F-16 phóng AIM-120, diệt MiG-21 'bằng một cái phẩy tay': Su-30MKI cũng toát mồ hôi hột?

Tiêm kích F-16 của Pakistan, chỉ bằng 'một cái phẩy tay', đã phóng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, bắn rơi MiG-21 Ấn Độ. Su-30MKI cũng có thể gặp nguy, tướng Pakistan dọa.

Truyền thông Pakistan phỏng vấn một chuyên gia quân sự, tướng không quân Kizer Tufar đã nghỉ hưu, người được coi là một trong những phi công quân sự giỏi nhất của quốc gia này những năm gần đây.

Vị tướng về hưu có kinh nghiệm lớn trong việc huấn luyện và chiến đấu trên dòng máy bay tiêm kích F-16 này bình luận về câu chuyện liên quan tới cuộc đối đầu trên không giữa Không quân Pakistan và Ấn Độ tại khu vực biên giới tranh chấp.

Cụ thể, vị tướng về hưu chia sẻ về cuộc không chiến ở sát biên giới giữa các lực lượng không quân hai nước xảy ra hồi tháng 2/2019 - sau khi Ấn Độ thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Pakistan.

Đó chính là trận chiến mà hậu quả khiến viên phi công Ấn Độ Abhinandan Varthaman đã bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh. Tất nhiên, sau đó tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ được cho là đã trả thù thành công cho MiG-21 khi tiêu diệt 1 chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Pakistan.

Tướng Kizer Tufar: "Tại Jamma và Kashmir, Không quân Ấn Độ đã sử dụng các máy bay Su-30MKI phối hợp với những máy bay hoàn toàn cũ (MiG-21), trong khi không quân của chúng ta - F-16.

Xác chiếc MiG-21 và viên phi công Ấn Độ bị Pakistan bắn hạ rồi bắt sống.

Xác chiếc MiG-21 và viên phi công Ấn Độ bị Pakistan bắn hạ rồi bắt sống.

Bởi vì Su-30MKI không có kênh truyền dữ liệu để trao đổi thông tin một cách an toàn với MiG-21, nên radar của nó dù rất mạnh nhưng đã không thể hỗ trợ MiG trong cuộc đối đầu với các tiêm kích của Không quân Pakistan.

Trong trận không chiến nảy lửa, tiêm kích F-16 của Pakistan đã phóng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM và dễ dàng bắn rơi MiG-21, như chỉ bằng "một cái phẩy tay".

Các máy bay tiêm kích Su-30MKI và MiG-29 hiện có trong biên chế Không quân Ấn Độ, đương nhiên sở hữu khả năng cơ động tốt. Nhưng điều đó chỉ giúp chúng trong trận không chiến quần vòng, tức là trong tầm nhìn trực diện hay cận chiến".

Chuyên gia quân sự Pakistan này lưu ý, nếu trận không chiến diễn ra ở "ngoài tầm nhìn trực diện", thì những tiêm kích kể trên xuất hiện các yếu điểm. Yếu điểm chính, theo đánh giá của ông, là những khó khăn với việc trao đổi thông tin, với việc duy trì hệ thống mạng kết nối tập trung trong thời gian diễn ra chiến dịch.

"Tôi không thể đưa ra kết luận thống nhất về tất cả những yếu điểm trong việc điều khiển vũ khí của các tiêm kích Su-30MKI, nhưng tôi có thể thấy rõ một điều:

Những máy bay này "không có cửa" so sánh với sự kết hợp mà Không quân Pakistan đang sử dụng: F-16 và các tên lửa AIM-120. Không quân Ấn Độ hiểu những hạn chế đó, bởi vậy họ quyết định đặt hàng mua tiêm kích Rafale của người Pháp".

Bên cạnh đó, vị tướng về hưu của Pakistan mà được coi là phi công át chủ bài ở chính Pakistan và trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, đã bổ sung thêm rằng hiện nay ông không muốn nói về trình độ của các phi công Ấn Độ điều khiển tiêm kích Rafale.

Xin lưu ý rằng lô 5 chiếc tiêm kích đầu tiên đã tới Ấn Độ từ Pháp hồi cuối tháng 7, và chỉ mới được đưa vào biên chế chính thức của lực lượng Không quân Ấn Độ cách đây vài ngày.

Bảo Lam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/f-16-phong-aim-120-diet-mig-21-bang-mot-cai-phay-tay-su-30mki-cung-toat-mo-hoi-hot-82020189103557901.htm