F-35 là Cú lừa thế kỷ của Mỹ với các đồng minh?

F-35 Lightning II có quá nhiều tật xấu như những chiếc máy bay khác, nhưng đã bị Mỹ khỏa lấp bằng những quảng cáo rùm beng để lừa dối đồng minh?

F-35 gặp sự cố vì chim

Trang tin Mỹ USA Today cho biết, vào hôm 07/5, một chiếc F-35B (phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng) của Thủy quân lục chiến đã bị chim lọt vào động cơ khi đang chạy đà để cất cánh tại căn cứ không quân Iwakuni, tỉnh Yamaguchi của Nhật Bản.

Theo Thiếu tá Eric Flanagan, vụ tai nạn đã khiến chuyến bay bị hủy khi chiếc tiêm kích này lao ra khỏi đường băng. Dù chiếc máy bay và viên phi công vẫn an toàn nhưng động cơ của chiếc F-35B gần như không thể phục hồi.

Điều đặc biệt, vụ việc cũng đã làm cho lớp sơn tàng hình bên ngoài của chiếc F-35B bị hư hại nghiêm trọng. Theo đánh giá ban đầu, vụ tai nạn được xếp vào nhóm A - tức là những tai nạn gây thiệt hại từ 2 triệu USD trở lên hay gây ra chết người hoặc tàn phế.

Sau sự việc này, giới quân sự Mỹ đã thống kê những mất mát nghiêm trọng do F-35 va chạm với chim.

Theo các phương tiện truyền thông, trong năm qua, hơn 14.500 vụ va chạm như vậy đã được ghi nhận có liên quan đến máy bay dân dụng, có nghĩa là khoảng 40 sự cố mỗi ngày, gây ra những thiệt hại lớn cho hàng không thế giới.

Để giải quyết vấn nạn hết sức nguy hiểm này, người ta đã tiến hành các trường hợp bắn chim trong khu vực bãi thử và sân bay, đồng thời chi hàng triệu dollars cho các hệ thống âm thanh đuổi chim, mồi bẫy chim nhưng hiệu quả không được như mong muốn.

Tờ Marine Corps Times cho biết, kết quả điều tra cho thấy, không quân Mỹ đã gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng do máy bay chiến đấu va chạm với chim hoang dã. Hàng năm, những sự cố như vậy làm hỏng máy bay quân sự, gây ra thiệt hại hàng triệu dollars cho Quân đội Hoa Kỳ.

Theo Marines Times, sự cố gần đây nhất là một chiếc F-16 Fighting Falcon của không quân Mỹ tại căn cứ Holloman ở bang New Mexico va phải một con diều hâu trong lúc hạ cánh hôm 17/4, nhưng may mắn là không gây thiệt hại về người và máy bay.

Bức ảnh chụp cảnh xác con chim bị mắc kẹt trong bộ phận càng đáp của máy bay sau đó được đăng trên trang Facebook Air Force amn/nco/snco, một diễn đàn của giới phi công và cựu binh Mỹ.

Lockheed Martin đã lừa dối khách hàng?

Theo Trung úy Jasmine Manning, mỗi sự cố với chim đều làm gián đoạn các chuyến bay và gây hư hại cho máy bay. Do đó, ban lãnh đạo các căn cứ không quân đang cố gắng ngăn chặn những sự cố như vậy và giảm thiểu thiệt hại do chim gây ra đối với những chiến đấu cơ trị giá hàng trăm triệu USD.

Ngoài chiếc F-35B của Mỹ, một sự cố tương tự cũng đã xảy ra đối với một chiếc F-35I Adir của không quân Israel (phiên bản riêng của Israel, trên cơ sở F-35A Lightning II) vào tháng 10/2017, khi nó bị va chạm với chim trong một chuyến bay huấn luyện.

Trang 18 trong báo cáo kết quả thử nghiệm va chạm với chim của siêu tiêm kích F-35 Mỹ do Công ty Lockheed Martin công bố cho thấy “kết quả tuyệt vời”

Trang 18 trong báo cáo kết quả thử nghiệm va chạm với chim của siêu tiêm kích F-35 Mỹ do Công ty Lockheed Martin công bố cho thấy “kết quả tuyệt vời”

Vụ việc khiến lớp sơn phủ chiếc F-35I bị hư hại, khiến chiếc máy bay này phải sửa chữa trong vòng mấy tháng mới có thể bay trở lại.

Tuy nhiên, tai nạn vì chim đối với những chiếc F-35 được cho là rất đáng ngạc nhiên, bởi trước đây, nhà sản xuất Lockheed Martin đã quảng bá những khả năng “rất đáng kinh ngạc” của tiêm kích tàng hình F-35, trong đó có khả năng chống chim siêu việt.

Theo quảng cáo, nếu chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này thực sự có va chạm với chim thì nó có thể nhanh chóng sửa chữa nhỏ để tiếp tục hoạt động bình thường, bởi vì lớp vỏ tàng hình có khả năng chống va đập rất tốt của F-35I khó có thể bị hư hỏng.

Theo công bố của nhà sản xuất Lockheed Martin về các tính năng ưu việt của F-35, khả năng chống va chạm với chim đã được tính toán rất kỹ trong quá trình thiết kế F-35. Nó đã trải qua nhiều thử nghiệm trong các vụ va chạm với chim và cho kết quả rất tuyệt vời, nên đã được cấp giấy chứng nhận hạng “ưu”.

Như vậy, rõ ràng là nhà sản xuất Mỹ đã lừa dối đồng minh và khách hàng khác khi công bố những tính năng siêu việt của F-35, để minh chứng cho mức giá trên trời và phí phát triển cao khủng khiếp của nó.

Rõ ràng là chiếc tiêm kích tàng hình này cũng có đầy đủ các tật xấu như những máy bay khác của Mỹ như không chống chịu được chim, không bay được khi trời mưa vì sợ sét đánh, lớp sơn tàng hình phải sơn phết lại ngay sau mỗi chuyến bay…

Câu nói “đắt xắt ra miếng” liệu có còn phù hợp trong trường hợp của F-35? Với hàng trăm những sự cố đủ kiểu, đủ loại đã được ghi nhận, chiếc tiêm kích tàng hình đắt nhất trong lịch sử hàng không thế giới phải chăng là một “cú lừa thế kỷ” của Mỹ đối với các đồng minh?

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/f-35-la-cu-lua-the-ky-cua-my-voi-cac-dong-minh-3380039/