EU ủng hộ các quy tắc bảo vệ người tố giác

Nghị viện châu Âu (MEP) hôm 16/4 đã giành đa số phiếu tán thành các quy tắc nhằm bảo vệ người tố cáo khỏi sự trả thù.

Các quy tắc mới được đề xuất bởi Ủy ban Điều hành châu Âu 1 năm trước hiện đang chờ sự thông qua chính thức từ các nước thành viên EU. Ảnh: Business Standard

Các quy tắc mới được đề xuất bởi Ủy ban Điều hành châu Âu 1 năm trước hiện đang chờ sự thông qua chính thức từ các nước thành viên EU. Ảnh: Business Standard

Với 591 phiếu ủng hộ, 29 phiếu chống và 33 phiếu trắng, cho thấy MEP đã ủng hộ các quy tắc để thúc đẩy cuộc chiến chống gian lận, tham nhũng, trốn thuế và những mối nguy hại cho sức khỏe người dân cũng như môi trường.

Những vụ bê bối gần đây đã "làm sáng tỏ sự bấp bênh lớn mà những người tố giác phải chịu hiện nay", ông Virginie Roziere, nhà nghiên cứu xã hội người Pháp, người hướng dẫn luật tại Hội nghị, phát biểu. Cuộc bỏ phiếu của MEP cũng đã "gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng, họ đã nghe thấy những lo lắng của công dân và thúc đẩy các quy định mạnh mẽ nhằm bảo đảm sự an toàn cho nhũng người lựa chọn việc tố giác", các thành viên MEP nói.

Cuộc bỏ phiếu tại MEP diễn ra vài ngày sau khi Julian Assange, người sáng lập trang Wikileaks bị bắt và bị đưa ra khỏi đại sứ quán của Ecuador ở London, đối mặt với việc bị dẫn độ về Mỹ và bị truy tố nhiều tội danh. Giới chức Mỹ đã thông báo cáo buộc nhằm vào ông Assange là âm mưu xâm nhập máy tính Lầu Năm Góc.

Trong cuộc tranh luận tại MEP hôm 15/4, Nghị sỹ của Pháp Younous Omarjee đã đề cập đến ông Assange như một người tố giác cần được bảo vệ.

Hiện, những quy định mới được đề xuất bởi Ủy ban Điều hành châu Âu cách đây 1 năm vẫn đang chờ sự thông qua chính thức bởi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) để có thể sẵn sàng hỗ trợ cho những người tố giác. Sau khi được thông qua, các quốc gia thành viên có 2 năm để tuân thủ các quy tắc.

MEP cho biết, các quy tắc này cung cấp sự bảo vệ trước hết là trên toàn EU cho những người tố giác. Người tố giác có thể lựa chọn giữa việc tố giác nội bộ hay tố giác bên ngoài, ví dụ như, tố giác lên chính quyền quốc gia hoặc với EU.

Các quy tắc được đưa ra nhằm mục đích bảo vệ và khuyến khích việc tố cáo những hành vi vi phạm các quy định của EU, bao gồm: Gian lận thuế, rửa tiền, vi phạm trong mua sắm công, an toàn sản phẩm và giao thông, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ dữ liệu.

Các quy tắc cũng nhằm bảo đảm các thông tin của người tố giác được giữ bí mật.

Những quy tắc này, nếu được thông qua, cũng sẽ bảo vệ những người có liên quan tới người tố giác, bao gồm: đồng nghiệp, người thân và các nhà báo điều tra, Nghị viện cho biết.

Cũng theo MEP, các quốc gia thành viên EU phải cung cấp cho người tố giác "thông tin toàn diện và độc lập" về cách mà họ có thể tố cáo các vi phạm, theo đuổi vụ việc thông qua những hỗ trợ pháp lý, tài chính và tâm lý cho họ. Bảo vệ người tố giác sẽ mang tính chắp vá khi mà tại EU chỉ có 10 quốc gia cung cấp sự bảo vệ pháp lý toán diện, là các nước: Pháp, Hungary, Ireland, Italy, Litva, Malta, Hà Lan, Slovakia, Thụy Điển và Anh.

Ủy ban EU cho biết, những người tố giác đóng vai trò quan trọng trong việc phanh phui các vụ bê bối. Như vụ gian lận khí thải Dieselgate, nơi hãng sản xuất ô tô hàng đầu của Đức Volkswagen (VW) bị phát hiện sử dụng các thiết bị để che giấu khí thải diesel. Hay, nhờ vào người tố cáo đã vạch trần bê bối tại Cambridge Analytica, công ty tư vấn dữ liệu của Anh hiện đang bị cáo buộc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook mà không được sự cho phép của họ. Hay bê bối LuxLeaks, Hồ sơ Panama - nơi các hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia bị phơi bày...

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/eu-ung-ho-cac-quy-tac-bao-ve-nguoi-to-giac_t114c52n147330