EVFTA có hiệu lực: Cẩn trọng cơ hội nhận chuyển giao công nghệ tới từ các nước EU

EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ từ EU, bởi đây là một trong những trung tâm công nghệ nguồn của cả thế giới.

Cần làm gì để Việt Nam không thành bãi chứa của công nghệ thấp?

Cần làm gì để Việt Nam không thành bãi chứa của công nghệ thấp?

Một nghiên cứu về lợi ích từ tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 với nền kinh tế Việt Nam cho thấy, nếu áp dụng những công nghệ mới, các DN của Việt Nam sẽ tạo được thêm 30 - 60 tỷ USD đến năm 2030.

Hiện nay, Chính phủ đã và đang đề ra rất nhiều chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính… và đã đạt được một số thành công ban đầu.

Tuy nhiên, theo TS. Ngô Tự Lập Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ (IFI) ĐH Quốc gia Hà Nội, trước cơ hội nhận chuyển giao công nghệ tới từ các nước EU, một thách thức không nhỏ đặt ra đối với Việt Nam đó chính là việc công nghệ thấp sẽ tràn vào Việt Nam, biến Việt Nam thành đất nước chuyên gia công.

“Việt Nam có tận dụng được EVFTA hay không, tùy thuộc vào việc chúng ta chuẩn bị như thế nào, khai thác cơ hội ra sao và chúng ta đối mặt với thách thức như thế nào” – TS. Ngô Tự Lập cho biết.

Và để tránh trở thành nơi nhập khẩu những thiết bị công nghệ thấp, theo Viện trưởng Lập: “Đầu tiên chúng ta cần hành lang pháp lý, quy định rõ ràng. Thứ hai là yếu tố con người, ở đây là những người thực thi pháp luật, những người quản lý, bởi đây chính là người cho phép doanh nghiệp nhập vào những gì. Đây thực ra chính là phải giải quyết vấn đề tham nhũng còn tồn tại lâu nay. Chúng ta cần chống lại nạn lợi dụng quyền để đưacác quyết định xuất – nhập khẩu. Việt Nam cần một cơ chế kiểm soát chặt chẽ đội ngũ quản lý”.

Tuy nhiên, khác với quan điểm của TS. Lập, ông Alan Ho, Giám đốc Marketing của Tập đoàn Tibco lại cho rằng “Việt Nam sẽ không trở thành điểm tập kết công nghệ thấp”. Bởi trong quá trình hợp tác với các đối tác nước ngoài, theo ông Alan Ho bản thân các kỹ sư ICT với những kỹ năng tích lũy được, đặc biệt là tinh thần đổi mới sáng tạo, họ sẽ tiếp cận với công nghệ mới, để từ đó khẳng định bản thân đối với các đối tác khắp nơi trên thế giới, nhằm mục đích để cho thế giới thấy Việt Nam là một nước có tiềm năng phát triển công nghệ chứ không chỉ là một nước gia công phần mềm.

Cơ hội dành cho Việt Nam nằm ở chỗ châu Âu là một thị trường rất lớn, nhu cầu cao và ở đây có trình độ phát triển kinh tế, kỹ thuật công nghệ cao hơn Việt Nam. “Chính vì vậy khi tham gia thị trường EU sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, lao động học hỏi tích lũy kinh nghiệm” – Viện trưởng IFI nói.

Để tận dụng tốt “cánh cửa“ châu Âu được mở ra, theo TS Lập, “cần có vai trò như một “nhạc trưởng” của Chính phủ để làm sao cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt đạt hiệu quả cao. Rõ ràng Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh về nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực trẻ có tài năng và sẵn sàng làm việc quên mình và luôn luôn khao khát cái mới”.

Các trường đại học Việt Nam có thể phát triển mô hình hợp tác giống như giữa IFI với Tibco Software, nhằm đón nhận những công nghệ mới, mở ra cánh cửa rộng lớn đối với các sinh viên. Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ tạo ra cơ hội cho các sinh viên được thực tập, tích lũy kinh nghiệm, thực hành trên chính công nghệ mới và đặc biệt là tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Nguyễn Long

Bạn đang đọc bài viết EVFTA có hiệu lực: Cẩn trọng cơ hội nhận chuyển giao công nghệ tới từ các nước EU tại chuyên mục Khoa Học - Công nghệ của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/evfta-co-hieu-luc-can-trong-co-hoi-nhan-chuyen-giao-cong-nghe-toi-tu-cac-nuoc-eu-149168.html