EVFTA sẽ thúc đẩy FDI chất lượng cao của EU vào Việt Nam

Theo một số doanh nghiệp châu Âu, Việt Nam đang có lợi thế thu hút đầu tư, làm 'cầu nối' tốt để họ vào thị trường ASEAN. Đáng chú ý, cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn trong Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam.

 Hoạt động của một doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Hoạt động của một doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Trên thực tế không đợi tới khi EVFTA được ký kết, mà hơn 2 năm qua nhiều doanh nghiệp trong khu vực châu Âu đã tăng cường đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh thông qua tham gia các hội chợ triển lãm hoặc đi theo con đường xúc tiến thương mại của các hiệp hội, bộ ngành và Chính phủ.

Theo EVFTA, Việt Nam có cam kết trong các lĩnh vực mới như bảo hộ sở hữu trí tuệ mức độ cao, chính sách cạnh tranh,... doanh nghiệp sẽ yên tâm mở rộng đầu tư. Trong Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA), Việt Nam sẽ tự do hóa thị trường đầu tư, không phân biệt đối xử với nhà đầu tư khi nghiên cứu tìm hiểu thị trường, tạo thuận lợi tương đương với các nhà đầu tư trong nước... Việt Nam cũng cam kết bảo hộ đầu tư, có các quy tắc như không trưng thu và quốc hữu hóa trái pháp luật, hoặc đảm bảo đền bù thỏa đáng nếu trưng thu và quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư EU...

Theo các chuyên gia, với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của các nước EU nói chung và việc cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.

Gần đây, ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ý tại Việt Nam (ICham), nhận định năm 2019, sức hấp dẫn đầu tư FDI của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh, đặc biệt là về chất lượng, vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ, bao gồm các thương hiệu lớn, đang chọn Việt Nam là điểm đến. Các doanh nghiệp Ý đang xem xét ngày càng nhiều việc đầu tư hoặc dời các cơ sở hiện tại của họ từ các nước châu Á khác sang Việt Nam, chủ yếu ở khu vực TPHCM.

Điều này đạt được nhờ vào sự cải cách của chính quyền thành phố trong nhiều ngành nghề như chế biến thực phẩm, may mặc, dược phẩm, cơ sở hạ tầng và đặc biệt vào văn hóa và du lịch, đây cũng là những lĩnh vực thế mạnh của Ý.

Đáng chú ý là doanh nghiệp Đức, theo một khảo sát được thực hiện bởi mạng lưới các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức toàn cầu với 140 văn phòng trên 92 quốc gia với sự tham gia của hơn 3.500 doanh nghiệp Đức từ khắp nơi trên thế giới, cho thấy 77% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của mình tốt lên trong năm nay.

Cùng với đó, có tới 67% doanh nghiệp Đức lạc quan với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung hạn, và 55% doanh nghiệp Đức có kế hoạch nâng cao mức đầu tư tại Việt Nam trong vòng 1 năm tới, cao hơn tỷ lệ 44% của khu vực Đông Nam Á.

Kết quả báo cáo này cho thấy, so với các nước trong khu vực, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Đức và là điểm thu hút đầu tư tại khu vực.

Sản xuất của một doanh nghiệp Đức tại Việt Nam -Ảnh minh họa: Hùng Lê

Báo cáo cũng cho thấy doanh nghiệp Đức kỳ vọng Hiệp định EVFTA sẽ hoàn thiện hóa khung cơ sở pháp lý và chính sách kinh tế tại Việt Nam.

Đã đầu tư vào Việt Nam hơn 25 năm qua, tập đoàn toàn cầu có nguồn gốc từ Đức, Bayer, cho rằng hãng đã hiện diện trên 90 quốc gia và thương mại quốc tế là điều thiết yếu cho hoạt động kinh doanh của Bayer.

Liên minh châu Âu hiện là thị trường lớn thứ hai của các sản phẩm và mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, hạt điều và hồ tiêu. Bayer nhận thấy cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm ứng dụng thêm các phát minh và biện pháp kỹ thuật tiên tiến để gia tăng lợi ích cho người nông dân thông qua việc nâng cao năng lực sản xuất và góp phần vào phát triển kinh tế bền vững.

Nhìn tổng quan của doanh doanh nghiệp toàn khu vực châu Âu, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Eurocham cũng cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp châu Âu. Khảo sát từ hơn 1.000 doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, năm 2019 doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, kinh doanh và mở rộng giao thương tại Việt Nam. Theo lãnh đạo EuroCham, EVFTA dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng cả hai bên. Các chuyên gia dự đoán, với sự thúc đẩy thương mại và đầu tư từ hiệp định này, vào năm 2025, GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 7-8%.

Các chuyên gia nhận định, đa số đầu tư từ khu vực châu Âu là dòng vốn chất lượng cao nên Việt Nam có thể thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, các lĩnh vực đầu tư xanh, sạch, chế biến, năng lượng tái tạo,...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Âu kiến nghị cần cải thiện hơn nữa các vấn đề như hậu cần và cơ sở hạ tầng, tăng trưởng xanh, thuế và chuyển giá, nguồn nhân lực, và các vấn đề pháp lý. “Các kiến nghị của các thành viên, nếu được xem xét tháo gỡ sẽ giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA và tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng và phát triển”, ông Nicolas nhấn mạnh.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290800/evfta-se-thuc-day-fdi-chat-luong-cao-cua-eu-vao-viet-nam.html