EVN công bố 6 sản phẩm do các đơn vị tự nghiên cứu, phát triển

Ngày 12/4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị Tự động hóa ngành điện trong xu thế chuyển đổi số và công bố 6 sản phẩm tự động hóa 'Make by EVN'.

Trung tâm điều khiển hệ thống điện giúp Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh khắc phục các sự cố hoàn toàn tự động thay vì thực hiện thao tác thủ công như trước đây.

Trung tâm điều khiển hệ thống điện giúp Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh khắc phục các sự cố hoàn toàn tự động thay vì thực hiện thao tác thủ công như trước đây.

Đây là một trong các sản phẩm đạt được các tiêu chí trong đợt phát động chương trình phát triển các sản phẩm tự động hóa với tên gọi “Make by EVN” do các đơn vị trong EVN tự nghiên cứu và phát triển.

Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN Dương Quang Thành, một trong các mục tiêu EVN thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ là Tập đoàn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, EVN có 10 sản phẩm “Make by EVN” và ba sản phẩm “Make in Việt Nam”.

Theo ông Thành, sự kiện công bố sáu sản phẩm tự động hóa “Make by EVN” đánh dấu nỗ lực tự động hóa quy trình sản xuất nhằm thúc đẩy và mang lại hiệu quả trong công tác điều hành, vận hành hệ thống điện liên tục, an toàn, ổn định để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng.

EVN đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quyết tâm cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022, chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025.

Năm 2022, EVN đưa ra chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”; trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ và tự động hóa vận hành hệ thống điện càng trở nên quan trọng hơn.

Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin EVN, các chương trình, kế hoạch về tự động hóa EVN triển khai xuống các đơn vị trực thuộc, thành viên đều hướng đến các mục tiêu: bảo đảm an toàn cho con người và thiết bị; vận hành thiết bị và hệ thống điện linh hoạt hơn; hiệu quả từ tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và quản trị chuyên nghiệp. Việc thực hiện công tác tự động hóa gắn với chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo EVN, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-HĐTV về “Một số định hướng cơ bản công tác tự động hóa trong EVN”, đến nay, sau 3 năm triển khai, công tác tự động hóa đã cải thiện nhanh chóng, mang lại hiệu quả trong công tác vận hành, khai thác, nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa.

Trong đó, ngành điện đã chủ động, tự chủ nghiên cứu và xây dựng các giải pháp tự động hóa các hệ thống điều khiển; làm chủ công tác tích hợp giải pháp; làm chủ và khai thác hệ thống SCADA/EMS; chuẩn hóa mô hình tổ chức các trung tâm điều khiển; chuẩn hóa hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa và phát triển một số sản phẩm tự động hóa tiêu biểu.

6 sản phẩm tự động hóa “Make by EVN”:

Chương trình Quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến (OMS) của Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.

Sản phẩm Phần mềm thu thập dữ liệu công-tơ đo đếm (EVNHES) của Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin.

Sản phẩm Số hóa công tác điều độ lưới điện của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội.

3 sản phẩm của Tổng công ty Điện lực Miền trung: Công tơ điện tử CPC EMEC; Trạm sạc nhanh cho xe ô-tô điện; Thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp (SRFI) và hệ thống cảnh báo sự cố lưới điện (FDS).

QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/evn-cong-bo-6-san-pham-do-cac-don-vi-tu-nghien-cuu-phat-trien-692873/