EVN và bước tiến thần kỳ

Hơn 6 thập kỷ qua, ngành điện cách mạng Việt Nam đã luôn đồng hành cùng với đất nước, nhân dân trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội, với những thành tích đã đạt được mang đậm dấu ấn của mình.

Đồng hành cùng đất nước

Lịch sử ngành điện cách mạng Việt Nam gắn liền với các phong trào giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Từ trước Cách mạng tháng Tám, với tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật cao, những người thợ điện đã tham gia cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.

 Ngành điện có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngành điện có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội

Năm 1945, Hồ Chủ tịch tuyên bố với thế giới về sự ra đời và nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, ngay sau đó, toàn dân ta đã bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dài 9 năm. Việt Nam chỉ tiếp quản toàn bộ hạ tầng điện sau khi Pháp thất bại tại chiến trường Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Geneve vào năm 1954.

Thống kê tại thời điểm tiếp quản, toàn hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất đặt 109 MW nhưng công suất hữu dụng chỉ khoảng 65,6 MW. Điện chỉ cung cấp cho các nhà máy, sản xuất công nghiệp và một bộ phận dân cư ở thành phố lớn còn hầu hết người dân không được sử dụng.

Với tài sản ít ỏi, lạc hậu và bị hư hỏng nhưng ngay sau khi tiếp nhận, ngành điện đã tập trung phục hồi khai thác hiệu quả các nhà máy cũ; đồng thời xây dựng nguồn điện mới, lưới truyền tải và phân phối điện dưới sự giúp đỡ của các nước anh em trong khối xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng như nhân dân ở miền Bắc, đồng thời chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ 20 năm.

Sau năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, các nhà máy và công trình điện là những mục tiêu đánh phá trọng điểm cùng với những mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, những tổn thất do chiến tranh gây ra không ngăn cản được sức sống vươn lên của ngành điện. Đã xuất hiện nhiều tấm gương kiên cường bám trụ để giữ vững dòng điện, với tinh thần bất khuất "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu", "Trái tim người thợ điện còn đập thì dòng điện không bao giờ tắt", ngành điện đã anh dũng quật cường vừa sản xuất vừa chiến đấu, chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước sau ngày chiến thắng.

Sau niềm vui vỡ òa vào ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ngành điện tiếp tục nhiệm vụ mới hết sức nặng nề và hoàn cảnh, nguồn lực kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, đoàn kết, ngành điện đã vượt qua khó khăn, tiếp tục xây dựng phát triển hệ thống nguồn và lưới điện, đáp ứng nhu cầu cho các hoạt động kinh tế, dân sinh, góp phần quan trọng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế đất nước từng giai đoạn, với mức tăng trưởng trên hai con số.

Dấu ấn và bước tiến thần kỳ

Sau hơn 40 năm giải phóng, đến nay, tổng công suất đặt nguồn toàn hệ thống điện nước ta đã đạt gần 53.326MW, gấp hàng nghìn lần so với năm 1954; hệ thống lưới điện đã phủ kín mọi miền đất nước, có kết nối khu vực. Nhờ đó, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới về quy mô hệ thống điện. Đặc biệt, nhiều công trình điện quy mô, kỹ thuật cao do chính người Việt Nam thực hiện, trong đó phải kể đến công trình Thủy điện Sơn La, Lai Châu hay công trình đường dây truyền tải 500kV Bắc Nam mạch 2&3…

Không chỉ đưa điện lưới quốc gia đến các vùng sâu, vùng xa…, ngành điện tự hào đã quản lý và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo; tỷ lệ số hộ dân có điện trong cả nước đạt 99,47%. Hiệu quả của Chương trình điện khí hóa nông thôn được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là một kỳ tích của ngành điện. Và được trung ương Đảng đánh giá là bước tiến thần kỳ.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức như nhu cầu điện tiếp tục tăng cao, trong khi nguồn nhiên liệu sơ cấp trong nước thiếu hụt đòi hỏi phải nhập khẩu; nguồn vốn vay tín dụng để đầu tư không được Chính phủ bảo lãnh như trước đây… Nhưng bằng nỗ lực của mình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Từ năm 2016 - 2019, ngành điện tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân vượt 10% năm; 9 năm liền tính từ năm 2011 đạt mục tiêu chiến lược "cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và nhu cầu của nhân dân". Tổn thất điện năng của hệ thống năm 2019 thấp hơn 7%. Độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện năm sau tốt hơn năm trước, thời gian mất điện bình quân của khách hàng trong 1 năm giảm từ 1.641 phút vào năm 2016 xuống còn 724 phút vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt trình độ vận hành hệ thống điện của nhóm ASEAN 4 vào năm 2020. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 6 năm liên tiếp, đạt thứ hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế theo đánh giá của WB.

Đặc biệt, EVN đã có bước chuyển mạnh mẽ từ tư duy độc quyền tự nhiên sang thị trường cạnh tranh, lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý; tăng năng suất lao động, gia tăng các dịch vụ tiện ích cho khách hàng, góp phần giảm chi phí nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ đó, mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện không ngừng được cải thiện theo thời gian, đạt trên 8 điểm (điểm giỏi).

Tuy nhiên, đằng sau những con số hữu hạn, điều quan trọng hơn mà ngành điện đã làm được đó là góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân; tạo sự công bằng xã hội, bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền biển đảo.

Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, EVN luôn vượt qua thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, giữ vững vai trò là trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành quả đạt được là tiền đề để Tập đoàn tiếp tục đổi mới, đồng hành cùng đất nước trong quá trình hội nhập toàn cầu.

Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evn-va-buoc-tien-than-ky-130837.html