F-16 Thổ Nhĩ Kỳ vội vã rút lui khi bị Pantsir-S1 đe dọa bắn hạ?

Hệ thống pháo - tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 được cho là nguyên nhân chính dẫn tới việc tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải rút lui.

Hiện nay cuộc nội chiến tại quốc gia Bắc Phi Libya vẫn đang diễn ra hết sức ác liệt xung quanh địa bàn thủ đô Tripoli giữa Quân đội quốc gia Libya - LNA cùng với Chính phủ hiệp định quốc gia Libya - GNA.

Điều cần lưu ý ở đây đó là lực lượng tham chiến không chỉ giới hạn ở riêng hai phe nhóm tại Libya mà còn có sự tham gia của các đồng minh.

Trong số những lực lượng đã có mặt tại Libya thì tiêu biểu là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE ủng hộ LNA, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía GNA.

Nhằm trợ giúp cho đối tác, hai quốc gia trên đã viện trợ cho phe thân hữu của mình những vũ khí rất hiện đại và có tính năng kỹ chiến thuật rất cao.

Ví dụ như UAE cung cấp tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 cho LNA còn Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ máy bay không người lái Bayraktar TB2 và cho tiêm kích F-16 hỗ trợ hỏa lực trực tiếp.

Vấn đề gây lo ngại hiện nay của giới quan sát cũng như truyền thông quốc tế đó là điều gì sẽ xảy ra nếu như các lực lượng nước ngoài trực tiếp giao chiến với nhau?

Tình huống trên vừa suýt xảy ra tại thủ đô Tripoli của Libya nhưng rất may mắn là đã tránh được vào phút chót nhờ công của đối tượng cực kỳ đặc biệt.

Trang Avia của Nga cho biết, trong cuộc tấn công của LNA vào Tripoli, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch tiến hành không kích nhằm yểm trợ giúp đồng minh GNA đẩy lùi đối phương.

Tuy nhiên, do thông tin về việc tham chiến của hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 mà kế hoạch trên đã phải hoãn lại vì Ankara lo ngại tiêm kích F-16 của mình sẽ bị bắn hạ.

Mặc dù Pantsir-S1 chỉ là hệ thống phòng không tầm ngắn, nhưng không quân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi đây là một vũ khí đáng gờm khi nó có thể dễ dàng phá hủy các tiêm kích F-16, hay bắn hạ các loại bom và tên lửa đối đất.

Chuyên gia của trang Avia nói thêm rằng cho đến nay, một số lượng lớn phi cơ quân sự và cả máy bay không người lái đã trở thành nạn nhân của Pantsir-S1, cho thấy hiệu quả cao của việc sử dụng loại vũ khí này với chi phí khá thấp.

Đặc biệt hơn với trường hợp của không quân Thổ Nhĩ Kỳ khi trong quá khứ, một chiếc tiêm kích F-4E Phantom 2 của họ đã bị Pantsir-S1 của Syria bắn rơi hồi năm 2012 khi nó đang tiến hành hoạt động trinh sát.

Mặc dù vậy, hiện tại Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và UAE cũng như các bên liên quan trong cuộc xung đột tại Libya vẫn chưa có phản ứng chính thức nào về những gì báo chí Nga đã đăng tải.

Thông tin trên của tờ báo Nga cũng gây không ít nghi ngờ bởi dù sao đi nữa lực lượng vũ trang nước ngoài vẫn cố gắng tránh xung đột trực tiếp với nhau trên chiến trường Libya.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-f16-tho-nhi-ky-voi-va-rut-lui-khi-bi-pantsirs1-de-doa-ban-ha/837036.antd