EU và Việt Nam hướng tới phê chuẩn Hiệp định chống khai thác gỗ bất hợp pháp

Theo nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, EU và Việt Nam đang chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) về Tăng cường thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Buôn bán gỗ (FLEGT).

Hiệp định VPA sẽ giúp thúc đẩy quản trị rừng, giải quyết vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp được kiểm chứng từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác.

Trong 2 ngày 7 - 9/1/2019, bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu có chuyến thăm và làm việc tại Việt nam để thảo luận việc chuẩn bị của Việt Nam cho việc thực thi VPA.

Trong chuyến công tác, bà Heidi Hautala gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam. Bà cũng có chuyến thăm tới tỉnh Gia Lai và TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho việc phê chuẩn Hiệp định VPA của Nghị viện châu Âu với Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bà Heidi Hautala nhấn mạnh rằng "Hiệp định VPA này là hiệp định thứ 2 mà EU ký với đối tác châu Á sau In-đô-nê-xia. Đây là một phần rất quan trọng trong chiến lược rộng lớn hơn của EU để thúc đẩy đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở châu Á và để chống khai thác gỗ bất hợp pháp và thương mại liên kết".

Tiếp bà Heidi Hautala, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nói: "Chuyến công tác của Phó Chủ tịch Heidi Hautala tại thời điểm này là một cơ hội tốt cho cả hai bên tăng cường sự tin cậy và hiểu biết. Đây là một cơ hội tốt cho Việt Nam khẳng định nỗ lực và quyết tâm cao nhất của Chính phủ và các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trong việc hoàn thành các cam kết được đưa ra trong VPA để nhằm phát triển một ngành công nghiệp chế biến gỗ sử dụng các nguyên liệu gỗ bền vững và hợp pháp".

Sau 6 năm đàm phán, FLEGT VPA đã được EU và Việt Nam ký vào ngày 19 tháng 10 năm 2018 tại Brucxen. Trước khi VPA có hiệu lực, mỗi bên phải hoàn thành các thủ tục phê chuẩn VPA phù hợp với các thủ tục nội bộ. Từ phía EU, VPA cần phải nhận được sự đồng thuận của Nghị viện châu Âu trước khi được trình lên Hội đồng châu Âu để phê chuẩn. Từ phía Việt Nam, PA là một hiệp ước quốc tế và sẽ được ký nhân danh Chính phủ.

Việt Nam đã phê chuẩn một Kế hoạch Hành động cho việc thực thi VPA, bao gồm cả việc phát triển các bộ tài liệu luật và tăng cường sự giám sát độc lập của các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội ngành và các tổ chức liên quan trong quá trình thực thi VPA.

Khi VPA được thực hiện đầy đủ, tất cả gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất sang châu Âu từ Việt Nam sẽ có chứng chỉ FLEGT do Việt Nam cấp. Trước khi việc cấp chứng chỉ FLEGT bắt đầu, sẽ có một khoảng thời gian chuẩn bị và đánh giá để xác nhận tất cả các cam kết được đưa ra trong VPA đã đáp ứng các tiêu chí để sẵn sàng đi vào hiệu lực như quy định trong một phụ lục của hiệp định.

VPA do đó là một cam kết gắn liền với luật để đảm bảo việc thực thi quản trị và các biện pháp quy định nhằm giải quyết vấn đề khai thác gỗ lậu, đồng thời mang lại lòng tin và thương hiệu cũng như các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/eu-va-viet-nam-huong-toi-phe-chuan-hiep-dinh-chong-khai-thac-go-bat-hop-phap-post287135.info