EVFTA & thị trường lao động: Thêm nhiều việc làm, nhiều thách thức

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự báo sẽ mở ra cơ hội phát triển thị trường lao động. Song để tận dụng cơ hội này, nhà nước và doanh nghiệp (DN) cần chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, bổ sung các chính sách và hợp tác trong thực thi những vấn đề liên quan.

Tăng việc làm, thu nhập

Cùng với xóa bỏ đến 99% thuế xuất khẩu (XK), mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh, nhất là thị trường XK hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), các chuyên gia kinh tế nhận định, EVFTA sẽ thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam phát triển theo chiều hướng tích cực.

Nâng cao trình độ cho người lao động là đòi hỏi bắt buộc để tận dụng cơ hội từ EVFTA

Nâng cao trình độ cho người lao động là đòi hỏi bắt buộc để tận dụng cơ hội từ EVFTA

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) - cho biết: Hiện DN châu Âu chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề chính, như: Bất động sản, khách sạn, du lịch, năng lượng tái tạo... khi EVFTA có hiệu lực, các DN châu Âu sẽ có sự phân phối lại quá trình sản xuất giữa khu vực châu Âu và châu Á theo hướng đầu tư vào các ngành cần nhiều lao động, như: Dệt may, da giày tại Việt Nam, và sẽ mang đến những cơ hội việc làm mới.

Còn theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trước yêu cầu mở rộng sản xuất, một số ngành sẽ cần bổ sung lực lượng lao động. Cụ thể, ngành khai khoáng tăng khoảng 3,41%/năm; dệt tăng 1,53%/năm;… Ngoài ra, một số ngành khác sẽ có mức tăng lao động hàng năm cao hơn hiện nay, lần lượt tăng khoảng 3,7%; 2,65% và 2,49% với các ngành vận tải đường thủy; sản xuất kim loại và sản xuất máy móc, thiết bị. Cùng với nhiều cơ hội việc làm mới, nhờ tác động của EVFTA, giai đoạn 2020-2035, mức lương bình quân của lao động Việt Nam sẽ tăng thêm 3%.

Chủ động tận dụng thời cơ

Bên cạnh cơ hội, EVFTA cũng đưa đến nhiều thách thức với thị trường lao động Việt Nam, trong đó, chất lượng nguồn nhân lực là một “rào cản” được nhận định là không dễ vượt qua trong ngắn hạn. Theo phân tích của ông Nguyễn Hải Minh, hoạt động của các DN châu Âu phần lớn dựa vào công nghệ, do đó, yêu cầu của họ sẽ không đơn thuần là chi phí nhân công rẻ mà cả về kỹ năng và trình độ chuyên môn cao. Do đó, giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam là, đẩy mạnh hợp tác công-tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề, nhằm thiết kế được các chương trình đào tạo phù hợp sát với thực tiễn của DN.

Từ các nguyên tắc đề cập trong EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chỉ ra rằng, EVFTA đặt ra các nguyên tắc về lao động liên quan tới hệ thống pháp luật hiện tại, đến các cam kết của Việt Nam khi tham gia các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Những cam kết này đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh các chính sách và pháp luật về lao động. Đặc biệt, với nguyên tắc “tự do liên kết, thương lượng”, tức là người lao động được tự do thành lập tổ chức đại diện cho mình ở cấp DN và cấp cao hơn, tác động trực tiếp tới DN vì DN sẽ bỏ chi phí thế nào trong bối cảnh 1 DN có nhiều tổ chức đại diện và sẽ gây nhiều rắc rối trên thực tế.

Theo đó, để tận dụng cơ hội phát triển thị trường lao động bền vững, hài hòa, mang lại lợi ích đồng thời cho người lao động và DN trong lâu dài, cả nhà nước và DN cần có những động thái chủ động, tích cực hơn. Theo dự báo, khi EVFTA được thực thi, giai đoạn 2021-2035, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18-19 nghìn việc làm mới, trong khi mức lương bình quân của lao động Việt Nam dự kiến tăng thêm 3%.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evfta-thi-truong-lao-dong-them-nhieu-viec-lam-nhieu-thach-thuc-133708.html