EVFTA, EVIPA đặt ra thách thức lớn hơn trong xây dựng, thực thi pháp luật

Những thách thức đó đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa lợi ích từ Hiệp định này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cùng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA) tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc Quốc hội phê chuẩn đồng thời Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA sẽ góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục đẩy mạnh tiến trình đổi mới, hội nhập, cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thực thi các Hiệp định này sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên.

Về chính sách kinh tế vĩ mô, EVFTA và EVIPA sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tác động tới đầu tư, thương mại, cải thiện năng suất và cải thiện môi trường thể chế.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, việc thực thi Hiệp định này cũng đặt ra một số thách thức đối với Việt Nam. Thực tế cho thấy, thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của Việt Nam còn một số mặt hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và nhu cầu các nhà đầu tư EU nói riêng.

Việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định cũng đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả tranh chấp, vướng mắc với nhà đầu tư.

Những thách thức đó đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa những lợi ích từ EVIPA và EVFTA.

Về cơ chế bảo đảm thực thi Hiệp định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp Trung ương để kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản cần thiết cho việc triển khai thi hành Hiệp định.

Đức Tân

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/chinh-sach-moi/evfta-evipa-dat-ra-thach-thuc-lon-hon-trong-xay-dung-thuc-thi-phap-luat-7967.html