ hãi để có thể cung cấp bất kỳ thông tin nào", Thượng nghị sĩ Will Haskell của bang Connecticut (Mỹ) từng nói với NBC News.

"Tôi có nhiều triệu chứng cho thấy mình đã nhiễm Covid-19. Nhưng tôi do dự không biết có thật đúng là mình mắc bệnh không hay chỉ do ám ảnh tâm lý", Pooja Yerramilli, một bác sĩ tại Mỹ kể lại câu chuyện của mình với Stat News.

Câu nói của nữ bác sĩ phần nào phản ánh tâm lý của mỗi người trước đại dịch, nhất là khi triệu chứng họ mắc phải giống với các biểu hiện ốm thông thường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt trên toàn cầu, để đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng, điều cần làm vẫn là chủ động khai báo, cách ly, không ra nơi đông người hay tiếp xúc với những người xung quanh, tránh mầm bệnh phát tán.

Từng chia sẻ với Zing, ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) nhấn mạnh lợi ích của cộng đồng phải được đặt lên trước trong mùa dịch.

“Người đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người khi trốn cách ly, cơ quan quản lý phải tìm kiếm tất cả những người đã tiếp xúc để giám sát và cách ly. Con số này có thể lên cấp số nhân. Như vậy, việc chỉ cách ly một người đơn giản hơn rất nhiều. Bạn không thể đặt quyền lợi cá nhân lên trên sức khỏe cộng đồng".

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/f0-giau-benh-noi-doi-khien-cuoc-chien-chong-covid-19-kho-khan-hon-post1216729.html