EU từ chối giám sát bầu cử Venezuela: Sợ hay thẹn?

Nếu giám sát, EU hoàn toàn có nguy cơ phải công nhận chiến thắng của chính quyền Maduro và người dân Venezuela ..

EU từ chối giám sát cuộc bầu cử Quốc hội Venezuela

Reuters ngày 11/9 đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo sẽ không cử quan sát viên tới giám sát bầu cử Quốc hội Venezuela, dự kiến diễn ra ngày 6/12 tới vì họ nhận được lời mời từ chính quyền Caracas quá muộn.

Một nữ phát ngôn viên của EU xác nhận nhận Brussels được thư mời từ Caracas về việc giám sát cuộc bầu cử, nhưng nhận thấy chính quyền Maduro chưa đáp ứng "các điều kiện tối thiểu cho một cuộc bầu cử đáng tin cậy, công bằng và minh bạch".

Vì vậy, theo đại diện EU, chính quyền Caracas cần đáp ứng các điều kiện tối thiểu cho một cuộc bầu cử theo tiêu chuẩn của EU thì Brussles sẽ thực hiện giám sát bầu cử theo quy định của EU. Tuy nhiên, đã hết thời gian để Caracas làm điều đó.

Chưa biết EU nhận được thư mời giám sát bầu cử của Venezuela khi nào, nhưng rõ ràng họ nói chậm trễ không phải về thời gian tổ chức giám sát bầu cử, mà thực ra là Brussels không còn đủ thời gian điều chỉnh cuộc bầu cử diễn ra theo ý họ.

EU đang tự đưa minh vào thế khó trong quan hệ với Venezuela

EU đang tự đưa minh vào thế khó trong quan hệ với Venezuela

Bởi lẽ chính quyền Tổng thống Maduro gửi thư mời EU cử quan sát viên tới giám sát cuộc tổng tuyển cử đã là "điều kiện tối thiểu cho một cuộc bầu cử đáng tin cậy, công bằng và minh bạch", chỉ là không đúng ý của Brussels - và cả Washington - mà thôi.

Và không khó nhận diện ý đồ của Brussels - và cả Washington - là phải làm sao đưa những quân cờ của họ đóng vai trò chủ chốt trong ván cờ Venezuela thời hậu bầu cử, và đương nhiên phải thuộc phe đối lập.

Dù "tổng thống lâm thời" Juan Guaido không còn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Mỹ và đồng minh, nhưng lực lượng chống lại Nicolas Maduro vẫn là lực lượng được Mỹ-phương Tây "gửi niềm tin và trao hy vọng".

Tuy nhiên, ngày 31/8, Tổng thống Nicolas Maduro đã tuyên bố ân xá cho 101 nhân vật đối lập, một động thái được cho là nhằm thúc đẩy hòa hợp dân tộc, tạo điều kiện cho một cuộc tổng tuyển cử công bằng-công khai diễn ra vào tháng 12 tới.

Trong danh sách những người được ân xá lần này có những nhân vật nổi bật của phe đối lập, những nghị sĩ từng bị tước quyền miễn trừ truy tố, những chính trị gia từng bỏ trốn khỏi Venezuela và những người đã bị chính quyền bắt giữ.

Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Truyền thông Venezuela Jorge Rodriguez cho biết những người được ân xá hoàn toàn có thể tham gia cuộc cử vào Quốc hội sẽ diễn ra ngày 6/12/2020, nếu họ muốn.

Việc chính quyền Caracas chủ động chìa bàn tay ra với phe đối lập vì mục đích hòa giải, hòa hợp dân tộc, vì hòa bình, ổn định và phát triển cho đất nước đúng theo quy định của pháp luật, đã gây chia rẽ phe đối lập.

Điều đó đã thể hiện rõ qua việc "Tổng thống lâm thời" Guaido kêu gọi phe đối lập tẩy chay tổng tuyển cử với lập luận rằng sẽ xảy ra gian lận, trong khi một số nhân vật đối lập trong nước đối thoại với chính quyền Tổng thống Maduro để chuẩn bị tranh cử.

Ông Henrique Capriles - người từng hai lần đối đầu với ông Maduro trong các cuộc bầu cử tổng thống - cho rằng chính sách của nhà chính trị trẻ tuổi Guaido không còn phù hợp. Ông Capriles còn cáo buộc ông Guaido đã bị nước ngoài dật dây.

Điều này khiến Mỹ và các đồng minh bất ngờ, và theo giới phân tích thì có thể nhận diện đây mới chính là lý do khiến Liên minh Châu Âu từ chối cử quan sát viên đến giám sát cuộc bầu cử Quốc hội Venezuela.

Vì ngay sau tuyên bố của EU, ông Stalin Gonzalez - một luật sư ủng hộ ông Capriles cho rằng, "lựa chọn tốt nhất" của Venezuela trong thời điểm này là hoãn bầu cử đến khi EU thấy thỏa mãn "các điều kiện tối thiểu" mà họ yêu cầu.

Juan Guaido mất tín nhiệm, nhưng phe đối lập Venezuela vẫn là lực lương được Mỹ và đồng minh gửi niềm tin-trao hy vọng

Mời EU giám sát bầu cử, Caracas khiến EU thẹn?

Có thể thấy, việc chính quyền Tổng thống Maduro mời EU cử quan sát viên tới giám sát cuộc bầu cử Quốc hội Venezuela, nhằm chứng minh tính công bằng và minh bạch cho một cuộc ủy thác quyền lực, nhưng lại tạo ra hiệu ứng bất lợi với Brussels.

Thứ nhất, nó khiến Brussels sợ. Bởi sau khi chính quyền Caracas chủ động chìa tay ra với phe đối lập vì hòa giải và hòa hợp dân tộc, tình hình Venezuela có thể chuyển động theo một xu thế mới.

Việc Tổng thống Maduro ân xá cho hàng loạt nhân vật chính trị đối lập quan trọng sẽ có thể tạo ra khả năng nhiều người "chung chiến hào nhưng chọn khác chiến tuyến" với Cacaras sẽ lấy đoàn kết quốc gia làm hệ quy chiếu cho hành động của mình.

Sự kiện số nhân vật chính trị đối lập trong nước đối thoại với chính quyền Tổng thống Maduro để chuẩn bị tham gia tranh cử vào Quốc hội khóa mới là dấu hiệu báo trước việc "kim chỉ nam ở phương trời xa" không còn đủ lực hút với Venezuela.

Trong trường hợp này, nếu giám sát, EU hoàn toàn có nguy cơ rơi vào cảnh phải ghi nhận và công nhận chiến thắng của chính quyền Tổng thống Maduro và những người Venezuela đã quay về với chính nghĩa quốc gia.

Đó sẽ là thảm họa với EU trong chính sách đối với Venezuela, vì khi đó đương nhiên Brussels phải công nhận tính hợp hiến, hợp pháp của chính quyền Caracas, điều mà chính họ đã phủ nhận.

Thứ hai, nó khiến Brussels phải thẹn. Chính quyền Tổng thống Maduro đã thể hiện sự "cao thượng" trong quan hệ với EU, cho dù "năm lần bảy lượt" Brussels chạy theo Washington "chơi xấu" Caracas.

Đầu tháng 6, Tổng thống Maduro đã yêu cầu EU không can thiệp vào công việc nội bộ Venezuela, vì đây "không phải là sân sau" của EU, sau khi Hội đồng Châu Âu lên án Tòa án Tối cao Venezuela cải tổ Hội đồng bầu cử, khiến EU áp trừng phạt.

Ngày 29/6, chính phủ Venezuela quyết định trục xuất Đại sứ EU tại Caracas Isabel Brilhante Pedrosa, nhằm đáp trả Brussels. Song chỉ 48 tiếng sau, ngày 2/7, Caracas đã thông báo đã hủy quyết định trục xuất Đại sứ EU.

Không những thế, chính quyền Tổng thống Maduro còn sẵn sàng chấp nhận "đại diện ngoại giao của Liên minh Châu Âu tại Venezuela ở mức cao nhất, với 14 Đại sứ và Đại diện thường trực".

Lý giải cho hành động của mình, Tổng thống Maduro cho rằng Caracas làm điều đó là nhằm để thế giới hiểu được sự thật về những gì đang diễn ra tại Venezuela và EU nhìn vào đó mà thay đổi cách xử sự của mình.

Caracas luôn chơi đẹp nhưng Brussels vẫn cứ chơi xấu

"Dù họ không công nhận Tổng thống Maduro, nhưng nhà lãnh đạo vẫn cho phép họ ở lại Venezuela để phát triển quan hệ và thực hiện đối thoại, dù điều đó là mạo hiểm và gây khó khăn cho chúng tôi", Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza nhấn mạnh.

Vậy nhưng Brussels đã trả ơn Caracas bằng áp lệnh trừng phạt thêm 11 quan chức trong chính quyền Tổng thống Maduro, mà theo Ngoại trưởng thì đó thực ra là "sự xâm lược", đi ngược lại luật pháp quốc tế và các công ước về ngoại giao.

Nay chính quyền Venezuela lại gửi lời mời EU cử quan sát viên đến giám sát bầu cử Quốc hội. Nếu nhận lời Caracas thì rõ ràng Brussels không còn mặt mũi nào, nên từ chối là thượng sách. Không có mặt thì vừa đỡ thẹn, vừa bớt sợ.

Tuy nhiên, Tổng thống Maduro đã kiên quyết từ chối lùi thời gian bầu cử theo "ý chỉ" của EU. Chưa biết Brussels sẽ hành xử tiếp theo như thế nào, nhưng với việc từ chối giám sát tổng tuyển, cho thấy Brussels vẫn ở "cửa dưới" so với Caracas.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-tu-choi-giam-sat-bau-cu-venezuela-so-hay-then-3418859/