F-15C rơi khi đấu đối kháng cùng F-22A, có phải bị bắn nhầm như MiG-31?

Trong năm 2018, một tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-15C Eagle của Mỹ đã bị rơi ngoài khơi Nhật Bản trong khi huấn luyện tác chiến cùng F-22A Raptor.

 Không quân Nga mới đây đã tiết lộ sự thật về một tai nạn khó tin đối với tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 Foxhound trong một cuộc tập trận tại Siberia hồi năm 2017.

Không quân Nga mới đây đã tiết lộ sự thật về một tai nạn khó tin đối với tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 Foxhound trong một cuộc tập trận tại Siberia hồi năm 2017.

Chiếc MiG-31 này đã vô tình trở thành mục tiêu của quả tên lửa không đối không R-33 bắn đi từ một máy bay MiG-31 khác trong biên đội do hệ thống nhận dạng địch - ta bị vô hiệu hóa vì khí tài mới.

Vụ việc trên khiến nhiều người liên tưởng tới sự cố của chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-15C Eagle của không quân Mỹ diễn ra vào ngày 11/6/2018.

Chiếc F-15C Eagle số hiệu T/N 84-0008 này thuộc phi đội tiêm kích số 44 - phi đoàn không quân số 18 của Mỹ đóng tại căn cứ Kadena, Nhật Bản đã thực hiện chuyến bay ra vị trí cách bờ biển khoảng 70 dặm.

Khi đó chiếc F-15C này cùng với tiêm kích tàng hình F-22A Raptor đang thực hiện một cuộc tấn công mô phỏng vào nhóm chiến đấu cơ đối phương trên bầu trời Thái Bình Dương.

Tình huống trên rất giống với cuộc tập trận dẫn tới sự cố đối với chiếc MiG-31 của không quân Nga, liệu sự việc này có phải là một vụ bắn nhầm nhau tương tự?

Tuy nhiên mới đây, ngay sau khi xuất hiện bản báo cáo của không quân Nga về sự cố xảy ra với chiếc MiG-31 thì đến lượt ủy ban điều tra của không quân Mỹ cũng phải công bố kết quả xác minh của mình để tránh các phỏng đoán bất lợi.

Theo báo cáo, chiếc tiêm kích F-15C Eagle trên khi đó đang hoạt động bên cạnh chiếc F-22A nhưng không phải là phối hợp theo đội hình, máy bay hoạt động ở độ cao cách mực nước biển 1.650 m và vận tốc đạt 330 km/h.

Phi công điều khiển chiếc F-15C đã cho máy bay leo cao ở góc 65 độ và nghiêng 20 độ về phía phải, góc tấn của phi cơ đạt 39 độ. Chiếc tiêm kích leo lên tới độ cao 1.920 m và vận tốc giảm xuống còn 200 km/h.

Phi công bị kết luận là đã để cho máy bay rơi vào tình trạng thất tốc do thực hiện các thao tác không hợp lý, lực G của chiếc F-15C trên giảm từ 1,2G xuống -0,3G và không thể phục hồi điều khiển được nữa.

Đại tá Harmon S. Lewis Jr, chủ tịch hội đồng điều tra kết luận “3 yếu tố cốt lõi dẫn đến tai nạn gồm mất phương hướng không gian, thiếu đào tạo để phục hồi trạng thái thất tốc, phi công chậm trễ trong phân tích tình hình".

Như vậy vụ tai nạn đối với chiếc F-15C Eagle của không quân Mỹ hoàn toàn là do lỗi của con người chứ không phải sự cố kỹ thuật hay bị chiếc F-22A bên cạnh bắn nhầm như trường hợp tiêm kích MiG-31 của Nga.

Thông qua sự việc trên có thể thấy rằng thao tác của phi công trong không chiến là cực kỳ quan trọng, bởi nếu thực hiện động tác thiếu hợp lý thì chính máy bay của mình sẽ bị rơi mà chưa cần đối phương bắn hạ.

Vấn đề nữa cần được xem xét tới đó là tại sao viên phi công lại chần chừ trong việc tăng lực cho động cơ và điều chỉnh góc máy bay để nhanh chóng thoát khỏi trạng thái thất tốc.

Cuối cùng, phải chăng hệ thống cảnh báo tự động của máy bay đã bị vô hiệu hóa, khi đáng lẽ ra nó phải tự nhận biết được nguy cơ để đưa ra tín hiệu cho phi công hoặc trực tiếp chiếm quyền điều khiển máy bay.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-f15c-roi-khi-dau-doi-khang-cung-f22a-co-phai-bi-ban-nham-nhu-mig31/808475.antd