EU xoay xở trước ngày thực thi lệnh cấm năng lượng Nga

Doanh nghiệp và chính quyền các nước EU đang tăng tốc trữ và tìm nguồn thay thế trước khi lệnh cấm năng lượng Nga có hiệu lực.

Dự kiến gói trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong đó lệnh cấm nhập sản phẩm dầu mỏ của Nga sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 2 năm sau. Lệnh cấm này theo sau lệnh cấm vận dầu thô của Nga cũng sắp có hiệu lực vào tháng 12 tới. Trước các thời hạn này, châu Âu đang gấp rút dự trữ dầu và tìm thêm nguồn thay thế.

Nga vẫn chiếm phần lớn thị trường năng lượng châu Âu

Trước xung đột Nga - Ukraine, nhiên liệu Nga chiếm hơn 50% nhu cầu của châu Âu. Tuy sự phụ thuộc có giảm sau xung đột nhưng Nga lúc này vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất với EU. Dữ liệu từ công ty phân tích thị trường Refinitiv (Mỹ) cho thấy dầu diesel từ Nga đã chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu đường bộ của châu Âu cho đến tháng 11, cao hơn so với mức 39% trong tháng 10.

Cho đến nay, giới phân tích đánh giá nỗ lực dự trữ năng lượng ở châu Âu tốt hơn nhiều so với dự đoán ban đầu. Tính đến giữa tháng 11, các cơ sở lưu trữ trên khắp EU đã đầy hơn 95%, vượt xa mục tiêu 80% mà khối đề ra.

Hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia Pamela Munger thuộc công ty phân tích thị trường năng lượng Vortexa (Anh) cho biết lượng dầu diesel của Nga được vận chuyển đến khu vực lưu trữ Amsterdam - Rotterdam - Antwerp (ARA) đã tăng lên 215.000 thùng/ngày trong giai đoạn từ ngày 1 đến 12-11, tăng 126% so với mức tháng 10.

Tuy thế, chuyên gia Lars van Wageningen thuộc công ty tư vấn Insights Global (Hà Lan) cho rằng dầu của Nga được đưa vào các bể chứa ARA có thể sẽ được sử dụng hoặc bán nhanh chóng, do giá dầu tương lai trên sàn giao dịch ICE Futures Europe hiện tại được cho cao hơn giá của những tháng sau đó.

Trước khi EU thống nhất trừng phạt dầu Nga, ICE Futures Europe đã cấm dầu khí có hàm lượng lưu huỳnh thấp có nguồn gốc từ Nga. Từ ngày 30-11 tới, các doanh nghiệp phải chứng minh với ICE rằng không có sản phẩm dầu nào của Nga vốn đã được đưa vào bất kỳ bể chứa nào trong khu vực ARA mở rộng - bao gồm cả Flushing và Ghent - sẽ được sử dụng để giao cho các hợp đồng vào tháng 1 của ICE.

“EU sẽ cần phải đảm bảo tìm được khoảng 500-600 thùng dầu diesel mỗi ngày từ các nguồn khác để thay vào số lượng của Nga. Các nguồn thay thế có thể sẽ đến từ Mỹ cũng như phía đông Suez, chủ yếu là Trung Đông và Ấn Độ” - theo chuyên gia Eugene Lindell thuộc công ty phân tích năng lượng châu Âu FGE.

Một số thùng đựng dầu dự trữ đặt tại khu vực lưu trữ Amsterdam - Rotterdam - Antwerp ngày 12-11. Ảnh: REUTERS

Một số thùng đựng dầu dự trữ đặt tại khu vực lưu trữ Amsterdam - Rotterdam - Antwerp ngày 12-11. Ảnh: REUTERS

Câu trả lời ở châu Phi

Nhiều tháng nay các nhà lãnh đạo EU theo dõi các dự án năng lượng trên khắp thế giới hy vọng có thể tìm được giải pháp thay thế, giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và châu Phi lúc này đang nổi lên là một ứng viên tiềm năng.

Theo tờ Financial Times, những nước như Senegal và Mauritania đang có kế hoạch vận chuyển khí đốt đến Đức. Một mỏ khí đốt gần bờ biển Senegal và Mauritania đang mang đến triển vọng về nguồn cung ứng năng lượng mới. Mỏ khí đốt này được dự báo có trữ lượng khoảng 425 tỉ m3, gấp năm lần so với lượng khí đốt mà Ðức tiêu thụ trong năm 2019, theo hãng tin Al Jazeera.

Liên minh châu Phi (AU) cũng đang thúc đẩy xây thêm cơ sở hạ tầng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu hóa thạch. Các quốc gia như Nam Phi và Tanzania sở hữu những cánh đồng hoang sơ, đủ điều kiện để thực hiện kế hoạch này. Từ Nigeria đến Ai Cập, Algeria, và Mozambique, các quốc gia trên khắp lục địa đang thúc đẩy khai thác nhiều khí đốt hơn - để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang châu Âu.

“Đây thực sự là một khoảnh khắc tuyệt vời đối với châu Phi. Không chỉ mỗi châu Âu, châu Phi có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu” - Al Jazeera dẫn nhận định lạc quan của Giám đốc điều hành Ủy ban năng lượng châu Phi Rashid Ali Abdallah.

Theo ông Gordon Birrell, Giám đốc điều hành Công ty dầu khí BP (Anh), các dự án ở châu Phi được triển khai “không thể đúng lúc hơn” trong bối cảnh nhiều nước châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga để cung cấp năng lượng cho các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm.•

Tìm kiếm sự hỗ trợ trong hệ thống đồng minh

Ngoài châu Phi, EU cũng đã xác định Na Uy là nhà cung cấp tiềm năng cho châu Âu. Là nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai trong khu vực sau Nga, Na Uy đã liên tục tăng sản lượng để hỗ trợ EU thoát phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch từ Nga trước năm 2027, theo tờ Financial Times.

Một số quốc gia đã sử dụng các nguồn khí đốt khác, ít phụ thuộc vào Nga. Đơn cử, Anh không phụ thuộc vào khí đốt của Nga khi Công ty năng lượng Centrica đã ký một thỏa thuận với Công ty Equinor của Na Uy để cung cấp thêm khí đốt trong ba năm tới. Cyprus cũng có các nhà cung cấp khí đốt khác, không phụ thuộc vào Nga.

Song vẫn còn nhiều nước châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga như Pháp, Đức, Hungary. Vì vậy, dù một số quốc gia dễ dàng ngừng phụ thuộc năng lượng từ Nga thì những quốc gia khác lại lo lắng về an ninh năng lượng nếu họ cắt đứt mọi quan hệ trong lĩnh vực này.

Mỹ và Trung Đông đã đóng vai trò quan trọng trong bù đắp nguồn cung bằng cách cung cấp lượng khí đốt lớn hơn cho châu Âu. Đức đang tìm hiểu tiềm năng xây dựng năm trạm tái hóa khí mới để đảm bảo rằng các tàu chở hàng đến không bị từ chối do thiếu chỗ để dỡ hàng.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/eu-xoay-xo-truoc-ngay-thuc-thi-lenh-cam-nang-luong-nga-post708984.html