Eximbank nói gì về lùm xùm 'ghế nóng' Chủ tịch HĐQT?

Liên quan đến việc cựu Chủ tịch Eximbank Lê Minh Quốc 'tố' HĐQT đã thực hiện sai luật khi tiến hành bãi nhiệm ông, phía Eximbank đã chính thức lên tiếng.

Eximbank lại gặp rắc rối về nhân sự giữa các nhóm cổ đông lớn?

Eximbank lại gặp rắc rối về nhân sự giữa các nhóm cổ đông lớn?

Trước thông tin một số báo chí đăng tải về việc cựu chủ tịch HĐQT độc lập Eximbank Lê Minh Quốc 'tố' Hội đồng quản trị bãi nhiệm ông sai quy định, Ngân hàng Eximbank đã phát đi thông cáo báo chí trả lời rõ sự việc.

Theo Eximbank, thời gian qua, vấn đề nhân sự luôn là điểm nóng của Eximbank, đặc biệt là vấn đề của các nhóm cổ đông tại ngân hàng. “Hiện có rất nhiều thông tin không chính thống, mang tính suy diễn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín, thương hiệu của Eximbank. Đặc biệt, Eximbank là ngân hàng được niêm yết trên sàn chứng khoán (MCK: EIB – HOSE) và sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 26/04/2019 tới đây”, thông cáo nhấn mạnh.

Eximbank cho biết, ngày 22/3, được sự tín nhiệm và thống nhất cao của Hội đồng Quản trị, Eximbank đã ra Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm Bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay ông Lê Minh Quốc – Thành viên HĐQT độc lập.

Eximbank khẳng định: Việc HĐQT Eximbank đã tổ chức họp phiên 22/03/2019 để bổ nhiệm Bà Lương Thị Cẩm Tú theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp (Điều 53) và theo điều lệ Eximbank (Điều 44). Đồng thời, số lượng thành viên HĐQT tham dự (tại phiên họp ngày 22/3 và các phiên họp trước đó) đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó có sự đồng thuận của 02 thành viên hội đồng quản trị đại diện cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation - cổ đông chiến lược của Eximbank.

Eximbank cho hay, hiện đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước và thực hiện việc công bố thông tin theo đúng quy định của Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới.

Trao đổi với phóng viên, bà Lương Thị Cẩm Tú, tân Chủ tịch HĐQT Eximbank nói: “Bản thân tôi được chọn do tín nhiệm của các nhóm cổ đông. Tôi làm việc vì lợi ích ngân hàng và lợi ích của đông và làm những gì cần phải làm theo đúng quy định”.

Bà Lương Thị Cẩm Tú (bên trái) người vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank thay ông Lê Minh Quốc (bên phải). Ảnh ST

Vòng xoáy quyền lực: không được phép lặp lại

Tại Eximbank, đến cuối năm 2018 có 10 thành viên Hội đồng quản trị, trong đó ông Lê Minh Quốc - được bầu vào HĐQT từ tháng 12/2015 - là thành viên độc lập kiêm Chủ tịch ngân hàng. Ban điều hành do ông Lê Văn Quyết giữ chức Tổng Giám đốc và 9 Phó Tổng giám đốc, trong đó riêng năm 2018 có hai nhân sự mới là ông Nguyễn Cảnh Vinh và ông Nguyễn Hướng Minh, hai nhân sự này trước đó cùng làm việc tại SeABank,

Bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), là ứng viên duy nhất được bầu vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 trong phiên họp thường niên đầu năm 2018. Sau khi trở thành thành viên HĐQT, bà Tú đã đăng ký mua cổ phần EIB và hiện nắm giữ hơn 13,8 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 1,12%).

Như Tiền Phong đã thông tin trong bài viết “Thấy gì từ việc Eximbank đột ngột thay chủ tịch”, vụ việc cựu chủ tịch HĐQT độc lập Lê Minh Quốc phản ánh việc bị bãi nhiệm của ông khiến dư luận quan tâm chú ý và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang theo sát vụ việc này.

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định so với các ngân hàng khác, Eximbank là một ngân hàng khá phức tạp về cơ cấu nhân sự và các nhóm cổ đông lớn tham gia. Bản thân NHNN cũng từng rất "đau đầu" khi phải theo sát việc tái cơ cấu Eximbank nhằm đảm báo sự ổn định trong hoạt động ngân hàng. Thậm chí, Đại hội cổ đông của Eximbank đã từng có thời gian luôn là tâm điểm. Câu chuyện “vòng xoáy” quyền lực của Eximbank có một lần nữa lặp lại sau hơn 2 năm yên ổn?

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, không cho phép bất cứ một nhóm cổ đông nào đi trái với quy định pháp luật và lợi ích chung của ngân hàng và ở đây không có chuyện 'tranh giành quyền lực'. Các nhóm cổ đông phải có sự đồng thuận và thống nhất vì lợi ích chung".

Liên quan đến việc cựu Chủ tịch Eximank “tố” HĐQT đã thực hiện sai luật khi tiến hành bãi nhiệm ông chỉ với sự có mặt của 7/10 thành viên HĐQT (5 có mặt trực tiếp và 2 ủy quyền) chỉ đạt 70% tỷ lệ so với 75% cần phải có, nguồn tin của Tiền Phong đều xác thực: Cuộc họp lần 1 của Eximbank với 5 thành viên có mặt 2 thành viên ủy quyền tức 7/10 mới đạt 70% (quy định là 75%). Sau triệu tập lần 1 bất thành (có mời nhưng Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc không có mặt), Hội đồng quản trị Eximbank đã tiến hành họp lần 2 cũng với 7/10 và đến cuộc họp lần 3 vẫn 7/10 có mặt (và theo quy định những lần này chỉ 51% là đạt) mới tiến hành việc bãi nhiệm trên.

Về việc cựu chủ tịch Eximbank phê phán việc cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation SMBC đề xuất thuê tư vấn để hỗ trợ quy trình đánh giá năng lực của thành viên HĐQT Eximbank và nói nhóm tư vấn đã có những đánh giá không khách quan gây bức xúc, theo tìm hiểu của Tiền Phong, nhóm tư vấn này là 1 thành viên có tiếng thuộc nhóm Big 4 (vốn có tên tuổi trên thế giới) và như lời các chuyên gia trong nghề: không bao giờ bị chi phối bởi các lợi ích nhóm. Một chuyên gia ngân hàng có tiếng từng làm việc với nhiều đối tác ngoài cũng nhận định: “Sumitomo Mitsui Banking Corporation là một định chế tài chính lớn, được đánh giá cao”.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ quan điểm: Việc trước đây HĐQT Eximbank mời anh Quốc (Lê Minh Quốc - PV) làm chủ tịch HĐQT độc lập cũng có thể vì họ chưa tìm tiếng nói chung. Còn đến thời điểm này, nếu trong quan điểm điều hành, các nhóm cổ đông nhất trí đề cử và được một gương mặt đại diện lên làm chủ tịch HĐQT, đó cũng là việc bình thường. Quan trọng mọi thứ cần rõ ràng, minh bạch".

KHÁNH HUYỀN

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/eximbank-noi-gi-ve-lum-xum-ghe-nong-chu-tich-hdqt-1394075.tpo