F-15 mang bom chùm quần thảo Hormuz: Quan trọng là lá gan

Máy bay F-15E Strike Eagle Mỹ không dám và cũng không đủ khả năng ném bom chùm CBU-103/B và CBU-105/B hủy diệt nhóm tàu chiến Iran ở eo biển Hormuz.

Theo tin tức của The Drive cho biết, máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ ở Trung Đông đã nhận được bom chùm, có thể được sử dụng nếu cần thiết, để ngăn chặn các nhóm tàu Iran ở Vịnh Ba Tư bắt các tàu dầu phương Tây qua eo biển Hormuz (Strait of Hormuz).

Như ấn bản công bố, một số máy bay F-15E đã nhận được các hệ thống Wind Corrected Munitions Dispenser (WCMD), thuộc loại bom chùm (Cluster Bomb Unit - CBU) là CBU-103/B, bao gồm 202 quả bom con BLU-97/B Combined Effects Bomblet (CEB) và CBU-105/B, chứa 10 quả bom BLU-108/B Sensor Fuzed Munitions (SFM).

The Drive đã đưa ra kết luận như vậy, tập trung chú ý đến những hình ảnh của F-15E Strike Eagle l đang tham gia tuần tra Vịnh Ba Tư và cung cấp hộ tống trên không cho tàu chở dầu đang đi qua huyết mạch vận tải biển ở eo biển Hormuz ra Ấn Độ Dương.

Tháng trước, Vệ binh Cách mạng Iran đã tiến hành bắt giữ tàu chở dầu của Anh, nhưng chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Anh gần đó đã kịp thời can thiệp. Nhưng một tuần sau đó, Iran đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh bất kể sự hiện diện của chiến hạm Anh-Mỹ. Do đó, các chiến đấu cơ của Mỹ đã tăng cường các chuyến bay hộ tống các tàu thuyền đi qua eo biển Hormuz nối vịnh Ba Tư và vịnh Oman.

Vừa qua, Không quân Mỹ cho biết, các tiêm kích F-15E Strike Eagle, thuộc phi đội viễn chinh 336 đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chiến tranh trên biển, cung cấp hộ tống trên không cho tàu hải quân khi chúng đi qua eo biển Hormuz, Business Insider trích dẫn.

Những chi tiết về vũ khí mà F-15 mang theo trong các phi vụ tuần tra đã được tiết lộ. Căn cứ vào bức ảnh đăng trên trang web của Không quân Mỹ, nhà phân tích quân sự Joseph Trevithick của tờ báo điện tử chuyên về quốc phòng War Zone, cho biết, F-15E đang bay với bom chùm.

Theo giới phân tích phương Tây, loại vũ khí như bom chùm rất phù hợp để nhắm vào các tàu, xuồng tên lửa cao tốc của Iran thường quấy rối tàu thương mại. Iran thường sử dụng rất nhiều tàu cỡ nhỏ để bao vây, ngăn chặn các tàu thương mại; do đó, sử dụng vũ khí này là phù hợp nhất để khắc chế chiến thuật “bầy đàn” của Iran.

Chiến hạm và máy bay chiến đấu Mỹ hiện diện ngày càng đông ở eo biển Hormuz

Chiến hạm và máy bay chiến đấu Mỹ hiện diện ngày càng đông ở eo biển Hormuz

Tuy nhên, giới phân tích quân sự khách quan cho rằng, việc F-15E mang bom chùm hiện diện ở eo biển Hormuz chẳng dọa được ai, nó không thể ngăn chặn việc Tehran chặn bắt các tàu thương mại phương Tây nếu chúng vi phạm lãnh hải Iran hoặc có hành động trái phép trên biển. Nhận định này được đưa ra dựa trên những cơ sở sau:

Thứ nhất là: Liệu Mỹ có dám ném bom xuống tàu Iran hay không?

Giới phân tích cho rằng Mỹ hoàn toàn có thể tiêu diệt đồng loạt hàng chục tàu Iran bằng nhiều loại vũ khí nhưng vấn đề quan trọng nhất là liệu Washington có dám làm hay không, trước viễn cảnh nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện với Tehran?

Theo nguồn tin chính thức, khi Iran bắt tàu chở dầu Stena Impero của Anh, khi đó có sự hiện diện của 1 chiến hạm Anh và vài ba tàu khu trục Mỹ ở trong vịnh Ba Tư.

Mặc dù Anh lí giải tàu khu trục HMS Montrose của họ và các tàu Mỹ “ở xa nên không tới kịp” nhưng với các tên lửa chống hạm tầm xa, nếu Anh-Mỹ quyết tâm bảo vệ tàu, họ hoàn toàn có thể bắn hạ các tàu chiến Iran. Nhưng Washington và London đã không dám làm như vậy. Thế thì, liệu F-15E có gan ném bom xuống tàu Iran? Câu trả lời là không!

Thứ hai là: Bom chùm không thể diệt được tàu cao tốc

Như chúng ta đã xem trong các video, các tàu cao tốc tên lửa Iran có vận tốc rất cao và di chuyển vô cùng linh hoạt.

Bom chùm chỉ có khả năng diệt các mục tiêu cơ giới di chuyển với vận tốc thấp như tăng, thiết giáp và pháo tự hành…, chứ không thể đủ tốc độ và khả năng điều khiển để bám bắt các tàu di chuyển với vận tốc lên đến 80km/h với quỹ đạo hành trình hết sức linh hoạt. Do đó, khả năng mang bom [bất kể là bom chùm] để tấn công một nhóm các tàu cao tốc Iran là điều hết sức phi lí.

Nếu Mỹ quyết tâm, họ không thiếu tên lửa chống hạm để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

Thứ ba là: Trạng chết thì chúa cũng băng hà!

Cũng trong các video trên, các tàu cao tốc tên lửa Iran thường lượn trước các tàu dầu khổng lồ của Anh với khoảng cách chỉ vài chục mét đến vài mét. Liệu bom chùm có đủ độ chính xác để ném vào các mục tiêu rất nhỏ của Iran đang áp sát “con mồi” rất lớn của phương tây hay không?

Giả sử là Mỹ có gan ném bom chùm vào tàu Iran, các tàu này với độ linh hoạt rất cao có thể áp sát các tàu dầu ở khoảng cách chỉ 2-3m để dẫn dụ bom chùm lạc vào con mồi khổng lồ rồi lượn ra ngoài. Khi đó, chắc chắn là bom Mỹ sẽ nện xuống đầu tàu Anh!

Với những nguyên nhân trên, những lời tung hô về cái gọi là “F-15E Mỹ mang bom chùm trị chiến thuật bầy đàn Iran” chỉ là những tuyên bố nhằm trấn an đồng minh hoặc lòe bịp người dân Anh-Mỹ, chứ nó chẳng có giá trị răn đe nào đối với Iran.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/f-15-mang-bom-chum-quan-thao-hormuz-quan-trong-la-la-gan-3384976/