EU tuyên bố ủng hộ Ukraine, duy trì trừng phạt Nga, Mỹ thắt chặt 'tình đồng minh' với châu Âu

Ngày 2/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga sẽ được duy trì đến khi các thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ nhằm đạt được hòa bình ở miền Đông Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski (phải) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel tham dự một cuộc họp báo chung tại thị trấn Shchastya, miền Đông Ukraine hôm 2/3. (Nguồn: AP)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski (phải) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel tham dự một cuộc họp báo chung tại thị trấn Shchastya, miền Đông Ukraine hôm 2/3. (Nguồn: AP)

Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Michel bày tỏ sự ủng hộ “rõ ràng” đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine tại cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở miền Đông nước này.

Ông Michel cho biết, người dân tiếp tục thiệt mạng ở đây và đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của cuộc xung đột. Việc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk là lộ trình duy nhất để theo đuổi.

"Từ nay cho đến khi việc thực thi đầy đủ thành hiện thực, các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga sẽ vẫn được duy trì", Chủ tịch Michel nhấn mạnh.

Người đứng đầu Hội đồng châu Âu khẳng định cam kết của EU trong việc tăng cường giúp đỡ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong sứ mệnh giám sát đặc biệt của châu Âu.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, một nguồn tin quân sự châu Âu cho biết, chính quyền mới của Mỹ muốn giúp EU chuyển quân và thiết bị nhanh chóng hơn ở khắp châu lục này nhằm đối phó với một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga.

Nguồn tin cho biết, hồi tuần trước, Mỹ, Canada, Na Uy và tất cả các thành viên NATO bên ngoài EU đã gửi yêu cầu tham gia vào một dự án của châu Âu được mệnh danh là "Schengen quân sự" cho khu vực không có biên giới của EU.

Đây là một trong 46 dự án "hợp tác có cấu trúc vĩnh viễn" (PESCO) nhằm thắt chặt hơn nữa hợp tác quân sự trong EU. Các nước ngoài khối đã được phép tham gia các dự án này kể từ tháng 11/2020.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Thomas Campbell xác nhận yêu cầu trên của Mỹ và cho biết, Washington cũng đang xem xét hợp tác trong các dự án PESCO khác.

“Sự tham gia của Mỹ mang lại giá trị gia tăng cho dự án nhờ khả năng chuyên môn của nước này trong việc cơ động lực lượng và khí tài trên khắp châu Âu và có thể dẫn đến việc gia tăng di chuyển không bị cản trở của quân nhân và tài sản bên trong châu lục", ông Campbell khẳng định.

Theo nguồn tin, bộ trưởng quốc phòng các nước EU sẽ thảo luận về đề nghị trên vào tháng 5 tới và sự hỗ trợ của Mỹ có thể được thực hiện dưới hình thức hỗ trợ tài chính hoặc tham gia các cuộc tập trận.

Động thái trên của Washington được coi là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Joe Biden mong muốn gắn kết chặt chẽ hơn với các đồng minh châu Âu so với cách tiếp cận độc lập của người tiền nhiệm Donald Trump.

(theo AP, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-tuyen-bo-ung-ho-ukraine-duy-tri-trung-phat-nga-my-that-chat-tinh-dong-minh-voi-chau-au-138180.html