EVN góp phần hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia

Quá trình ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam góp phần tiến tới năm 2022 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số và đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số, đáp ứng tốt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2025

Nhằm thực hiện mục tiêu đó, sáng ngày 12/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức "Hội nghị về tự động hóa năm 2022” với chủ đề “Tự động hóa ngành điện trong xu thế chuyển đổi số".

Cơ bản làm chủ công nghệ tự động hóa

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg 2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới tạo ra hiệu quả trong hoạt động của toàn nền kinh tế.

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN nghe giới thiệu về sản phẩm “Make by EVN” của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh tại hội nghị

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN nghe giới thiệu về sản phẩm “Make by EVN” của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh tại hội nghị

Góp phần hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, EVN đã đẩy mạnh chuyển đổi số, không ngừng ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo giá trị gia tăng mới nhằm phục vụ tốt nhất cho các hoạt động của EVN, trong đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề tự động hóa của toàn ngành…

Theo ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN, sự kiện này là cơ hội để EVN và các đơn vị thành viên báo cáo kết quả đã thực hiện, đồng thời trao đổi, thảo luận, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với các đối tác để tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng về tự động hóa và chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao.

Hiện nay, EVN đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quyết tâm cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022, chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025. Trong đó, tự động hóa quy trình sản xuất sẽ thúc đẩy và mang lại hiệu quả trong công tác điều hành, vận hành hệ thống điện liên tục, an toàn, ổn định để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng.

Nhiều ý kiến thiết thực về chuyển đổi số trong ngành điện đã được đưa ra tại "Hội nghị về tự động hóa năm 2022”

Với tinh thần phát huy nội lực cũng như huy động nguồn lực nội tại của Việt Nam, Chủ tịch HĐTV EVN khẳng định, EVN và các đơn vị thành viên đã có nhiều sáng kiến, áp dụng hiệu quả về những ứng dụng của tự động hóa và chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và quản trị doanh nghiệp. Năm 2019, EVN đã ban hành “Một số định hướng cơ bản công tác tự động hóa trong EVN”, năm 2021 xây dựng và ban hành “Đề án tổng thể chuyển đổi số trong EVN”.

Trên cơ sở đó, EVN đã chủ động trong việc nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp tự động hóa các hệ thống điều khiển, làm chủ công nghệ trong công tác tự động hóa và đạt được những thành tựu trong lĩnh vực tự động hóa.

Cụ thể, EVN đã tổ chức nghiên cứu và chủ động được trong công tác tự động hóa khi thực hiện các dự án đường dây, trạm biến áp và xây dựng các trung tâm điều khiển; làm chủ và khai thác hệ thống SCADA/EMS, trong đó thực hiện đầy đủ các chức năng thu thập, giám sát và điều khiển hệ thống điện và tích hợp hệ thống quản lý năng lượng (EMS) phục vụ vận hành hệ thống điện.

Cùng với đó, EVN chuẩn hóa hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa. EVN tự nghiên cứu và phát triển Hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm (EVNHES) dùng chung trong EVN để đọc dữ liệu công tơ từ xa. Phần mềm EVNHES là một hệ thống duy nhất tại Việt Nam có thể kết nối được với tất cả các chủng loại thiết bị trên hệ thống lưới điện của EVN.

Đặc biệt, EVN cũng đã chuẩn hóa mô hình tổ chức các trung tâm điều khiển. Theo đó, các trung tâm điều khiển và trạm biến áp (TBA) không người trực đã đi vào hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả vận hành và năng suất cao cho các đơn vị, mỗi tỉnh có một trung tâm điều khiển để kết nối các TBA không người trực với số lượng tổng cộng 804 TBA không người trực trên toàn quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết đạt được, theo EVN vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, cải tiến và phù hợp với xu thế chuyển đổi số.

Các hiệp hội, đơn vị trình bày về công nghệ mới, các giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất trong ngành điện

Tại hội nghị các hiệp hội, đơn vị giới thiệu về các công nghệ mới, các giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất trong ngành điện. Hội nghị cũng đã nhận được nhiều đóng góp tích cực từ các hiệp hội, doanh nghiệp nhằm xây dựng định hướng trong giai đoạn mới phù hợp với xu thế chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của ngành điện.

Công bố 6 sản phẩm “Make by EVN”

Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng ban Viễn thông & Công nghệ thông tin EVN - cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-HĐTV, công tác tự động hóa đã cải thiện nhanh chóng, thực sự mang lại hiệu quả trong công tác vận hành, khai thác, nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa trong EVN, công tác tự động hóa đã đạt được một số kết quả.

Năm 2021, EVN đã phát động chương trình phát triển các sản phẩm tự động hóa “Make by EVN”, trong đó các sản phẩm “Make by EVN” phải do các đơn vị trong tập đoàn tự nghiên cứu và phát triển. “Trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số, tập đoàn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, EVN có 10 sản phẩm “Make by EVN” và 3 “Make in Việt Nam”” - ông Nguyễn Xuân Tuấn thông tin.

Theo phát động của EVN, các đơn vị đã đăng ký 28 sản phẩm “Make by EVN” và đã lựa chọn được 6 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm sẽ đăng ký dự xét tuyển sản phẩm “Make in Việt Nam”.

Lãnh đạo EVN trao giấy chứng nhận và khen thưởng cho đại diện các đơn vị có sản phẩm được công nhận "Make by EVN"

Tại hội nghị, EVN cũng lần đầu tiên công bố quyết định 6 sản phẩm “Make by EVN”. Cụ thể, Tổng công ty Điện lực miền Trung có 3 sản phẩm, gồm: Công tơ điện tử CPC EMEC; Trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện (EVN ev charger); Thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp (SRFI) và hệ thống cảnh báo sự cố lưới điện (FDS).

Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh có 1 sản phẩm là Chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến (OMS). Hai sản phẩm còn lại thuộc về Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin với sản phẩm Phần mềm thu tập dữ liệu công tơ đo đếm (EVNHES) và Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội với sản phẩm Số hóa công tác điều độ lưới điện.

Tự hào có 1 sản phẩm được xét chọn là sản phẩm “Make by EVN”, ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC - cho biết, đối với tổng công ty phân phối, công tác quản lý mất điện là vô cùng quan trọng. Chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến, chương trình này được viết trên mã nguồn mở hết sức linh hoạt trong việc lập trình cũng như kết nối với các hệ thống khác.

Qua việc ứng dụng chương trình này trên toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh, việc cung cấp điện, phát hiện mất điện, sửa chữa điện, quản lý cung cấp điện sẽ được thực hiện trực quan sinh động trên sơ đồ đơn tuyến. Ngoài ra, kết hợp với hệ thống tự động hóa, thiết bị được giám sát điều khiển, công tơ đo đếm thông minh để truyền dữ liệu về chương trình này và qua đó ngành điện có thể giám sát được tình hình cung cấp điện trên toàn địa bàn thành phố 24/7.

“Chương trình này đã được EVN chấp thuận và sử dụng đại trà đối với tất cả các công ty điện lực trên cả nước. Qua đó, cũng góp phần giúp cho thống nhất và đồng bộ về công tác quản lý, công tác báo cáo”, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC nhấn mạnh.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evn-gop-phan-hien-thuc-hoa-chuong-trinh-chuyen-doi-so-quoc-gia-175006.html