EU xem xét thiết lập cơ chế chia sẻ vắcxin COVID-19 với các nước nghèo

Cơ chế này sẽ giúp các quốc gia nghèo có được vắcxin trước khi sáng kiến COVAX - chương trình toàn cầu nhằm đảm bảo phân phối vắcxin COVID-19 trên toàn thế giới - có hiệu lực hoàn toàn.

Người dân được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Petrinja, Croatia ngày 13/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Petrinja, Croatia ngày 13/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giám đốc cơ quan y tế Liên minh châu Âu (EU) hôm 19/1 cho biết EU muốn thiết lập một cơ chế cho phép chia sẻ các liều vắcxin chống COVID-19 dư thừa với các quốc gia láng giềng nghèo và các quốc gia châu Phi, trong một động thái có thể giảm tải cho mô hình phân phối vắcxin toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lãnh đạo.

Với dân số 450 triệu người, EU đã đảm bảo gần 2,3 tỷ liều vắcxin với các loại vắcxin từ 6 công ty dược phẩm cho dù hầu hết còn đang trong quá trình chờ giấy phép lưu hành.

Phát biểu trước các nghị viên EU hôm 19/1, Ủy viên Y tế EU, bà Stella Kyriakides, xác nhận: "Chúng tôi đang làm việc với các quốc gia thành viên để đề xuất một cơ chế chia sẻ vắcxin vượt ra ngoài biên giới của chúng ta."

Bà nhấn mạnh cơ chế này sẽ giúp các quốc gia nghèo có được vắcxin "trước khi sáng kiến COVAX - chương trình toàn cầu do WHO đồng lãnh đạo từ mùa hè năm 2020 nhằm đảm bảo phân phối đồng đều các mũi tiêm COVID-19 trên toàn thế giới - có hiệu lực hoàn toàn."

Sáng kiến COVAX đã đi vào hoạt động nhưng đến nay vẫn phải đối mặt với vấn đề vắcxin an toàn.

Theo bài Kyriakides, chương trình chia sẻ vắcxin của EU sẽ ưu tiên nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất trong khu vực Tây Balkan, Bắc Phi và các nước nghèo ở khu vực châu Phi cận Sahara. Bà cũng cho biết thêm EU có thể cung cấp một số loại vắcxin cho sáng kiến COVAX để phân phối đến các nước nghèo.

Người dân được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Petrinja, Croatia ngày 13/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, ông Fahrettin Koca ngày 19/1thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiêm chủng cho các công dân cư trú hoặc làm việc trong viện dưỡng lão chống lại COVID-19.

Ông Koca cho biết việc tiêm chủng cũng sẽ tiến hành những người ở các trung tâm chăm sóc người khuyết tật và viện dưỡng lão cũng như những công dân từ 90 tuổi trở lên.

Trước đó, hôm 14/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu quá trình tiêm chủng đại trà bằng vắcxin ngừa COVID-19 do công ty Trung Quốc Sinovac phát triển.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày Bộ trưởng Bộ Y tế Kazakhstan Alexei Tsoi cho biết tại cuộc họp chính phủ nước này, các nhà chức trách Kazakhstan có kế hoạch bắt đầu tiêm vắcxin Sputnik V cho công dân vào ngày 1/2 tới.

Theo ông Tsoi, việc tiêm chủng sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, có tính đến nguồn cung cấp vắcxin. Ở giai đoạn đầu, dự kiến tiêm cho các bác sỹ làm việc tại các bệnh viện về bệnh truyền nhiễm, khoa hồi sức cấp cứu, phòng tiếp nhận bệnh viện và nhân viên vệ sinh dịch tễ.

Giáo viên của trường và giảng viên đại học sẽ được tiêm vắcxin ở giai đoạn hai. Sau đó, tiêm chủng dự kiến sẽ bao gồm những người mắc bệnh mãn tính và một số nhóm khác./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/eu-xem-xet-thiet-lap-co-che-chia-se-vacxin-covid19-voi-cac-nuoc-ngheo/690369.vnp