EVN đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025: Có khả thi?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Với thời gian triển khai khá gấp rút, liệu EVN có đạt được mục tiêu đề ra? Tập đoàn này đã có giải pháp gì để bước vào 'thế giới số'?

EVN sẽ xây dựng hệ sinh thái số

Xây dựng hệ sinh thái số

Trong tháng 4/2021, Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên (Hải Phòng) được nghiệm thu, đóng điện, đưa vào sử dụng. Đây là trạm biến áp số đầu tiên của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đầu tư, cũng là trạm biến áp số cấp điện áp 220kV đầu tiên trên toàn quốc. Lãnh đạo EVNNPT cho biết TBA số 220kV Thủy Nguyên được trang bị hệ thống điều khiển bảo vệ tích hợp bằng máy tính của Siemems và có những ưu điểm là giảm khoảng 80% lượng cáp đồng; giảm chi phí vận chuyển, thi công lắp đặt cáp đồng và giảm diện tích mương cáp; giảm không gian lắp đặt các thiết bị điều khiển, bảo vệ,....

TBA số không chỉ là công nghệ mới với Việt Nam mà còn với các nước tiên tiến. Trước khi triển khai dự án, EVNNPT đã tổ chức nhiều hội thảo với các hãng thiết bị lớn trên thế giới như Siemens, ABB, GE,… tuy nhiên tại các nước, số lượng TBA 220kV có quy mô tương tự TBA 220kV Thủy Nguyên sử dụng công nghệ TBA số là rất ít.

Việc đầu tư xây dựng trạm biến áp số, ứng dụng thành quả cách mạng công nghệ 4.0 để vận hành lưới điện mới chỉ là khởi đầu tạo đột phá về chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải điện. EVN đã đặt mục tiêu: Tới năm 2025, sẽ có 100% thiết bị điện trên lưới điện truyền tải được số hóa, được cập nhật đầy đủ về số lượng và dữ liệu thông tin trên phần mềm Quản lý kỹ thuật PMIS. Cùng đó, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), big data để khai thác dữ liệu trong PMIS phục vụ sửa chữa, tối ưu hệ thống điện. AI cũng sẽ được ứng dụng trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh, giám sát các đường dây cao thế…

Theo Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, EVN xác định 5 lĩnh vực chuyển đổi số gồm: Sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin. Đề án cũng đề ra 92 nhiệm vụ cụ thể, giao các đơn vị trong toàn Tập đoàn thực hiện.

EVN sẽ xây dựng một hệ sinh thái số của Tập đoàn; trong đó, kết nối thống nhất các sáng kiến chuyển đổi số từ các đơn vị thành viên. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực năng lượng cũng có thể tham gia hệ sinh thái chuyển đổi số này trên tinh thần hợp tác của kinh tế chia sẻ. EVN mong muốn xây dựng và dẫn dắt hệ sinh thái số này, vì mục tiêu hiện đại hóa, phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam.

EVN cung cấp dịch vụ điện điện tử và chú trọng gia tăng trải nghiệm của khách hàng trên không gian số

Chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng với EVN, là nền tảng tất yếu cho việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Với tính chất ngành Điện là ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, yêu cầu chuyển đổi số sớm và thành công là nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời cũng là giải pháp nâng cao hiệu quả SXKD của Tập đoàn. Đây là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của Tập đoàn hiện nay và thời gian tới.

Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cũng nhận định việc triển khai chuyển đổi số sẽ gặp khó khăn nhất định, do Tập đoàn vẫn còn một số hạn chế về năng lực nghiên cứu công nghệ mới, về tiếp nhận, ứng dụng, khai thác công nghệ số. Sự nhận thức về chuyển đổi số của một số lãnh đạo, cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn còn chưa đầy đủ, toàn diện.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành cho biết, để triển khai hiệu quả chuyển đổi số và an toàn thông tin, phải bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức; thực hiện cách mạng trong nhận thức và tư duy của mỗi CBNV-NLĐ của EVN. Các kế hoạch truyền thông, tuyên truyền tới mọi CBNV-NLĐ trong Tập đoàn được triển khai với tiêu chí truyền thông cụ thể, sinh động, dễ hiểu.

5 lĩnh vực chuyển đổi số của EVN:

- Sản xuất;

- Kinh doanh và dịch vụ khách hàng;

- Đầu tư xây dựng;

- Viễn thông và công nghệ thông tin.

Để triển khai hiệu quả công việc, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động SXKD của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đã được thành lập; Chủ tịch HĐTV EVN trực tiếp làm Trưởng ban, và các lãnh đạo Tập đoàn là Phó Trưởng ban Chỉ đạo. Tiếp đó, 7 tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động SXKD EVN cũng đã được thành lập, khẩn trương bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Về phía các tổng công ty trong EVN cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và có báo cáo cụ thể về Tập đoàn. Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN nhận định, tiến độ ban đầu các công việc chuyển đổi số trong Tập đoàn đạt yêu cầu đề ra. Các đơn vị đã chủ động đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm triển khai tại đơn vị trong năm 2021 và sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo lộ trình từng giai đoạn tới năm 2022, 2025, thể hiện quyết tâm trên hành trình chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số song hành với công tác đảm bảo an toàn thông tin, Tập đoàn sẽ xây dựng hệ thống SOC (Security Operation Center); rà soát, cập nhật hoàn thiện các quy trình vận hành, quy định về an ninh, an toàn thông tin liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống thông tin và cho hệ thống điều khiển, điều độ, vận hành hệ thống điện. Đây là yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra đối với hệ thống an ninh bảo mật của EVN. Các đơn vị trong EVN cũng sẽ xây dựng các kịch bản diễn tập và tổ chức diễn tập phòng chống tấn công, ứng cứu xử lý sự cố và biện pháp khôi phục hệ thống trong các tình huống giả định.

Để triển khai chuyển đổi số, EVN cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Các đơn vị trong Tập đoàn đã được giao chủ động và sáng tạo trong huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số tại đơn vị để đi tắt, đón đầu xu thế công nghệ, vận dụng và ứng dụng có hiệu quả và hoạt động của đơn vị; có cơ chế thu hút những nhân sự xuất sắc để dẫn dắt công nghệ trong EVN.

Chủ tịch HĐTV EVN - Dương Quang Thành

“EVN phấn đấu năm 2022 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số; năm 2025 trở thành doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số, đáp ứng tốt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình thực hiện, EVN tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong định hướng chuyển đổi số và đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội”, Chủ tịch HĐTV EVN - Dương Quang Thành khẳng định.

Trọng tâm chuyển đổi số của EVN:

- “Số hóa dữ liệu”: Mục tiêu “Một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”.

- “Số hóa khách hàng”: Lấy khách hàng là trung tâm, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số.

- “Số hóa quy trình nghiệp vụ”: Cải cách quy trình nghiệp vụ phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số

- Tiếp ứng dụng khoa học công nghệ; tận dụng thành tựu nghiên cứu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

M.HẠNH

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/evn-dat-muc-tieu-tro-thanh-doanh-nghiep-so-vao-nam-2025-co-kha-thi-post107038.html