EU xem Nga là vấn đề chiến lược: Lợi ích Mỹ

Sai lầm chiến lược của Mỹ và đồng minh, khi buộc Nga phải thừa kế sự thù địch của Liên Xô, khiến Nga luôn là vấn đề chiến lược của họ...

Ngày 14/11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố rằng Liên bang Nga là thách thức nghiêm trọng nhất đối với Liên minh Châu Âu, rằng Nga có thể gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền của Châu Âu, theo Sputnik.

Ông Donald Tusk - người sẽ từ chức Chủ tịch Hội đồng Châu Âu vào ngày 1/12 tới đây và chuyển giao nhiệm vụ cho cựu Thủ tướng Bỉ Charles Michel - cho rằng Nga Nga không phải là đối tác chiến lược của EU, mà là vấn đề chiến lược đối với EU.

"Tôi đã công khai nhắc nhở nhiều người, hầu như mỗi tuần, rằng Nga không phải là đối tác chiến lược của chúng tôi, mà là vấn đề chiến lược đối với chúng tôi... Dù có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, nhưng thực tế chứng minh đó là sự thật".

Chủ tịch sắp mãn nhiệm cũa Hội đồng Châu Âu Donald Tusk

Chủ tịch sắp mãn nhiệm cũa Hội đồng Châu Âu Donald Tusk

Tại sao EU không coi Nga là đối tác chiến lược? Tại sao EU lại xem Nga là vấn đề chiến lược? Giới phân tích cho rằng nguyên nhân xuất phát từ cả phía EU lẫn phía Nga và cả bao gồm "yếu tố Mỹ" nữa.

Thứ nhất, EU không thể coi Nga là đối tác chiến lược

Vấn đề ở đây là do EU ra đời và vận hành trên nền tảng lợi ích Mỹ, mà cụ thể là Kế hoạch Marshall vĩ đại hồi sinh Châu Âu điêu tàn sau Thế chiến II và nguồn lợi ích to lớn mà EU khai thác được từ xứ cờ hoa, đặc biệt là thặng dư mậu dịch giá trị lớn.

1. Nếu không có lợi ích Mỹ, nguyên tắc liên hiệp tại Châu Âu không dễ được hiện thực hóa. Bởi ngay sau khi Thế chiến I kết thúc, năm 1916 Ngoại trưởng Pháp lúc đó là ông Aristide Briand đã đề xuất thành lập một liên hiệp Châu Âu.

Song ý tưởng vĩ đại của nhà chính trị kiệt xuất ấy đã không thể trở thành hiện thực trong thời đại của ông. Điều đó cho thấy việc liên hiệp tại Châu Âu phải có các điều kiện đặc biệt, để tạo sự tương đồng trong nền tảng lợi ích và đó chính là lợi ích Mỹ.

Sau khi Kế hoạch Marshall kết thúc, Hiệp ước Paris được ký kết cho ra đời Cộng đồng Than Thép Châu Âu (ECSC) vào năm 1951, rồi Hiệp ước Rome 1958 cho ra đời Cộng đồng Kinh tế Châu Âu và Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử Châu Âu.

Năm 1967, với Hiệp ước hợp nhất đã cho ra đời Cộng đồng Châu Âu (EC), để rồi đến năm 1991 với Hiệp ước Maastricht cho ra đời Liên minh Châu Âu (EU), và mở rộng lên 28 quốc gia, đưa EU trở thành 1 trong 3 trụ cột kinh tế lớn nhất thế giới.

Cũng nên biết rằng, trong số 17 nước nhận nguồn tài trợ trực tiếp từ khi Kế hoạch Marshall, hiện chỉ có Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ngoài EU. Điều đó cho thấy cả cốt lõi và nền tảng của EU đều được xây bằng lợi ích Mỹ.

2. Theo Eurostat, quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ - EU có giá trị lớn nhất trên thế giới. Tổng vốn đầu tư của Mỹ vào EU gấp 3 lần đầu tư của Mỹ ở toàn Châu Á, còn 1/3 thương mại xuyên Đại Tây Dương là luân chuyển nội bộ giữa Mỹ và EU.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ. EU luôn thặng dư mậu dịch với Mỹ. Cụ thể, năm 2013 đạt 125,5 tỉ USD, năm 2014 đạt 144,4 tỉ USD, năm 2015 đạt 155,7 tỉ USD, năm 2016 đạt 146,7 tỉ USD.

Từ năm 2017 đến nay, dù có xung đột thương mại giữa Mỹ và EU, nhưng nguồn lợi ích mà các đồng minh bên bờ Đại Tây Dương khai thác được từ xứ cờ hoa vẫn cực lớn, thặng dư mậu dịch của EU với Mỹ vẫn là những con số mơ ước.

Nga không thể là đối tác chiến lược của EU

Trong khi với Nga, năm 2014, EU xuất khẩu vào Nga đạt 133,0 tỉ USD, nhập khẩu từ Nga 194,8 tỉ USD, thâm hụt mậu dịch là -61,8 tỉ USD, năm 2015, EU xuất vào Nga 99,0 tỉ USD, nhập từ Nga 148,1 tỉ USD, thâm hụt -49,1 tỉ USD.

Đến năm 2016, lượng xuất khẩu hàng hóa của EU vào Nga giảm mạnh, chỉ còn đạt 72,4 tỉ, nhưng vẫn nhập khẩu từ Nga tới 118,7 tỉ USD nên mức thâm hụt vẫn ở mức cao là -46,3 tỉ USD.

Từ năm 2017 đến nay, việc Nga vượt cấm vận Mỹ thành công, khiến cho quan hệ thương mại Nga-EU phát triển trở lại và thâm hụt mậu dịch của EU với Nga lại tăng trở lại và đạt giá trị lớn, bởi nhu cầu của EU về nguồn năng lượng từ Nga tăng mạnh.

Với thực tế như vậy, rõ ràng EU không thể thoát khỏi vòng xoáy lợi ích-sức mạnh Mỹ và gần như hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách đối ngoại "kết đồng minh" của Washington, cho dù gần đây sóng liên tục vỗ mạnh 2 bên bờ Đại Tây Dương.

3. Trong khi đó, chính quyền Nga thời Putin lại áp dụng chính sách đối ngoại "xây đối tác", mà hệ quả là gây ra phân hóa nội bộ "phe Mỹ". Vì vậy, nếu xem Nga là đối tác chiến lược khác gì EU giúp Nga vô hiệu chính sách "kết đồng minh" của Mỹ.

Với chủ trương ngăn Washington tái lập đối đầu ý thức hệ, khi thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ kết thúc, vị tổng thống thứ 2 của nước Nga thời hậu Xô Viết đã áp dụng chiến lược đối ngoại "chỉ ưu tiên xây đối tác, không chú trọng kết đồng minh".

Tác hiệu lớn nhất từ chính sách "xây đối tác" của Moscow là vô hiệu chính sách "kết đồng minh" của Washington, mà qua đó làm phân hóa nội bộ "phe Mỹ", rồi từ đó biến nhiều đồng minh của Mỹ, từ "đồng minh chiến lược" thành "đồng minh tồi".

Ngay trong Liên minh Châu Âu, sự tác động từ chính sách "xây đối tác" của Putin cũng đã gây ra sự phân hóa nội bộ, mà thể hiện ra qua việc nhiều thành viên EU ngày càng tỏ ra lệch pha với Washington, lệch chuẩn Mỹ.

Gần đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất một cách tiếp cận khác trong quan hệ với Moscow, mà điều này bị ông Tusk chỉ trích là Macron "không cảm nhận được hơi thở nóng từ miệng của gấu Nga đã phả ngay sau gáy".

Đây là cảnh báo nguy hiểm cho chính liên minh kinh tế này trước nguy cơ trừng phạt từ đồng minh bên bờ tây Đại Tây Dương. Do vậy, EU chỉ có thể xác lập quan hệ đối tác bình thường với Nga, chứ không thể nâng lên tầm đối tác chiến lược.

Mọi sự lệch chuẩn Mỹ đều khiến EU có thể phải trả giá

Thứ hai, EU luôn xem Nga là vấn đề chiến lược

Theo giới phân tích, khởi phát của vấn đề này chính là yếu tố lịch sử, sau đó là sự tác động từ các chuyển động trong hiện tại liên quan đến mối quan hệ giữa Nga với Mỹ-phương Tây.

1. Về yếu tố lịch sử. Chiến tranh Lạnh Xô-Mỹ tồn tại gần nửa thế kỷ bởi hai bên không có điểm chung, để từ đó có thể trung hòa lợi ích, giảm đối đầu. Vì vậy, Chiến tranh Lạnh chỉ kết thúc khi Liên Xô tan rã, theo BBC.

Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh không có chiến lược trung hòa sức mạnh Nga thời hậu Xô Viết mà lại tạo xúc tác phản ứng mạnh hơn. Đây chính là sai lầm của Mỹ-phương Tây, theo nhận định của ông Paul Pillar, cựu sĩ quan cao cấp của CIA.

“Phương Tây đã sai lầm khi không đối xử với Nga như một quốc gia bị khủng hoảng bởi Liên Xô sụp đổ. Thay vì chào đón nước Nga thì phương Tây lại coi Nga như nhà nước kế tục Liên Xô. Nghĩa là phương Tây luôn đặt Nga vào thế đối nghịch”.

Cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Hoàng gia Anh (MI6) và cũng là cựu Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc John Sawers, thì cho rằng phương Tây không quan tâm đúng mức việc xây dựng quan hệ chiến lược đúng đắn với nước Nga thời hậu Xô Viết.

“Nếu có sự hiểu biết rõ ràng giữa Washington và Moscow về quy tắc đối ngoại thì việc giải quyết các vấn đề xung đột sẽ rất dễ dàng. Tiếc là chúng ta không kết nối với Nga mà lại áp dụng cách hành xử của chúng ta khiến sự việc trở nên phức tạp hơn”.

Như vậy, Mỹ-phương Tây thiếu tin cậy và hiểu biết với Nga, khiến từ đó không thể xây nền tảng vững chắc cho bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa hai bên. Đây là sai lầm chiến lược của Mỹ và đồng minh, từ đó khiến Nga luôn là vấn đề chiến lược của họ.

2. Về tác động của những chuyển động thực tại. Đó chính là tác hiệu từ các nước cờ của Tổng thống Putin, nhằm hồi sính sức mạnh Nga và vô hiệu hóa những tác động tiêu cực từ chính sách của Mỹ-phương Tây đối với Nga.

Một vài ví dụ, như việc Tổng thống Putin thực hiện các dự án đường ống dẫn khí, đưa nước Nga thoát ra theo các dòng chảy, từ đó vẽ lại bản đồ năng lượng Châu Âu, tối thiểu hóa ý nghĩa và giá trị địa chính trị-địa chiến lược của nhiều thực thể.

Hay việc nhà lãnh đạo Nga quyết bẻ ngoặt lưỡi dao mà EU tính đâm sau lưng Nga, khi EU mời Turkmenistan tham gia cung cấp khí đốt cho Châu Âu thông qua Dự án Hành lang khí đốt phía Nam (SGC)...

Tác hiệu từ các nước cờ của Putin là vấn đề chiến lược với EU

Đáng nói là, những nước cờ của Tổng thống Putin đã giúp nước Nga mạnh mẽ hơn trong bối cảnh Mỹ-EU liên tục siết cấm vận Nga, khiến cho việc hóa giải hiệu ứng đặc biệt này trở thành một vấn đề rất lớn với Mỹ-EU.

Từ việc Mỹ-phương Tây buộc Nga phải kế thừa sự thù địch của Liên Xô, gây sức ép trong xử lý các vấn đề nội bộ cũng như các vấn đề quốc tế và các vấn đề có liên quan tới Nga, có thể thấy đối trọng vẫn là xu thế của quan hệ Nga-phương Tây.

Mà khi quan hệ dựa trên đối trọng thì hai bên luôn là vấn đề của nhau. Do vậy, dễ hiểu rằng Nga luôn là vấn đế chiến lược của EU và yêu cầu hóa giải các nước cờ, phá các thế cờ của Tổng thống Putin luôn là trọng tâm của vấn đề chiến lược ấy.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-xem-nga-la-van-de-chien-luoc-loi-ich-my-3391921/