EVN báo cáo kinh doanh lỗ để tăng giá điện năm 2019

Bộ Công thương công bố đề án tăng giá điện trong năm 2019 do hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo lỗ hơn 1.300 tỷ đồng.

EVN lý giải chi phí đầu tư sản xuất tăng dẫn đến kinh doanh lỗ.

“Giờ điện có 10.000 đồng/kWh dân cũng phải dùng… vì hết lựa chọn”

Được hỏi về việc có thông tin sắp tăng giá điện, ông Phạm Văn Hai, quận 9, TP.HCM một viên chức về hưu ngao ngán nói, “điện lên giá thì la trời một tiếng rồi bao nhiêu cũng phải trả. Giờ có 10.000 đồng/kWh cũng phải trả. Chứ không lấy gì mà xài?”.

Trước thông tin sắp tăng giá điện, phần lớn công nhân, sinh viên có mức thu nhập thấp càng lo lắng hơn. Bởi họ cho rằng, thu nhập (lương) không tăng bao nhiêu mà các chi phí điện, nước… liên tục tăng đã “siết” cuộc sống họ rất nhiều.

Em Huỳnh Thị T., một sinh viên đang ở trọ cho biết “bình thường giá điện chưa tăng em đã bị chủ trọ thu mắc gấp đôi. Nay có thông tin sắp tăng, vậy liệu em phải chịu khoản tiền cao bao nhiêu nữa”.

Lo lắng của em T. hoàn toàn có cơ sở, bởi công nhân, sinh viên phải trả cho chủ nhà trọ gấp đôi gấp ba thậm chí là gấp nhiều lần giá bán ra của Tập đoàn Điện lực.

Người tiêu dùng lo ngại gánh thêm khoản phí khi giá điện tăng.

Doanh nghiệp cũng mệt

Khi giá điện tăng, nhất là vào các thời điểm tăng tốc sản xuất nhằm cung ứng kịp thời sản phẩm ra thị trường sẽ khiến đội chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay điêu đứng.

Ông Lưu Quang Trí, chủ một cơ sở kinh doanh cơ khí ở Thủ Đức, TP.HCM cho hay, “điện là nguồn sống của doanh nghiệp” nhất là ngành cơ khí. Ông Trí lo ngại vấn đề giá điện tăng sẽ đội giá sản phẩm cung ứng ra thị trường, như vậy hàng sẽ cạnh tranh gay gắt và khó khăn hơn.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền nhận định, “điện là nguồn năng lượng chính trong sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Khi giá điện tăng thì chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng nên trước mắt sẽ ảnh hưởng đến giá thành của doanh nghiệp. Khi đó, chi tiêu mua hàng tiêu dùng và chi trực tiếp tiền điện của người dân cũng tăng theo sẽ tạo áp lực lên cuộc sống của người dân.”

Các doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm khoản chi phí buộc đội giá thành sản phẩm khi đưa ra thị trường.

EVN báo lỗ, Bộ Công thương nói có lãi

Đại diện Bộ Công thương cho biết doanh thu bán điện năm 2017 của EVN là 289.955,78 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.660,19 đồng/kWh. Theo số liệu của bộ này, năm 2017, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 174,65 tỷ kWh. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 291.278,46 tỷ đồng. Như vậy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667,77 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016.

Như vậy, EVN bị lỗ 1.323,68 tỷ đồng. Trong đó, EVN phải bù cho giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại 7 xã, huyện đảo là 184,33 tỷ đồng.

Lý giải chuyện chi phí sản xuất tăng, do giá than năm 2017 đã tăng 5,7%, giá dầu DO, FO bình quân tăng 21,95% và 32,84%. Giá dầu HSFO cũng đã tăng 39,2% dẫn đến giá khí thị trường cao. Mặt khác, thuế suất tài nguyên nước tăng, tỷ giá USD tăng cũng là một phần nguyên nhân

Tuy nhiên, cũng theo công bố của Bộ Công thương đầu tháng12/2018: Nếu tính tổng các lĩnh vực sản xuất trong đó có điện và các khoản đầu tư ngoài ngành khác thì EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng năm 2017. Nhưng còn một số chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của năm 2017 như lỗ chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là 1.940,29 tỷ đồng.

Hệ lụy của việc EVN vẫn độc quyền thị trường điện

Tập đoàn EVN được giao độc quyền truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng. Giá bán điện do Tập đoàn EVN, Bộ Công thương đưa ra, doanh nghiệp và người tiêu thụ bắt buộc phải chấp nhận giá bán không được quyền thương lượng. Vậy mà nhiều năm nay, Tập đoàn EVN vẫn liên tục khai lỗ với lý do giá bán điện thấp hơn giá thành để đòi Nhà nước cấp bù lỗ hay cho tăng giá điện.

Cũng theo chuyên gia Huỳnh Thanh Điền, giá điện ở Việt Nam hiện tại thấp hơn nhiều nước do chính sách trợ giá của Chính phủ thông qua bù lỗ doanh nghiệp cung cấp điện. Việc tăng giá điện là cách thức Chính phủ đang hạn chế mức trợ giá để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Khi đó, người dùng điện phải chi thêm tiền thay vì ngân sách, người dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít cũng phù hợp với nguyên tắc của thị trường.

Tuy nhiên, chính sách trợ cấp giá điện trong thời gian qua cũng có nhiều bất cập. Khi có trợ cấp, doanh nghiệp không có động lực tối ưu hóa nguồn năng lượng sử dụng cho sản xuất, người tiêu dùng không tiết kiệm, gây lãng phí trong sử dụng điện, tạo áp lực lớn lên ngân sách.

Theo ông Điền, thời trang tới nên cổ phần hóa các nhà máy phát điện để các đơn vị này cạnh tranh nhau trong cung cấp điện, Nhà nước nên giữ lại đường dây truyền tải điện như là cơ sở hạ tầng cho cung cấp điện. Việc mua bán điện nên để cơ chế thị trường quyết định, chính phủ không cần ấn định giá điện và điều chỉnh giá điện nữa.

Phương án tăng giá điện 2019

- Nếu tính toán chi phí làm giá điện tăng từ 3% thì mới được quyền điều chỉnh. Trong đó, chi phí tăng từ 3-5% EVN được quyền điều chỉnh, từ 5-10% sẽ do Bộ Công thương điều chỉnh, còn trên 10% hay vượt khung giá thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Vừa qua Bộ Công thương cũng xây dựng dự thảo thay thế Quyết định 28 của Chính phủ theo hướng tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ hộ nghèo sử dụng dưới 30 kWh/tháng.

- Về thời điểm tăng giá điện sẽ không sớm hơn 6 tháng so với đợt tăng gần nhất. Đợt tăng gần nhất được thực hiện vào tháng 12/2017, nên sau khi xây dựng xong phương án tăng giá điện, EVN sẽ điều chỉnh nếu giá tăng 3-5%.

Kim Ngọc

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/evn-bao-cao-kinh-doanh-lo-de-tang-gia-dien-nam-2019-d73353.html