EVN lên tiếng về khoản 42.000 tỷ đồng đang gửi không kỳ hạn tại ngân hàng

Dân trí vừa đăng tải thông tin cho biết, ngày 29/4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản trả lời chính thức về khoản tiền 42.000 tỷ đồng đang gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng cũng như một số nguyên nhân làm hóa đơn tiền điện tăng.

Theo đó, về khoản tiền 42.000 tỷ đồng gửi tại ngân hàng, số dư tiền gửi hơn 42.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2018 của EVN so với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm (hơn 106.000 tỷ đồng) là quá nhỏ, chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay cho các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than, bán điện) là 55.000 tỷ đồng và trả nợ ngân hàng đến hạn 22.000 tỷ đồng.

“Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao” – văn bản do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Nam ký thay Tổng giám đốc EVN nêu rõ.

EVN gửi hơn 42.000 tỷ đồng không kỳ hạn trong ngân hàng. Ảnh: Lao động

EVN gửi hơn 42.000 tỷ đồng không kỳ hạn trong ngân hàng. Ảnh: Lao động

Theo EVN, số dư tiền gửi không kỳ hạn ở ngân hàng của EVN tại ngày 30/6/2018 tăng rất mạnh so với cùng kỳ các năm trước đó.

Một số ý kiến tỏ ra băn khoản do mức lãi suất cho số tiền này chỉ là 0,2%/năm trong khi nếu gửi có kỳ hạn thì lãi suất tối thiểu cũng là 4,5%/năm, theo đó chi phí cơ hội đối với số tiền này không phải là ít. Tuy nhiên, theo lãnh đạo EVN, tập đoàn này có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, cấp 4 hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ đầu tư đến sản xuất, kinh doanh điện năng. Mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi nhất định để phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.

Còn về tiền điện tăng, EVN cho rằng nhu cầu dùng các thiết bị điện giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh trong thời gian qua tăng cao.

Cụ thể, theo thống kê, tiêu thụ điện tại Hà Nội và TP.HCM giai đoạn cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên gần 58 triệu kWh/ngày. Nguyên nhân tăng tiền điện cũng chịu sự tác động của việc điều chỉnh giá bán điện mà Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3.

Theo các bậc giá điện, người tiêu dùng càng dùng nhiều điện thì số tiền trả càng cao hơn. EVN cho biết tính đến ngày 26/4, trên 32% khách hàng tại Hà Nội dùng nhiều điện hơn tháng trước là 1,5 lần. Tỷ lệ này tại TP.HCM là 22%.

Theo tin từ Dân trí thì EVN cũng đưa ra một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày). Số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ cũng tăng lên. Yếu tố này kết hợp với tăng giá sẽ làm tổng tiền tăng lên.

EVN cũng cho biết đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công khai minh bạch việc ghi chỉ số. Tập đoàn cũng yêu cầu thông báo và phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,5 lần so với tháng trước liền kề.

Trước đó, theo Thanh niên, trong khoảng thời gian từ ngày tăng giá điện (20/3), EVN cho biết đã nhận được các thắc mắc của khách hàng sử dụng điện chủ yếu qua Tổng đài chăm sóc khách hàng, các phản ánh của khách hàng qua mạng xã hội, báo chí….

Trong tổng số trên 108.000 yêu cầu liên quan đến hóa đơn tiền điện của khách hàng, chủ yếu là yêu cầu tra cứu thông tin về giá điện mới, tra cứu chỉ số và hóa đơn tiền điện; trên 13.000 yêu cầu là các kiến nghị về chỉ số, hóa đơn...

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/evn-len-tieng-ve-khoan-42000-ty-dong-dang-gui-khong-ky-han-tai-ngan-hang-a273203.html