EVFTA: Lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp thủy sản

Việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết mặt hàng thủy sản xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo lợi thế quan trọng cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam trên thị trường EU.

Thủy sản rộng đường vào thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: T.H

Thủy sản rộng đường vào thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: T.H

Thênh thang thị trường 500 triệu dân

Xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đang đứng trước cơ hội rất lớn. Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ, với dân số trên 500 triệu người. Hàng năm, nhu cầu thủy sản của EU đã đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34 kg/người so với mức trung bình của thế giới.

Hiện mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế lên đến 10,8%. Nếu EVFTA có hiệu lực, mức cắt giảm thuế về 0% tương ứng với 90% số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này. Việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết mặt hàng mặt hàng thủy sản sẽ tạo lợi thế quan trọng cho Việt Nam khi cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường EU.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết từ nhiều năm qua, EVFTA có tác động mạnh nhất đối với ngành tôm Việt. Các hiệp định thương mại song phương với Hàn Quốc (KVFTA) hoặc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam với Nhật Bản (JVFTA) chỉ đưa tôm Việt nhập vào các nước thuộc những hiệp định này trong bối cảnh chỉ vài phần trăm thuế trước đó về bằng 0%. Tuy nhiên, với EVFTA có sự khác hẳn, sẽ tạo một bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường tôm Việt.

Khi EVFTA có hiệu lực, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Theo VASEP, đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.

Đầu tiên là tôm Việt Nam XK vào EU chủ yếu là tôm chế biến, ít đối thủ cạnh tranh mà chỉ có Thái Lan và Indonesia. Thứ hai là thuế suất của tôm chế biến rất cao (10-20%), điều này khiến các đối thủ vừa nêu càng khó cạnh tranh vì chêch lệch giá thành nhập khẩu cao quá. Lợi thế tiếp theo là trình độ chế biến tôm của các doanh nghiệp Việt Nam thuộc cấp cao. Họ có thể tận dụng cơ hội này chiếm lĩnh khúc thị phần cao cấp.

Đối với Công ty CP Nam Việt, với tỉ trọng xuất khẩu của công ty vào thị trường EU là 13%, đứng thứ tư về tỉ trọng trong kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp này sẽ được hưởng lợi nhờ việc kí kết EVFTA. Theo VASEP, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sắt tươi đông lạnh;…) vào EU sẽ về 0% từ mức hiện tại là 12,5%; thuế sản phẩm tôm về 0% từ 20% hiện tại. Đây là lợi thế lớn cho DN xuất khẩu tôm.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú cho rằng, EU sẽ là thị trường thuận lợi nhất nhờ thông tin giảm thuế trong bối cảnh các thị trường tiêu thụ tôm khác đều đang giảm nhu cầu nhập khẩu. Hiện tại, tỷ trọng xuất khẩu của Minh Phú vào EU là 11%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Mỹ và Nhật.

Cần những cỗ xe tốt trên đại lộ EVFTA

EVFTA là “đại lộ” nối Việt Nam với EU, song để biến lợi thế từ EVFTA thành của cải vật chất tăng thêm như mong đợi, các DN còn nhiều việc phải làm.

Theo ông Hồ Quốc Lực, trên “đại lộ” đó muốn đến sớm thì cần có những cỗ xe tốt. Cỗ xe tốt đó là tương tác kịp thời, nhanh nhất của cả hệ thống với cộng đồng doanh nghiệp có liên quan. Thời cơ không chờ lâu khi mà một số nước cũng đang rục rịch có đàm phán thương mại tự do với EU. Hiệp định sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tập trung nâng cao và cải thiện các yếu tố về xuất xứ, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, vệ sinh an toàn để đáp ứng các quy định khắt khe.

EU đã và đang là thị trường XK thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17%-18% trong tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng XK của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 -35%.

Bộ Công Thương khẳng định, với EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh hay Indonesia. Ngoài ra, ngành thủy sản cũng sẽ có cơ hội thu hút giới đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, vững bước phát triển trong những năm tới đây.

Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế XNK, tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác (Ấn Độ, Thái Lan); thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm; tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên; có điều kiện tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia; được đảm bảo môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn (nhờ cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản FTA).

Để tận dụng được lợi thế từ EVFTA cũng như các hiệp định FTA khác như thuế XNK và các cơ hội khác, cũng như tránh những rủi ro, hạn chế những bất lợi do những thách thức mang lại, các nhà chuyên môn khuyến nghị, trước hết DN thủy sản cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các hiệp định FTA. Đồng thời, DN chủ động tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác FTA. DN cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững – đó là những yêu cầu có trong FTA thế hệ mới như EVFTA. Tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/evfta-loi-the-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-thuy-san-128407-128407.html