EVNNPT đầu tư 18.550 tỷ đồng triển khai các dự án truyền tải điện

Với số vốn đầu tư này trong năm 2020, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ khởi công 38 dự án; hoàn thành và đưa vào vận hành 53 dự án truyền tải điện từ 220-500kV.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam lắp đặt trạm biến áp để giải tỏa công suất cho dự án điện năng lượng tái tạo khu vực phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam lắp đặt trạm biến áp để giải tỏa công suất cho dự án điện năng lượng tái tạo khu vực phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết năm 2020, Tổng Công ty có kế hoạch đầu tư với tổng giá trị 18.550 tỷ đồng, gồm 13.703 tỷ đồng đầu tư thuần và 4.846 tỷ đồng trả nợ gốc, lãi vay.

Với số vốn đầu tư này, Tổng Công ty sẽ khởi công 38 dự án; hoàn thành và đưa vào vận hành 53 dự án truyền tải điện từ 220-500 kV.

Theo EVNNPT, năm 2020 thủ tục đầu tư xây dựng quá phức tạp, nhiều khâu kéo dài. Nguồn nhân lực đặc biệt là các công nhân lành nghề làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có xu hướng già hóa; hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và phát triển của EVNNPT tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn, rủi ro của các yếu tố đầu vào cơ bản như biến động tỷ giá ngoại tệ, chính sách tín dụng, tiền tệ...

Mục tiêu của EVNNPT trong năm 2020 là đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch, đặc biệt đối với các dự án đường dây 500kV mạch 3, các dự án giải tỏa công suất các nhà máy điện BOT và các nhà máy điện năng lượng tái tạo.

Để thực hiện mục tiêu này, năm nay, Tổng Công ty tập trung chỉ đạo đối với các công trình quan trọng đảm bảo cấp điện cho miền Nam như: các đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng-Pleiku 2, Sông Hậu-Đức Hòa (giai đoạn 2); Mỹ Tho-Đức Hòa; các trạm biến áp 500kV: Chơn Thành, Đức Hòa; nâng công suất lắp máy 2 các trạm biến áp 500kV Mỹ Tho, Tân Uyên, Ô Môn, Nhà Bè; các TBA 220kV: Bến Lức, Tây Ninh 2...

Bên cạnh đó, Tổng Công ty sẽ tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm đảm bảo cung cấp điện cho Hà Nội và các khu vực kinh tế trọng điểm như đường dây 500kV Thường Tín-Tây Hà Nội, Nâng khả năng tải đường dây 220kV Hòa Bình-Hà Đông; Nâng công suất trạm biến áp 500kV Nho Quan, các trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên, Lạng Sơn, Vân Phong, Hải Châu, Yên Mỹ, Sơn Động...

Tổng Công ty cũng đảm bảo tiến độ các công trình đấu nối, giải tỏa công suất các nguồn điện như đường dây 500kV đấu nối nhiệt điện Nghi Sơn 2, đường dây 220kV đấu nối Nhiệt điện Hải Dương, các TBA 220kV Nghĩa Lộ, Mường Tè, Mường La, Tương Dương, Sông Tranh 2….

Đồng thời đảm bảo tiến độ các công trình phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo như nâng công suất các trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân, Di Linh; các trạm biến áp 220kV Phan Rí, Ninh Phước, Cam Ranh, Lao Bảo, đường dây 220kV Đông Hà-Lao Bảo...

Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2020, EVNNPT và các đơn vị sẽ tập trung triển khai sớm công tác chuẩn bị đầu tư và thỏa thuận tuyến, mặt bằng đối với các dự án Tổng Công ty đã giao các đơn vị quản lý để có đủ thời gian thực hiện cho các giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh việc tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ sớm xem xét có cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đối với các dự án lưới điện truyền tải trọng điểm, cấp bách cần phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, các dự án liên quan đến chuyển đổi đất rừng, Tổng Công ty cũng quản lý chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, nâng cao chất lượng tư vấn thiết kế; chất lượng và thời gian thẩm định phê duyệt của đơn vị và EVNNPT.

Cùng đó, kiểm tra chặt chẽ chất lượng hồ sơ tư vấn trước khi trình duyệt để tránh trường hợp hiệu chỉnh nhiều lần.

Tổng Công ty cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành nâng cao chất lượng lập dự toán để chuẩn xác ngay từ đầu, tránh trường hợp một số gói thầu phải tổ chức lập lại dự toán, đấu thầu lại nhiều lần mới lựa chọn được nhà thầu. Đồng thời triển khai rộng rãi công nghệ khảo sát và thiết kế 3D.

Tổng công ty tập trung hoàn thành các tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế, hợp đồng mẫu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và giảm thiểu thời gian tác nghiệp trong quá trình kiểm tra, thẩm định dự án. Triển khai áp dụng thiết kế chuẩn cho trạm biến áp và đường dây.

Mặt khác, Tổng Công ty cũng tiếp tục chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn xét thầu, tăng cường quản lý hợp đồng và quản lý chất lượng các nhà thầu xây lắp, cung cấp vật tư, thiết bị. Đặc biệt, kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ của dự án.

Cùng đó, thực hiện các giải pháp tăng cường tính cạnh tranh trong đấu thầu như: phân chia các gói thầu lớn thành nhiều lô, gói thầu trung bình nhằm tăng số lượng nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm; Tăng cường đấu thầu tập trung, gộp các gói thầu nhỏ có tính chất tương tự về chủng loại, tính chất để thu hút sự quan tâm của nhà thầu, tăng tính cạnh tranh.

Một trong những nhiệm vụ được EVNNPT tập trung triển khai trong năm nay là Tổng Công ty xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng lập tổng tiến độ, giải phóng mặt bằng, giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu. Quyết liệt chỉ đạo, điều hành các đơn vị, nhà thầu triển khai dự án đúng theo các mốc tiến độ đề ra.

Đặc biệt Tổng Công ty yêu cầu các đơn vị có dự án tìm mọi giải pháp nâng cao chất lượng các dự án được giao, nhất là tập trung nâng cao chất lượng giám sát thi công, nghiệm thu, mua sắm, kiểm tra vật tư thiết bị trên công trường đảm bảo chất lượng đúng theo hợp đồng trước khi đưa vào sử dụng; hoàn thành và triển khai áp dụng Hệ thống Quy trình quản lý chất lượng công tác đầu tư xây dựng trong EVNNPT.

Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng và quyết định đến tiến độ thực hiện các dự án, theo EVNNPT chính là các đơn vị tăng cường bám sát chính quyền địa phương để tranh thủ sự ủng hộ giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng kịp thời, tạo điều kiện để nhà thầu thi công công trình đảm bảo tiến độ.

Lãnh đạo Tổng Công ty và các đơn vị thường xuyên có mặt trên công trường, đặc biệt các công trình trọng điểm để chỉ đạo phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các đơn vị còn có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên giám sát thi công tại hiện trường, tăng cường cán bộ kỹ thuật có mặt tại công trường để phối hợp đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu và tư vấn thiết kế xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, tổ chức nghiệm thu, đóng điện đưa các công trình vào vận hành.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT Đặng Phan Tường, EVNNPT và các Tổng công ty Điện lực đã cùng cam kết đảm bảo đồng bộ tiến độ đầu tư xây dựng giữa các dự án truyền tải điện và phân phối điện.

Đặc biệt để phục vụ giải tỏa công suất một số lượng lớn các nhà máy năng lượng tái tạo mới được đưa vào vận hành trong năm 2019, tập trung chủ yếu tại khu vực Nam Trung Bộ, Tổng Công ty đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện và đưa vào vận hành nhiều dự án truyền tải điện vượt trước tiến độ như nâng công suất trạm biến áp 220kV Tháp Chàm (trước tiến độ 1 năm), Lắp máy biến áp thứ 2 trạm biến áp 220kV Hàm Tân (trước tiến độ 2 tháng), trạm biến áp 220kV Phan Rí (trước tiến độ 3 tháng).

Các dự án khác cũng đang được EVNNPT tập trung mọi nguồn lực và quyết liệt đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu đảm bảo hoàn thành và vượt trước tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Hiện Tổng Công ty đã giao nhiệm vụ quản lý dự án sớm đối với các dự án đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn đến năm 2025, các dự án đầu tư xây dựng được bổ sung vào quy hoạch, nhất là các dự án giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo để các đơn vị chủ động triển khai và đảm bảo tiến độ các dự án theo kế hoạch./.

Mai Phương (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/evnnpt-dau-tu-18550-ty-dong-trien-khai-cac-du-an-truyen-tai-dien/617495.vnp