EU với những thách thức hiện hữu

Mặc dù thời gian qua Liên mình châu Âu (EU) đã tích cực, nỗ lực xây dựng một hình mẫu tiêu biểu, song, trên thực tế EU đang phải đối mặt với không ít thách thức. Theo một nhận định mới đây được đăng tải trên website của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) thuộc Viện Nghiên cứu về châu Âu (trụ sở tại London, Anh), sự an toàn của EU đang bị thách thức hơn bao giờ hết.

Trong một thời gian dài, ở phía Đông, EU và Nga luôn ở trạng thái “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khi những hiềm khích giữa EU với Nga ngày một gia tăng. Châu Âu luôn cáo buộc Nga can thiệp có chủ ý trong các cuộc bầu cử tại các nước thành viên EU cho đến tấn công mạng các công ty, hệ thống của châu Âu. Hơn nữa, ở phía Đông còn là một Trung Quốc nhiều tham vọng với những nỗ lực tiếp tục làm sâu sắc thêm ảnh hưởng đối với các quốc gia thành viên EU thông qua thương mại và đầu tư khiến EU phải lo lắng.

Trong khi đó, ở phía Nam các quốc gia châu Âu đang phải dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ - một đối tác không dễ chiều trong nhiều vấn đề mà nổi bật là di cư và chống khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở vị trí quan trong, một mặt là bàn đạp, cầu nối để các nước EU gia tăng ảnh hưởng, tăng cường hiện diện ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, mặt khác là tường thành vững chắc hỗ trợ châu Âu ngăn chặn dòng người tị nạn đến từ các nước bị chiến tranh tàn phá tràn sang miền đất hứa ở châu Âu. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng mặc cả, làm mình làm mẩy với EU khi mà tham vọng gia nhập EU của nước này luôn bị EU nâng lên đặt xuống.

Một khi vấn đề khủng hoảng người di cư không được giải quyết dứt điểm, làn sóng người di cư đến từ các vùng đất bất ổn với xung đột và nghèo đói từ Trung Đông và từ phía bên kia Địa Trung Hải sẽ ngày càng thách thức an ninh, thậm chí cả sự đoàn kết của EU. Trong cuộc chiến này, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo sự bình yên của lục địa già.

Do đó, EU đã có nhượng bộ nhất định đối với đất nước Hồi giáo này, thể hiện rõ ở việc đầu năm nay EU thông báo giải ngân thêm 3,7 tỷ USD viện trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ theo một thỏa thuận để ngăn chặn dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu.

Tuy nhiên, đáng lo hơn cả là ở phía Tây, nơi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thế hiện sự coi thường đối với các thỏa thuận quốc tế và các giá trị châu Âu luôn theo đuổi. Bằng việc rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) về chương trình hạt nhân Iran và tấn công hệ thống thương mại quốc tế thông qua việc áp đặt thuế quan, ông Trump đã làm lung lay niềm tin bấy lâu nay của châu Âu về cách thức giải quyết bất đồng, bảo vệ lợi ích thông qua ngoại giao.

Những thách thức đối với Liên minh châu Âu vẫn luôn hiện hữu.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang lo sợ việc bảo đảm an ninh xuyên Đại Tây Dương sẽ không còn dựa trên sự hợp tác của các liên minh, lợi ích chung mà dựa vào việc mua công nghệ, tài sản Mỹ và tuân theo một vị tổng thống không thể đoán trước. Để thoát khỏi cái bóng của Mỹ, EU giờ đây phải tự nắm lấy vận mệnh của mình. Điều này thể hiện rõ khi các nhà lãnh đạo chủ chốt của EU đã có mặt ở Trung Đông, Nhật Bản và cả Trung Quốc trong thời gian qua để tìm kiếm sự hợp tác.

Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức Norbert Roettgen, đối với ông Trump, các khái niệm về bạn bè, đồng minh, đối tác, đối thủ hay kẻ thù không tồn tại một cách rõ ràng, vì vậy không ngạc nhiên khi EU đã hướng đến những bạn bè ở nơi khác.

Các nước EU là thành viên của NATO xem ra đứng ngồi không yên khi sự chi phối ngày càng lớn hơn của Mỹ cũng như áp lực của Washington lên các nước thành viên về gia tăng đóng góp ngân sách cho NATO hằng năm ngày càng gia tăng. Mỹ luôn phàn nàn rằng, nước này không có lý do phải đóng góp đế bảo vệ châu Âu nhiều hơn so với các nước châu Âu khác khi Mỹ phải chi hơn 3,1% GDP cho ngân sách quốc phòng của NATO, trong khi Đức chỉ đóng góp 1,2% GDP và các thành viên khác của EU chỉ đóng 1,5%.

Tuy nhiên, EU cũng lập luận rằng, trên thực tế cam kết bảo vệ đồng minh và vai trò của Washington không được thế hiện rõ rằng trong thời gian qua, thậm chí là những động thái bất định của Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn khiến cho châu Âu phải lo lắng.

Bức tranh toàn cảnh trên khiến châu Âu lo lắng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là châu Âu bị chia rẽ trong việc xử lý các thách thức trên. Cuộc khủng hoảng chính trị xung quanh vấn đề di cư từ năm 2015 đến nay đã phơi bày sự thiếu đoàn kết của các thành viên trong khối, khiến nhiều quốc gia thành viên EU nghi ngờ về khả năng bảo vệ họ của EU.

Nguy hiểm hơn, không chỉ dừng lại ở sự chia rẽ giữa những quốc gia thành viên, các cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia châu Âu đã chứng kiến nhiều cuộc chiến khốc liệt giữa một bên là đảng phái chính trị ủng hộ chương trình nghị sự mở, tiến bộ, hội nhập toàn cầu với một bên là phong trào chính trị mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc, hướng nội và chống EU.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc lập luận rằng, các chính phủ ủng hộ đa phương hóa của EU hiện không bảo vệ, đảm bảo được cuộc sống của công dân mình. Điều này đặt ra thêm một thách thức cho EU đó là sự cần thiết đảm bảo an toàn cho công dân - vốn là trách nhiệm của quốc gia - phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Ngoài ra, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ vẫn mang đến những rủi ro đối với kinh tế châu Âu. Quyết định áp thuế và đe dọa áp thuế nhập khẩu lên các mặt hàng nhôm và thép từ các nước như Trung Quốc, Mexico, EU... của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đã khiến cho thương mại quốc tế trở nên rối bời, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Động thái của ông Donald Trump được xem là chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia, đặt các quy tắc thương mại quốc tế ra bên ngoài. Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, trong bối cảnh đó, EU cần trở thành một hình mẫu tiêu biểu bằng việc mở cửa kinh tế và cải cách các thể chế.

Có thể thấy, trong môi trường chính trị nhiều biến động hiện nay, EU đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đe dọa đối với an ninh châu Âu và ảnh hưởng đến sự gắn kết, phát triển của Liên minh này. Đứng trước những thách thức, nguy cơ đe dọa luôn hiện hữu như vậy, thời gian tới EU sẽ phải có những điều chỉnh để củng cố nội khối, gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Kông Anh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/eu-voi-nhung-thach-thuc-hien-huu-511347/