EU trừng phạt Ankara: Vì S-400 hay dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ?

Không chỉ đình chỉ các cuộc đối thoại cấp cao và các hợp đồng tự do thương mại, EU còn trừng phạt cá nhân và cơ quan của chính quyền Ankara.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/7 tuyên bố họ thống nhất các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ vì hành động kéo giàn khoan "trái phép" vào vùng đặc quyền kinh tế của đảo Síp. EU đã đưa ra những cảnh báo trừng phạt nhiều lần trước đó.

Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao EU có đoạn: "Bất chấp các lời kêu gọi liên tục của EU chám dứt các hoạt động khoan thăm dò ở phía Tây Bắc đảo Síp và tiến hành một hoạt động khoan thứ hai ở phía đông đảo này trong vùng lãnh hải của Síp".

Phát biểu trước báo giới sau hội nghị, Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối thoại, bà Federica Mogherini tuyên bố: "Các kết luận về Thổ Nhĩ Kỳ đã được chấp nhận và chúng sẽ được công bố trong những giờ tới".

Theo một số nguồn tin, kết luận trừng phạt sẽ được công bố lúc 20 giờ GMT, một trong những nội dung gay gắt nhất là quyết định cắt giảm 145,8 triệu euro (khoảng 164 triệu USD) trong các khoản ngân sách EU dành cho Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2020.

Giàn khoan và tàu chức năng mà Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đến đảo Síp

Giàn khoan và tàu chức năng mà Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đến đảo Síp

Đây là khoảng hỗ trợ từ quỹ IPA của khối này cho các quốc gia có tiềm năng gia nhập EU. Điều này đồng nghĩa với việc EU sẽ cân nhắc lại cơ hội trở thành thành viên của khối này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, các hợp đồng thương mại quy mô lớn giữa hai bên cũng được đình chỉ đàm phán mới, rất có thể EU sẽ hạ cấp đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không cắt đứt hoàn toàn. Giới quan sát cho rằng các biện pháp trừng phạt này là mạnh tay và đầy quyết tâm của EU.

Hồi tháng trước EU đã cảnh báo Ankara rằng chính quyền này sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu không đình chỉ các hoạt động mà EU gọi là khoan thăm dò "bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế của Síp.

Dù quốc kỳ của Cộng hòa Síp, một thành viên EU, thể hiện hình ảnh một hòn đảo thống nhất, trên thực tế hòn đảo nằm phía nam Thổ Nhĩ Kỳ này bị chia cắt thành 2 phần: phía đông bắc do Ankara chiếm đóng và kiểm soát; phía tây nam của đảo Síp.

Việc phát hiện trữ lượng dầu khí khổng lồ phía đông Địa Trung Hải đã đẩy những căng thẳng giữa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ thành căng thẳng giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara tuyên bố chính quyền Síp không có quyền đơn phương khai thác số dầu khí này mà không chia cho Thổ Nhĩ Kỳ dựa theo một thỏa thuận giữa hai nước. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định họ có quyền tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí mà không cần sự cho phép của Síp.

Đã rất nhiều lần các quan chức đối ngoại của EU đưa ra những lời cảnh báo về việc sẽ trừng phạt nếu Ankara tiếp tục leo thang những hành động khoan thăm dò.

Bản đồ thể hiện các khu vực trên đảo Síp. Khu vực màu vàng do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng và kiểm soát từ năm 1974, màu xám là Cộng hòa Síp, màu đỏ là các căn cứ quân sự của Anh, đường màu xanh lá là vùng đệm do Liên Hiệp Quốc kiểm soát

Tuy nhiên, việc EU ban bố các lệnh trừng phạt rơi vào một thời điểm đặc biệt nhạy cảm: Thổ Nhĩ Kỳ vừa nhận hệ thống tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Đây vốn là một bản hợp đồng gây tranh cãi, làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ giữa Ankara và đồng minh Washington cũng như các thành viên còn lại trong khối châu Âu.

Đáng chú ý hơn, các thành viên của liên minh châu Âu trong hàng ngũ NATO đã nhiều lần cảnh báo Ankara đã phản bội niềm tin của đồng minh và tiến hành mua S-400 sẽ phải đối mặt với các hành động trừng phạt mạnh mẽ từ cộng đồng đồng minh, cụ thể là từ Washington và EU.

Song còn một vấn đề khác khiến EU phải lo ngại, từ việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng khoan thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế của Síp, đây là vùng biển có mỏ khí khổng lồ. Và nếu Ankara đưa mỏ khí ấy vào khai thác, nó rất có thể sẽ hợp dòng với dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ mà Nga cùng Ankara đang thực hiện.

Và trên hết, dòng chảy này phục vụ mục đích khí đốt của Nga (và thêm cả Thổ Nhĩ Kỳ nếu khai thác được các mỏ dầu thuộc đặc quyền kinh tế của Síp) bán thẳng vào thị trường châu Âu.

Thay vì được mua dầu, khí chủ động và giá rẻ từ thành viên EU là Síp, châu Âu rất có thể sẽ tiếp tục phải phụ thuộc thêm vào nguồn cung năng lượng Nga-Thổ qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-trung-phat-ankara-vi-s-400-hay-dong-chay-tho-nhi-ky-3383879/