F/A-18 chứng minh khả năng cất cánh từ tàu sân bay Ấn Độ

Mặc dù được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay sàn phẳng nhưng F/A-18 vẫn đủ sức cất cánh từ đường băng kiểu nhảy cầu.

Hải quân Mỹ đã cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ thấy khả năng cất cánh từ đường băng kiểu nhảy cầu của loại máy bay chiến đấu trên tàu sân bay sử dụng sàn phẳng và máy phóng này. Mục đích hành động trên để làm gì?

Nguyên nhân là do phía Ấn Độ đang xem xét khả năng mua các loại máy bay chiến đấu từ nước ngoài để trang bị cho tàu sân bay tương lai, trong đó ứng viên sáng giá là F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ.

Đồng thời, điều quan trọng đối với Hải quân Ấn Độ chính là các máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay có thể được vận hành trên hàng không mẫu hạm Vikramaditya chế tạo từ thời Liên Xô và được Nga hiện đại hóa.

Tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ hoàn toàn đủ khả năng cất cánh từ đường băng kiểu nhảy cầu. Ảnh: Boeing.

Tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ hoàn toàn đủ khả năng cất cánh từ đường băng kiểu nhảy cầu. Ảnh: Boeing.

Hải quân Mỹ - như ghi nhận trên các phương tiện truyền thông - đã chứng minh khả năng cất cánh từ đường băng kiểu nhảy cầu của chiếc máy bay chiến đấu này: "Đây là bằng chứng cho thấy nó có thể cất cánh từ các tàu sân bay không được chế tạo ở Hoa Kỳ. Và đó là một điểm cộng lớn cho khả năng xuất khẩu của F/A-18".

"Cuộc trình diễn nhằm phục vụ riêng cho Ấn Độ được tổ chức tại căn cứ quân sự Patuxent River (bang Maryland, Mỹ)", đại diện của Tập đoàn Boeing tại Ấn Độ - ông Ankur Kanaglekar cho biết.

"Vụ phóng thành công và an toàn đầu tiên của F/A-18 Super Hornet từ một đường dốc là bước khởi đầu của quá trình xác minh khả năng tương thích của nó với hàng không mẫu hạm thuộc biên chế Hải quân Ấn Độ".

"F/A-18 Block III Super Hornet không chỉ cung cấp khả năng tác chiến vượt trội cho Hải quân Ấn Độ mà còn tạo cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hàng không hải quân giữa Washington và New Delhi", báo cáo nêu rõ.

Nếu thương vụ này thành công, Boeing sẽ trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ, vượt qua đối tác truyền thống là Nga. Viễn cảnh trên được đánh giá là rất khả thi khi tại quốc gia Nam Á này ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ việc mua F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ thay vì tiếp tục lựa chọn MiG-29K của Nga.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/f-a-18-chung-minh-kha-nang-cat-canh-tu-tau-san-bay-an-do/20210102102627081