EVNNPT áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, vận hành

Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý, vận hành, đầu tư lưới điện truyền tải và quản trị doanh nghiệp.

Hiện nay, EVNNPT đang quản lý vận hành hơn 143 trạm biến áp (TBA), trong đó có 80% các trạm biến áp sử dụng hệ thống điều khiển bằng máy tính, các thiết bị bảo vệ, điều khiển trong các TBA đều sử dụng rơle bảo vệ và bộ điều khiển số (đều là các thiết bị điện tử thông minh - IED). Trong đề án Lưới điện thông minh, EVNNPT đã có kế hoạch nâng cấp hệ thống điều khiển các TBA truyền thống đáp ứng tiêu chuẩn IEC 61850 TBA số. Ngoài ra, EVNNPT đang triển khai trạm biến áp số với hệ thống điều khiển sử dụng giao thức IEC 61850 đến cấp mạng thiết bị (process bus) và dự kiến đưa vào vận hành chính thức năm 2019.

Đặc biệt, EVNNPT đang triển khai kế hoạch chuyển các TBA 220 kV sang thực hiện thao tác điều khiển từ xa từ các trung tâm điều độ. Đến nay đã thực hiện chuyển 33 TBA 220 kV sang thao tác xa, theo kế hoạch đến năm 2020, EVNNPT sẽ chuyển 60% TBA 220 kV thành TBA không người trực.

Ngoài ra, EVNNPT cũng đang áp dụng nhiều mô hình công nghệ như:

EVNNPT ứng dụng flycam kiểm tra đường dây.

Ứng dụng máy bay không người lái kiểm tra đường dây: Hiện nay, công tác kiểm tra định kỳ thiết bị, hành lang tuyến đường dây lưới điện truyền tải do nhân viên vận hành thực hiện bằng cách đi dọc tuyến và trèo lên cột để kiểm tra. Máy bay không người lái (UAV) có thể ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý vận hành, đặc biệt kiểm tra thiết bị đang mang điện, đối với khu vực đi lại khó khăn, các vị trí hiểm trở, giúp giảm thời gian kiểm tra và nâng cao năng suất, hiệu quả của người lao động. Trên cơ sở đó, EVNNPT đang triển khai thử nghiệm ứng dụng UAV trong việc kiểm tra định kỳ đường dây.

Trung tâm điều khiển từ xa Trạm 220 kV Mỹ Phước (Bình Dương).

Hệ thống định vị sự cố: Qua thực tế vận hành, nhiều sự cố xảy ra trên các đường dây 500, 220 kV, đặc biệt các đường dây đi qua khu vực địa hình, khí hậu phức tạp, công tác xác định điểm sự cố mất rất nhiều nhân lực, thời gian. Các công ty Truyền tải điện phải huy động một lực lượng lớn cán bộ, rà soát toàn tuyến để xác định vị trí sự cố, nhiều sự cố kéo dài do phải cô lập đường dây để xác định, cô lập điểm sự cố đảm bảo an toàn trước khi khôi phục trở lại vận hành. Hiện nay, EVNNPT đang triển khai dự án lắp đặt thiết bị định vị sự cố cho 69 đường dây 550, 220 kV quan trọng, các đường dây đi qua khu vực đồi núi cao, xảy ra nhiều sự cố. Đến cuối năm 2017, toàn bộ các đường dây 500 kV và các đường dây 220 kV nối nguồn và cấp điện quan trọng đã được trang bị hệ thống định vị sự cố dùng sóng lan truyền. Máy chủ phân tích, xác định điểm sự cố được đặt tại các Công ty TTĐ và tại Cơ quan Tổng công ty.

Sử dụng dây dẫn siêu nhiệt, dây dẫn tổn thất thấp: Với đặc thù tại các khu vực thành thị như Hà Nội, TP.HCM, việc giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng các công trình đường dây mới để đáp ứng nhu cầu truyền tải điện khi phụ tải tăng nhanh tại các khu công nghiệp, các tòa nhà văn phòng mới là rất khó khăn, chi phí cao. Từ năm 2012, EVNNPT cũng đã có nghiên cứu và ứng dụng dây dẫn siêu nhiệt, thay thế dây dẫn nhôm lõi thép tại một số đường dây (ĐD) 220 kV đang vận hành để tăng khả năng mang tải của đường dây như: ĐD 220 kV Thường Tín - Mai Động; ĐD 220 kV Hòa Bình - Xuân Mai; ĐD 220 kV Nho Quan - Ninh Bình; ĐD 220 kV Phả Lại - Phố Nối... Năm 2018, EVNNPT cũng đã triển khai ứng dụng dây dẫn tổn thất thấp cho ĐD 220 kV Trị An - Bình Hòa.

Việc EVNNPT ứng dụng các thiết bị, công nghệ mới trong công tác quản lý, vận hành, bảo vệ hệ thống truyền tải điện là đáp ứng xu thế của cuộc cách mạng 4.0. Bên cạnh đó là góp phần quan trọng để lưới điện truyền tải liên tục an toàn, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

HLX

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/evnnpt-ap-dung-cong-nghe-40-vao-quan-ly-van-hanh-802953.html