F-35 Na Uy chặn Tu-142 Nga bất chấp MiG-31 hộ tống

Tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II của Không quân Na Uy đã có lần làm nhiệm vụ đầu tiên trong khuôn khổ hành động chung của khối quân sự NATO.

Theo báo cáo, vào hôm 8/3, tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II của Không quân Na Uy đã cất cánh làm nhiệm vụ chặn biên đội bao gồm 2 máy bay trinh sát hàng hải Tu-142MR và phiên bản tuần tra chống ngầm Tu-142MK của Hải quân Nga.

Đáng chú ý là biên đội máy bay Tu-142 trên được bảo vệ bởi tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31, chúng bay trong không phận quốc tế phía Nam của khu vực được gọi là "khoảng trống GIUK" (giữa các quốc gia Greenland - Iceland - Anh).

Sau khi bị tiêm kích F-35 của Na Uy chặn, biên đội chiến đấu cơ Nga đã rút lui, vì vậy nhiệm vụ của Không quân Na Uy được nhận xét là "thành công", nhất là khi tốp Tu-142 luôn được MiG-31 kèm sát trong toàn hành trình.

Máy bay tuần tra chống ngầm Tu-142 của Nga được hộ tống bởi tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31

Máy bay tuần tra chống ngầm Tu-142 của Nga được hộ tống bởi tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31

Trong phi vụ hộ tống trên, ngoài tiêm kích F-35A của không quân Na Uy thì còn có cả chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon của Không lực hoàng gia Anh tham gia hỗ trợ, tạo ra ưu thế áp đảo cả về số lượng lẫn năng lực tác chiến so với Nga.

Mặc dù có sự kèm sát nhau nhưng theo báo cáo thì phi công hai bên đã hành xử rất chuyên nghiệp và không để phát sinh bất cứ tình huống gây căng thẳng nào, nhờ vậy mà sự việc trôi qua một cách khá êm đềm.

Các chuyên gia quân sự quốc tế không loại trừ khả năng trong tương lai gần, tiêm kích thế hệ 5 F-35 của Không quân Na Uy có thể va chạm nhiều hơn trong không phận quốc tế với chiến đấu cơ Su-35 hoặc xa hơn trong vài năm tới là Su-57 của Nga.

Không quân Na Uy là lực lượng thứ ba tại châu Âu đưa F-35 vào tình trạng trực chiến

Theo thông báo, đến tháng 11 năm 2019, Na Uy trở thành quốc gia châu Âu thứ ba công bố tiêm kích F-35A Lightning II đã đạt được trạng thái sẵn sàng hoạt động ban đầu để sử dụng trong chiến đấu (sau Anh và Italia).

Trong 2 năm qua, Na Uy đã tiến hành các cuộc thử nghiệm đánh giá F-35A trên lãnh thổ của họ, bao gồm sử dụng trong mùa đông, hoạt động ở các khu vực phía Bắc, tương tác với lục quân, hải quân và không quân nước này.

Na Uy cho biết tới đầu năm 2020, các tiêm kích F-35 sẽ được triển khai tại Iceland để tuần tra không phận nước này dưới sự bảo trợ của NATO. Đến năm 2022, Na Uy sẽ nhận đủ số lượng F-35, điều này cho phép Oslo thực hiện nhiệm vụ "phản ứng nhanh".

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/f-35-na-uy-chan-tu-142-nga-bat-chap-mig-31-ho-tong-3398202/