EVFTA tạo sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp

Tại Hội nghị bàn tròn 'Hiệp định EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu COVID-19' diễn ra ngày 28/8 tại Hà Nội, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho rằng, chúng ta cần có sự hiểu biết sâu sắc về các chuỗi giá trị toàn cầu, những cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

EVFTA là hiệp định mang tính lịch sử trong dấu mốc quan hệ giữa Việt Nam và EU. Ngày 1/8/2020, EVFTA có hiệu lực, có tỷ lệ dòng thuế nhất định được cắt giảm ngay lập tức. EVFTA cho thấy kết quả mang lại cả lợi ích hữu hình và nhiều lợi ích kinh tế khác, không đơn thuần là giảm thuế cho các đơn vị xuất nhập khẩu và có lợi cho túi tiền của người dân”.

Theo đại sứ Giorgio Aliberti, FDI thường gắn chặt với thương mại. Các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài không dựa trên lý thuyết mà căn cứ vào những thông tin và bằng chứng thực tế.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu ví EVFTA như cao tốc, thì không phải doanh nghiệp nào cũng muốn đi “cao tốc”. Nhiều doanh nghiệp thấy đi đường quốc lộ cũ có thể đáp ứng điều kiện của họ thì sẽ không chấp nhận trả phí để đi cao tốc nhanh hơn. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội từ EVFTA thì doanh nghiệp cần sớm thay đổi tư duy, tự nâng cấp mình lên. “Chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo, phản ứng của nhiều doanh nghiệp còn nhiều hạn chế”, ông Khanh nói.

EVFTA là cơ hội mà cộng đồng doanh nghiệp cùng nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực.

EVFTA là cơ hội mà cộng đồng doanh nghiệp cùng nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, muốn tận dụng được cơ hội đem lại từ FTA thì doanh nghiệp trong nước phải lớn. Chỉ khi nào doanh nghiệp tư nhân lớn thì chúng ta mới có đối tác tin cậy, bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế còn quá nhiều rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân không lớn được hoặc không muốn lớn.

Do vậy, gốc rễ vấn đề vẫn là câu chuyện cải cách. Quan trọng là thay đổi tư duy và cách hành động. Nhắm đúng vấn đề để cải cách. Đặc biệt, không nên kỳ vọng EVFTA thúc đẩy cải cách mà chính xác là sự cải cách phải đến chính từ những nỗ lực bên trong. “Cải cách phải từ sự phát triển của chính mình chứ không phải từ sự áp đặt bên ngoài. Cải cách phải vì sự thịnh vượng của chính Việt Nam. Chỉ có như thế chúng ta mới tận dụng tốt cơ hội đem lại”, ông Cung nhấn mạnh.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, cải cách phải từ bên trong chứ không phải chờ áp lực từ bên ngoài. Trong hội nhập muốn thành công phải quay trở lại 3 điểm đột phá. Đột phá về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng. Vì vậy, chừng nào chưa gia cố được 3 “chân kiềng” này thì việc tận dụng cơ hội vẫn còn hạn chế.

Đại sứ Giorgio Aliberti khẳng định, EVFTA quan trọng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, EVFTA cũng là cơ hội mà cộng đồng doanh nghiệp hai bên cùng nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, nếu như doanh nghiệp không thể đạt sự cạnh tranh ngay trên sân nhà thì khó có thể cạnh tranh trên thế giới.

“Ngay khi EVFTA đi vào hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tổ chức hội nghị về hiệp định. Chúng tôi nhìn thấy thiện chí của Việt Nam, sự nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện chính sách”, ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/evfta-tao-san-choi-binh-dang-hon-cho-cac-doanh-nghiep-609399/