EVN quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ

Thời gian qua, Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực, hiệu quả trên cơ sở thực tiễn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Khẩn trương đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất kinh doanh được Đảng bộ EVN xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo.

 Hệ thống điện quốc gia được trang bị các thiết bị hiện đại, giảm tối đa nhân lực trực vận hành

Hệ thống điện quốc gia được trang bị các thiết bị hiện đại, giảm tối đa nhân lực trực vận hành

Theo đó, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-ĐU ngày 22/9/2017 về “Phát triển khoa học, công nghệ đến 2020, tầm nhìn đến 2030” (Nghị quyết 11), trong đó khẳng định quan điểm: Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển Tập đoàn; là một nội dung cần được ưu tiên đầu tư trước một bước trong các hoạt động của Tập đoàn. Định hướng phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ của Tập đoàn phải từng bước tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát triển khoa học công nghệ gắn liền với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển Tập đoàn nhanh và bền vững.

Với tinh thần khẩn trương đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã quán triệt tới các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong Tập đoàn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sự đột phá, chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu về nghiên cứu phát triển, tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng, khai thác công nghệ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy EVN, Tập đoàn đã hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 11: Đến năm 2020, khoa học công nghệ điện đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN. Nhờ đồng bộ các giải pháp và ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, tới hết năm 2019, quy mô hệ thống điện Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á (ASEAN-2), chỉ số tổn thất điện năng đạt ASEAN-3, chỉ số tiếp cận điện năng đạt ASEAN-4…

Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện

Trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Đảng ủy EVN cũng đã ban hành Nghị quyết riêng về “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn” với mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách.

Tập đoàn đã xây dựng và triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn” tới tất cả các đơn vị liên quan. Đảng ủy EVN đã chỉ đạo, lãnh đạo Tập đoàn ứng dụng công nghệ mới trong quản lý vận hành để nâng cao độ tin cậy vận hành và tăng năng suất lao động.

Đến nay, đã có hơn 40 đề án/ dự án/ đề tài/ nhiệm vụ được EVN và các đơn vị triển khai xây dựng và thực hiện.

Một kết quả nổi bật khác là việc EVN thuộc một trong những đơn vị tiên phong trên cả nước đã triển khai văn phòng điện tử (E-Office) từ gần 20 năm trước đây. Đến nay, 100% các đơn vị của EVN đã sử dụng hệ thống E-Office để giải quyết công việc.

EVN cũng đã triển khai ký số các văn bản điện tử trong toàn Tập đoàn với kết quả hiện tại là hầu hết văn bản trong Tập đoàn lưu hành qua hình thức điện tử, ngoại trừ văn bản mật phải quản lý theo quy định. Sau khi triển khai hệ thống văn phòng điện tử E-Office, các báo cáo văn bản giấy của EVN nói chung đã giảm được tới 86%, đem lại hiệu quả cao trong quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, EVN cũng đang từng bước triển khai hệ thống phòng họp không giấy (E- cabinet).

Đặc biệt, trong công tác kinh doanh - dịch vụ khách hàng, ngay từ năm 2013, EVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát hành hóa đơn điện tử trên quy mô lớn. Việc phát hành hóa đơn điện tử không chỉ hiện đại hóa, thay đổi mạnh mẽ nghiệp vụ kinh doanh của EVN, mà còn góp phần tạo tiền đề cho các phương thức thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và giao dịch điện tử trên mạng giữa EVN và khách hàng.

Tới năm 2019, EVN đã hoàn thành đáp ứng điều kiện để cung cấp hợp đồng điện tử. Các giao dịch của khách hàng với EVN, từ khâu yêu cầu dịch vụ đến ký hợp đồng và thanh toán, đều được thực hiện trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ thông tin. EVN cũng là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên hoàn thành việc tích hợp, cung cấp tất cả các dịch vụ điện năng ở mức độ 4 cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Dưới sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua các Nghị quyết chuyên đề về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, các tổng công ty điện lực đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để chăm sóc khách hàng. Tại các trung tâm chăm sóc khách hàng ngành điện không chỉ tiếp nhận yêu cầu, tư vấn qua kênh tổng đài điện thoại, mà còn đa dạng phương thức phục vụ khách hàng qua website, email, webchat, fanpage, App Chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động,…

Đặc biệt, EVN đã ứng dụng thành công chatbot - sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tư vấn khách hàng. Việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và đúng hướng đã tạo sức bật lớn cho EVN, tối đa tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện. Nhờ đó, sự hài lòng của khách hàng đối với ngành điện ngày càng tăng lên.

Theo đánh giá sơ bộ của đơn vị tư vấn độc lập, đến nay EVN đã hoàn thành trên 50% công việc theo lộ trình chuyển đổi số. EVN đặt mục tiêu đến 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đối số, cơ bản hoàn thiện ứng dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0. Đảng ủy Tập đoàn sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể; tăng cường đoàn kết, phát huy sáng kiến, sáng tạo trong phát triển, ứng dụng KHCN; tiếp tục thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 11: Đến năm 2030 hầu hết các lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ khách hàng phải đạt trình độ tiên tiến thế giới, đáp ứng được các yêu cầu của một nước công nghiệp. Huy động có hiệu quả các nguồn lực về KHCN để tăng năng suất lao động trong toàn Tập đoàn ở mức hơn 2 lần mức tăng bình quân cả nước. Hình thành đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ điện có trình độ cao, tâm huyết, tận tụy; đồng thời phát triển các tổ chức khoa học công nghệ, các chuyên gia khoa học điện đầu ngành. Qua đó, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, cung cấp điện và dịch vụ điện với chất lượng ngày càng tốt hơn tới khách hàng.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evn-quyet-tam-chuyen-doi-so-manh-me-142293.html