EuroCham 'phản biện' quy định cấm bán rượu trên Internet

Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề nghị bãi bỏ quy định cấm bán rượu trên Internet.EuroCham cho rằng, việc cấm bán rượu trên mạng Internet hiện đang tạo cơ hội cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc tiếp cận với người tiêu dùng...

VBF 2018 ghi nhận nhiều kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 diễn ra sáng 4/12, EuroCham đã "phản biện" quy định rượu hiện đang được phép kinh doanh mua, bán trên thị trường nhưng rượu từ 15 độ cồn trở lên lại bị cấm bán trên Internet theo Nghị định 105/2017/ND-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu.

Hơn thế nữa, quy định cấm bán rượu bia trên internet lại được đề xuất tại Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia (vừa được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu - PV), EuroCham nhấn mạnh vấn đề.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng việc cho phép bán rượu, bia trên Internet hoàn toàn không làm tăng tiêu thụ các sản phẩm này, trong khi đó lại giúp cho việc kiểm soát tiêu thụ rượu bia trên thị trường tốt hơn, hạn chế người chưa đủ tuổi, giáo dục và cung cấp các thông tin về sản phẩm, và ngăn chặn việc kinh doanh các sản phẩm bất hợp pháp, đại diện EuroCham trình bày.

Vị này phân tích, việc cho phép mua, bán rượu trên Internet sẽ góp phần hạn chế những người chưa đủ tuổi mua rượu, vì việc mua hàng hóa qua Internet đòi hỏi người mua phải có số tài khoản hoặc thẻ ngân hàng hợp pháp để thanh toán. Người chưa đủ tuổi mua rượu thường không đáp ứng được điều kiện này.

Ngoài ra, việc cho phép các nhà sản xuất và kinh doanh rượu hợp pháp được sử dụng công cụ Internet để bán hàng sẽ giúp họ cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin đầy đủ, chính xác để lựa chọn sản phẩm phù hợp.

EuroCham cho rằng, việc cấm bán rượu trên mạng Internet hiện đang tạo cơ hội cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc tiếp cận với người tiêu dùng. Trên thực tế, người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng mua các loại rượu trên mạng. Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh này là không hợp pháp, người tiêu dùng mua các sản phẩm rượu trên Internet sẽ không được đảm bảo về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm như khi mua tại các nhà phân phối chính thức.

Thực tế này khiến cho không ít người tiêu dùng đã mua phải các sản phẩm rượu giả, rượu không có nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu hoặc có chất lượng kém hiện đang bán tràn lan trên mạng Internet và có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Việc cho phép mua rượu trên mạng Internet sẽ giúp cho người tiêu dùng có được sự lựa chọn tốt hơn và đảm bảo hơn đối với những sản phẩm họ mua.

Các nhà đầu tư "ngoại" phân tích, một trong những đặc tính có giá trị lớn mà thương mại điện tử mang lại là khả năng lưu giữ dữ liệu giúp cho chính phủ kiểm soát các hoạt động thương mại và mức độ tiêu thụ. Ví dụ, các giao dịch thương mại điện tử đều để lại những dữ liệu mà không thể dễ dàng thay đổi hay xóa bỏ.

Điều này cho phép chính phủ có thể kiểm tra các giao dịch bằng cách truy cập các dữ liệu bán hàng trên các trang thương mại điện tử và giúp các cơ quan quản lý có được bức tranh toàn cảnh về tổng mức tiêu thụ rượu, bia. Ngoài ra, thương mại điện tử cũng giúp cho Chính phủ theo dõi và thu thuế tốt hơn vì dữ liệu các giao dịch thường được lưu lại và thanh toán thường được thực hiện thông qua ngân hàng.

Đại diện EuroCham nhấn mạnh, với những lợi ích trên, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Anh và Mỹ, đều cho phép bán rượu trên Internet. Tại khu vực châu Á, các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Campuchia, Hồng-Kông, Nhật Bản, Philippines, Singapore... đều cho phép bán rượu trên Internet.

"Việc cấm bán rượu, bia trên Internet sẽ khiến Việt Nam đi ngược lại với xu thế chung trên thế giới và khu vực. Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ bãi bỏ quy định cấm bán rượu trên Internet tại Nghị định 105 cũng như tại điều 20 của dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia", đại diện EuroCham nói.

Hà Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/eurocham-phan-bien-quy-dinh-cam-ban-ruou-tren-internet-20181204143731767.htm