EU tính chuyện với Thổ: Sẵn sàng cho trừng phạt

Hàng loạt vấn đề của khối EU với Ankara có thể khiến EU đưa ra các cảnh báo trừng phạt.

Vào ngày 25-26/3, Brussels sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia thành viên, đặc biệt là về việc gia hạn thỏa thuận di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các lãnh đạo châu Âu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các lãnh đạo châu Âu.

EU dự kiến sẽ cung cấp các khoản tiền mới từ năm 2022 cho 4 triệu người tị nạn mà Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận, sau khoảng 6 tỷ euro (7,13 tỷ USD) đã chi trong bốn năm qua.

Nhưng những tiến bộ như vậy sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu Thổ Nhĩ Kỳ "tôn trọng nhân quyền và thể hiện sự linh hoạt hơn đối với tình hình đảo Cyprus bị chia cắt và thăm dò năng lượng ở vùng biển tranh chấp ở phía đông Địa Trung Hải", Reuters cho hay.

Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ đe dọa về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt trong trường hợp họ nhận thấy Ankara có "các hành động khiêu khích mới hoặc các hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế", theo dự thảo tuyên bố.

Các biện pháp trừng phạt "chỉ được sử dụng làm đòn bẩy", có thể bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân, hướng tới các lĩnh vực quan trọng như năng lượng và du lịch. Reuters nhận định, ban lệnh trừng phạt nhằm vào du lịch có thể là bước đi mạnh mẽ của EU đối với Thổ Nhĩ Kỳ bởi đây là ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia này.

Vào tháng 12/2020, các nhà lãnh đạo EU đã đề xuất việc đóng băng tài sản và cấm đi lại với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ do "các hoạt động khoan trái phép" của Thổ Nhĩ Kỳ đối với mỏ khí đốt tự nhiên ở phía đông Địa Trung Hải.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuần trước cho biết Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng kết quả cụ thể từ hội nghị thượng đỉnh sẽ mở đường cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ với EU.

EU cũng nhận thấy "giọng điệu tích cực" hơn từ phía Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong việc nỗ lực giải quyết vấn đề người tị nạn từ Trung Đông vào EU.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và khối gần đây đã lên tiếng về ý định “lật một trang mới” trong quan hệ của hai nước.

Tuy nhiên Tiến sĩ Can Unver, Chủ tịch Ủy ban Lao động Di cư (CMW) của LHQ nghi ngờ về khả năng thực hiện lời hứa của EU với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề tị nạn.

Vào ngày 18/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh dấu kỷ niệm 5 năm ngày ký kết thỏa thuận di cư năm 2016 với EU. Trong thời gian này, số lượng người nhập cư không có giấy tờ vào lãnh thổ của khối đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, trong khi EU cam kết phân bổ 6 tỷ euro trong gói hỗ trợ người tị nạn, EU đã không thực hiện được lời hứa đó, chỉ cung cấp 3,6 tỷ euro, theo tuyên bố từ Ankara.

Theo số liệu của EU, khối này đã trực tiếp chuyển giao 4,1 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi 2 tỷ euro còn lại được phân bổ thông qua các dự án khác nhau.

Ông Can Unver cho biết, thỏa thuận di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu là cung cấp cho Ankara hai đợt tiền mặt, mỗi đợt trị giá 3 tỷ euro. Theo ông, nếu một phần mười tổng số người tị nạn ở lại Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đến châu Âu, thì EU sẽ phải chi ít nhất 40-50 tỷ euro.

"Tất nhiên, EU không có ý định chuyển một số tiền như vậy cho Thổ Nhĩ Kỳ" - chuyên gia Unver nói. Hơn nữa, cách thức cung cấp hỗ trợ cũng còn nhiều nghi vấn. EU kiên quyết yêu cầu chuyển tiền thông qua các tổ chức phi chính phủ, và đây chủ yếu là các cấu trúc của châu Âu.

"Điều này tương đương với việc chuyển tiền từ túi này sang túi khác của họ" - Tiến sĩ Unver nói.

Tiến sĩ này cho hay, Brussels cũng không thực hiện tự do hóa thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông chỉ ra rằng bất kỳ sự thúc đẩy nào trong quá trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, cập nhật thỏa thuận liên minh thuế quan và áp dụng chế độ miễn thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một phần của thỏa thuận. Theo ông Unver, các nước châu Âu được hướng dẫn bởi mong muốn thuyết phục Ankara giữ người tị nạn trên lãnh thổ của mình, ngăn cản họ di chuyển từ phía bắc sang châu Âu , bằng bất cứ giá nào.

Một thỏa thuận không thực sự thiết thực như vậy sẽ khiến quan hệ hai bên khó đi tới hiệu quả thực tế.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/eu-tinh-chuyen-voi-tho-san-sang-cho-trung-phat-3429536/