EVN có bạc đãi dự án nông nghiệp dùng năng lượng mặt trời mái nhà?

Một doanh nghiệp vừa gửi văn bản đến nhiều bộ, ngành và báo chí phản ánh họ bị đình trệ hoạt động do 'đóng băng' trong ký kết Hợp đồng mua bán điện với EVN.

 Dự án của doanh nghiệp CAS. Ảnh: SL.

Dự án của doanh nghiệp CAS. Ảnh: SL.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp CAS vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ LĐ-TB&XH về việc bị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bạc đãi, phân biệt đối xử đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp trong các dự án Năng lượng mặt trời mái nhà.

CAS là doanh nghiệp đang phối hợp với các tổ chức quốc tế như Oxfarm, SNV, Climate Sense, SEACEF, GreenID... để đưa ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ kết hợp sản xuất năng lượng mặt trời mái nhà cho sản xuất chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy hải sản, trồng rau hữu cơ... Các giải pháp này được rất nhiều địa phương ủng hộ, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể là dự án nông nghiệp công nghệ cao thử nghiệm cho nuôi cá giống tại An Giang, nuôi cá kết hợp trồng rau hữu cơ tại Đồng Tháp và nuôi tôm tại Bạc Liêu…

Tuy nhiên, theo doanh nghiệp này, những hoạt động trên của họ đều bị đình trệ bởi việc đóng băng trong ký kết Hợp đồng mua bán điện đối với EVN.

Theo CAS, đây là sự bạc đãi, phân biệt đối xử. Việc EVN chậm ký kết, thanh toán hợp đồng mua bán điện hơn một năm qua đã khiến hoạt động sản xuất, nghiên cứu phát triển đình trệ, không có nguồn để trả lương cho người lao động, trả nợ cho ngân hàng, một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn, bên bờ vực phá sản…

Từ khi Quyết định 11/2017 - QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra đời, rất nhiều dự án đã ký kết được hợp đồng mua bán điện nên rõ ràng đây không phải là một vấn đề quá mới để các cơ quan cần thêm thời gian nghiên cứu.

Thế nhưng, vẫn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa EVN và Bộ Công thương trong giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư. Phía EVN cho rằng đã trao đổi với cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương rất nhiều lần nhưng không nhận được trả lời.

Phía EVN cho rằng khái niệm “trên mái nhà của công trình xây dựng" là chưa rõ ràng nên EVN cần chờ hướng dẫn từ Bộ Công thương.

Tuy nhiên, theo CAS, việc hiểu từ ngữ trong Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như EVN là chưa phù hợp với tinh thần của quyết định này, cũng như khác hẳn với cách suy nghĩ của thế giới về mặt trời mái nhà.

“Cần hiểu rằng thuật ngữ năng lượng mặt trời mái nhà chỉ là định tính, để phân biệt với loại hình năng lượng mặt trời lắp trên mặt đất, trên mặt nước... Các hệ thống năng lượng mặt trời được lắp phía trên cao của các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp... đều phải được xem như là các hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà.

Trên thế giới người ta đang khuyến khích không sử dụng mái tôn mà tận dụng luôn tấm lợp để làm mái nhà, trong khi đó những quy định cứng nhắc trong việc áp dụng chính sách ở Việt Nam đang khiến doanh nghiệp đầu tư ngày càng khánh kiệt. Chúng tôi đã cố gắng chịu đựng, chờ đợi, nhưng đến giờ phút này chúng tôi không thể chịu đựng được nữa”, bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú, Giám đốc CAS trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Cũng theo bà Cẩm Tú, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 có định nghĩa rõ: "Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng".

Quy định này không yêu cầu các tấm quang điện phải được lắp đặt trên tấm lợp mái nhà. Như vậy, với các hệ thống năng lượng mặt trời nếu được lắp trên mái nhà; không phải dưới mái nhà hay trên mặt đất thì phải được ký Hợp đồng mua bán điện theo quyết định trên.

“Xu hướng thế giới đang rất nỗ lực để thiết kế những tấm lợp nhà tích hợp năng lượng mặt trời để hạn chế sử dụng tài nguyên, nhằm xây dựng những công trình bền vững, thân thiện với môi trường, trong khi đó, các công ty điện lực lại đưa ra yêu cầu phản khoa học là phải bổ sung tấm lợp kim loại thì mới ký Hợp đồng mua bán điện, đồng nghĩa với tiêu hao thêm rất nhiều năng lượng và tài nguyên thiên nhiên khác”, CAS nêu trong văn bản.

Dự án của doanh nghiệp CAS. Ảnh: SL.

Doanh nghiệp này cũng đề nghị Bộ Công thương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chỉ đạo EVN khẩn trương phối hợp làm việc dứt điểm để tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh đang phải chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Chỉ đạo EVN ký kết hợp đồng và thanh toán cho các nhà đầu tư tương tự CAS.

Bên cạnh việc đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, CAS cũng phân tích, nếu cho rằng các tấm pin quang điện đặt trên hệ khung, kèo, không có tấm lợp thì không được coi là năng lượng mặt trời mái nhà thì rất nhiều công trình hiện nay đều không đáp ứng, kể cả nhiều đơn vị trong ngành của EVN thực hiện đầu tư.

Cụ thể là trụ sở của Tổng Công ty Điện lực Hồ Chí Minh, Công ty Điện lực Ninh Thuận, Điện lực Nam Từ Liêm, Điện lực Bà Rịa Vũng Tàu, Điện lực Tây Ninh, Điện lực Vĩnh Long… Tại những đơn vị này, các tấm pin chỉ được lắp trên hệ thống khung giá đỡ, không phải áp vào mái nhà. Hầu hết, các công trình năng lượng mặt trời lắp đặt trên sàn nhà bê tông đều theo hình thức này, vừa để tạo thêm không gian sử dụng, vừa chống nóng cho công trình và vừa sản xuất năng lượng mặt trời.

Được biết, chiều nay (5/8) EVN sẽ tổ chức họp để giải quyết vấn đề này.

Hoàng Anh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/evn-co-bac-dai-du-an-nong-nghiep-dung-nang-luong-mat-troi-mai-nha-d270254.html