EU xóa tên nhiều nước khỏi danh sách được miễn áp dụng các biện pháp phòng ngừa

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lại một lần nữa hoành hành tại châu Âu. Làn sóng dịch bệnh thứ hai này dường như diễn biến phức tạp hơn khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Thực trạng này đã khiến Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Ba Lan nói riêng tăng cường các biện pháp phòng dịch.

Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở British Columbia, Canada ngày 21/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở British Columbia, Canada ngày 21/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

EU dự kiến sẽ loại Canada, Gruzia và Tunisia khỏi “danh sách trắng”, trong đó có các quốc gia mà du khách có thể từ đây nhập cảnh liên minh mà không phải thực hiện các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 như cách ly hay xét nghiệm bắt buộc.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại cuộc họp ngày 21/10, đại sứ 27 quốc gia tại EU đã quyết định xóa tên ba quốc gia nói trên ra khỏi “danh sách trắng” do số ca nhiễm mới tại những nước này tăng mạnh. Trong khi đó, EU đã đưa Singapore vào danh sách nói trên sau khi cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh trong nước. Đề xuất trên sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối tuần này với điều kiện không quốc gia nào trong số 27 nước thành viên của EU phản đối.

Dự kiến, sau sự điều chỉnh mới nhất này, công dân đến từ 9 quốc gia gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Uruguay sẽ được phép vào EU với mục đích du lịch. Mặc dù Trung Quốc cũng có tên trong danh sách nhưng việc đi lại từ nước này tới EU sẽ chỉ được áp dụng nếu Bắc Kinh cũng dành cho EU chính sách tương tự. Yêu cầu đối đẳng này không áp đặt đối với 8 quốc gia còn lại.

Trên thực tế, danh sách này cũng chỉ đóng vai trò như một khuyến nghị về các quy tắc du lịch. Một số quốc gia, như Pháp, đã không đặt ra bất kỳ hạn chế nào đối với du khách đến từ các quốc gia trong "danh sách trắng". Đức đã loại bỏ danh sách này, trong khi Italy yêu cầu du khách tự cách ly cũng như sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển đến các địa điểm lưu trú của họ.

Trong khi đó, ngày 21/10, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết ông muốn mở rộng các biện pháp phong tỏa được áp dụng tại "vùng đỏ" COVID-19 ra phạm vi toàn quốc trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng quá cao. Phát biểu trước thềm cuộc họp của nhóm xử lý khủng hoảng, Thủ tướng Morawiecki cho biết ông sẽ khuyến nghị rằng cả nước Ba Lan sẽ trở thành "vùng đỏ" COVID-19 từ ngày 24/10 tới.

Tuyên bố trên của Thủ tướng Morawiecki được đưa ra sau khi cùng ngày, Ba Lan đã ghi nhận 10.040 ca nhiễm mới COVID-19, mức cao nhất được ghi nhận trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc vượt quá 200.000 ca, khiến hệ thống y tế của quốc gia Đông Âu này bị quá tải. Từ cuối tuần trước, hơn 50% diện tích lãnh thổ Ba Lan bị xếp vào "vùng đỏ" COVID-19, trong đó có hầu hết các thành phố lớn và khu vực lân cận. Tất cả các trường trung học tại "vùng đỏ" sẽ phải đóng cửa và chuyển sang hình thức học trực tuyến. Các câu lạc bộ thể dục-thể thao và bể bơi tạm ngừng hoạt động. Các nhà hàng phải đóng cửa vào lúc 21h hằng ngày, cấm tổ chức tiệc cưới, đồng thời giới hạn số người có mặt cùng lúc tại một cửa hàng hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng, cũng như tham dự các nghi lễ tôn giáo.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Warsaw, Ba Lan, ngày 15/10/2020. Ảnh: PAP/TTXVN

Tuần trước, Thủ tướng Morawiecki cũng đã kêu gọi người dân làm việc tại nhà nếu có thể. Bên cạnh đó, Chính phủ Ba Lan đã quyết định xây dựng một bệnh viện dã chiến tại sân vận động quốc gia ở thủ đô Vácsava, cũng như các cơ sở y tế tạm thời ở những nơi khác nhằm giảm gánh nặng cho các bệnh viện đang bị quá tải.

Trong nỗ lực kiểm soát làn sóng dịch bệnh thứ hai hiện nay tại các nước châu Âu, ý thức của người dân trong tuân thủ các quy định và yêu cầu của cơ quan chức năng được coi là yếu tố quan trọng.

Để kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2, chính phủ các nước châu Âu đã triển khai các ứng dụng truy vết trên điện thoại thông minh. Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã quyết định việc tải ứng dụng "Stay Away Covid" là quy định bắt buộc giúp ngăn chặn đại dịch COVID-19 tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng đây là hành động phân biệt đối xử đối với người bị bệnh và không hiệu quả.

Trong khi đó, tại Đức, ứng dụng Corona-Warn-App đã được người dân chào đón nhiệt tình khi đạt mức kỷ lục với trên 18 triệu lượt tải về. Tuy nhiên, theo kênh truyền hình Pháp France Infos, ứng dụng này đã không phát huy được tác dụng khi trong số trên 380.000 người mắc COVID-19 kể từ đầu đại dịch đến nay, chỉ có 3% thông báo họ bị mắc bệnh qua ứng dụng này. Ứng dụng Covid-Tracker của Ireland cũng phải chịu chung số phận. Ứng dụng này có lượt tải lên tới 1,3 triệu, một kết quả tuyệt vời với một đảo quốc chỉ vỏn vẹn 5 triệu dân. Tuy nhiên, rất ít người cảnh báo về việc họ bị mắc bệnh trên công cụ này. Việc ứng dụng ít phát huy được tác dụng còn là do nó được đưa ra vào đúng thời điểm các nước dỡ bỏ phong tỏa và nay lại tiến hành phong tỏa một lần nữa.

Theo worldometers.info, tính đến 11h ngày 22/10 (giờ Việt Nam), châu Âu ghi nhận hơn 7,5 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó số ca tử vong hiện là hơn 243.000 ca.

Kim Chung - Đức Hùng - Trần Quyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-xoa-ten-nhieu-nuoc-khoi-danh-sach-duoc-mien-ap-dung-cac-bien-phap-phong-ngua-20201022111242870.htm