EVN cần phát triển hạ tầng ngành điện đồng bộ, thông minh và hiện đại

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN.

Theo Phó Thủ tướng, để bảo đảm an ninh cung ứng điện, cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, thì EVN phải phát triển hạ tầng ngành điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, để làm được điều đó, phải phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hội nhập quốc tế; sản xuất kinh doanh điện năng, tư vấn điện có hiệu quả, phát triển bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của tập đoàn, không chỉ trong nước, mà ở cả khu vực và thế giới.

Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, trong năm 2020, EVN đã bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân.

Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019, trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430MW (tăng 11.780MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng 25,3%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh (tăng 2,9% so năm 2019); điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh (tăng 3,42% so với năm 2019 và bằng 94,73% kế hoạch năm).

Đáng chú ý, trong năm 2020, EVN đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, trong đó, tổn thất điện năng toàn EVN năm 2020 là 6,42% (thấp hơn 0,08% so với kế hoạch và giảm 0,07% so với năm 2019). EVN đã bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến cuối năm 2020 khoảng 733.000 tỷ đồng (tăng 10,16% so với năm 2019). Giá trị nộp ngân sách năm 2020 của toàn tập đoàn ước đạt 27.800 tỷ đồng.

Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh, năm 2021, EVN chọn chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam”, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học - công nghệ trong các hoạt động của tập đoàn; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

EVN đã đặt ra các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. Theo đó, điện thương phẩm là 228,156 tỷ kWh (tăng 5,16% so với năm 2020); chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện thấp hơn 349 phút; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn tập đoàn dưới 6,35%; tổng giá trị đầu tư xây dựng là hơn 97.000 tỷ đồng..

Bảo Châu

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/evn-can-phat-trien-ha-tang-nganh-dien-dong-bo-thong-minh-va-hien-dai-n23255.html