EVN SPC đầu tư Nhà máy Điện mặt trời tại Côn Đảo

Nhằm phát triển Côn Đảo trở thành 'khu kinh tế, du lịch chất lượng cao', Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) dự kiến khởi công dự án Nhà máy điện mặt trời vào tháng 7/2020.

EVN SPC đầu tư Nhà máy Điện mặt trời tại Côn Đảo

EVN SPC đầu tư Nhà máy Điện mặt trời tại Côn Đảo

Dự án có tổng chi phí trên 91 tỷ đồng, tổng công suất 3,754 MWp, xây dựng tại khu bãi Đất Dốc, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với diện tích đất sử dụng trên 43.500 m². Dự án dự kiến khởi công vào tháng 7/2020 và hoàn thành vào tháng 12/2020.

Nhà máy được xây dựng nhằm cấp điện từ nguồn năng lượng mặt trời giúp giảm tải cho hệ thống máy phát điện diesel hiện hữu vào ban ngày, chuyển sang sử dụng hệ thống máy phát điện diesel vào ban đêm.

Ngoài ra, khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ hỗ trợ cung cấp điện ổn định 24/24h cho nhu cầu sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất... của các hộ dân và doanh nghiệp trên đảo theo quy hoạch phát triển của huyện đảo; tạo động lực phát triển các ngành nghề công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, phục vụ phát triển kinh tế biển và các hoạt động du lịch biển… bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển.

Trước đó, tại Côn Đảo cũng đã triển khai dự án năng lượng điện mặt trời. Dự án Thúc đẩy phát triển điện mặt trời tại Côn Đảo do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ với tổng vốn 1 triệu euro được Công ty Trama TecnoAmbienta SL (Tây Ban Nha) và Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai trong khuôn viên Nhà máy điện An Hội (Côn Đảo). Sau khi kết nối thành công vào lưới điện hạ thế của nhà máy, dự án điện mặt trời Côn Đảo với công suất 36 kWp đã chính thức vận hành từ cuối năm 2014.

Cũng tại Côn Đảo, mới đây đã hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tòa nhà văn phòng Điện lực Côn Đảo. Ông Đoàn Văn Tranh, Giám đốc Điện lực Côn Đảo cho biết, công suất lắp đặt khoảng 100 kWp, trong đó 50% lượng điện được sử dụng cho công trình, phần còn lại hòa vào lưới điện cung cấp cho đảo. Theo tính toán, chi phí đầu tư ban đầu tuy cao, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với sử dụng điện từ máy phát diesel. Cụ thể, nếu sử dụng máy phát, chi phí sản xuất là 6.500 đồng/kWh, trong khi chi phí đầu tư của điện năng lượng mặt trời chỉ 4.500 đồng/kWh và dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm do giá tấm pin năng lượng mặt trời đang ngày càng giảm. Không chỉ tiết kiệm kinh phí đầu tư, nhiên liệu, mô hình điện năng lượng mặt trời còn tạo ra nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường và rất thích hợp với điều kiện lượng nắng dồi dào ở các đảo phía Nam.

Thanh Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/evn-spc-dau-tu-nha-may-dien-mat-troi-tai-con-dao/395437.vgp