EVFTA: Tạo động lực tăng trưởng cho M&A

Dự kiến thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã được ký kết và sớm có hiệu lực.

Dịch vụ là lĩnh vực hấp dẫn cho hoạt động M&A của các nhà đầu tư châu Âu. Ảnh: N.Huế.

Dịch vụ là lĩnh vực hấp dẫn cho hoạt động M&A của các nhà đầu tư châu Âu. Ảnh: N.Huế.

Động lực mới

Theo nhận định của ông Stefano Pelegrino, thành viên tiểu ban pháp luật của EuroCham, năm 2019 đã ghi nhận sự tăng trưởng các thương vụ M&A của các DN châu Âu trong ngành dược nhờ tác động của Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tới 100% cổ phần trong DN đại chúng Việt Nam và Việt Nam là một trong những quốc gia NK dược phẩm lớn nhất của châu Âu. Tuy nhiên, theo ông Stefano Pelegrino, đây chưa phải là bức tranh toàn diện về các nhà đầu tư châu Âu trong thị trường M&A tại Việt Nam. Với Hiệp định EVFTA vừa được kí kết, nhiều lĩnh vực có lợi thế đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư châu Âu như năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, xử lý nước và chất thải.

Cùng với tác động tích cực từ EVFTA các thay đổi về pháp lý trong thời gian gần đây cũng đang tạo động lực cho các hoạt động M&A vào Việt Nam trong các ngành bán lẻ, tiêu dùng nhanh, thực phẩm và đồ uống. Với các động thái tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc thoái vốn nhà nước và các quy định nới lỏng yêu cầu cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như việc điều chỉnh dự thảo sửa đổi Luật chứng khoán sẽ giúp giảm thiểu giới hạn và tỷ lệ sở hữu nước ngoài, cải thiện điều kiện phát hành và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi góp vốn vào DN.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, các thương vụ M&A sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới do nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách vào thị trường Việt Nam để có thể tận dụng lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực trong đó có M&A. Trong đó, hoạt động đầu tư M&A trong ngành tài chính tiêu dùng cũng dự kiến tăng nhanh cả về quy mô và số lượng vì đây là cách nhanh nhất để thâm nhập vào thị trường tài chính tiêu dùng đang phát triển của Việt Nam

Tuy nhiên, theo đại diện EuroCham, để có thể duy trì hình ảnh Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư châu Âu, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ tiếp cận cách mạng 4.0, ưu tiên công cụ và dịch vụ kỹ thuật số cho các DN, giảm thiểu quy định về hồ sơ, giấy tờ nhằm tinh giản thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư và DN châu Âu.

Nhiều ưu đãi

Nhận định về cơ hội M&A từ EVFTA, bà Nguyễn Lan Phương, Luật sư Công ty Luật Baker Mckenzie (Việt Nam) Ltd cho rằng, không giống như CPTPP, quyền tiếp cận thị trường ưu đãi của Việt Nam mới chỉ dành cho các thành viên đã phê chuẩn hiệp định gồm Autralia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, NewZeland và Singapore. EVFTA đã được đàm phán song phương giữa EU và Việt Nam. Theo đó tất các nước thành viên của EU có thể được hưởng ưu đãi sau khi hiệp định có hiệu lực. Có nghĩa là với EVFTA các DN và các nhà đầu tư các nước thành viên của Liên minh châu Âu đều sẽ được quyền tiếp cận ưu đãi vào nền kinh tế Việt Nam. Các nhà đầu tư sẽ được khuyến khích tìm đến các cơ hội dịch vụ cụ thể của các ngành kinh tế để tiếp cận các cơ hội đầu tư mới

Theo bà Nguyễn Lan Phương, một trong những lĩnh vực hấp dẫn đối với các hoạt động M&A của các nhà đầu tư châu Âu vì áp lực cạnh tranh của thị trường dịch vụ Việt Nam còn ít so với các thị trường dịch vụ đã phát triển đặc biệt là đối với các nhà đầu tư có đủ điều kiện tiếp cận ưu đãi. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ được các lợi ích khác bao gồm các cam kết của Thủ tướng Chính phủ trong việc giảm rào cản hành chính đối với các hoạt động đầu tư thông qua Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Điển hình như việc miễn giấy phép lao động hay các thay đổi trong các quy định về thị thực nhằm khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài nhập cảnh thông qua các danh mục nhập cảnh đặc biệt.

Đối với hoạt động dịch vụ, theo các quy định hiện hành các nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập các cửa hàng bán lẻ, miễn là sản phẩm được NK hợp pháp hoặc sản xuất trong nước trừ một số sản phẩm được quy định chặt chẽ. Tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập các điểm bán lẻ thứ hai trở lên với diện tích hơn 500m2 sẽ phải chịu kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh khó dự đoán của nền kinh tế toàn cầu, các cường quốc trên thế giới đang căng thẳng trong các tranh chấp về thương mại thì Việt Nam không còn lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc tôn trọng các cam kết quốc tế và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước. Bối cảnh này sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế tiến hành các hoạt động M&A để tiếp cận thị trường mới nổi đang phát triển rất mạnh mẽ của Việt Nam.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/evfta-tao-dong-luc-tang-truong-cho-ma-109541-109541.html