EU tìm lại tầm nhìn siêu cường

Châu Âu đang ở trong giai đoạn đặc biệt sau những thời điểm khó khăn trong năm 2017. Theo giới phân tích, mô hình châu Âu sau Chiến tranh Lạnh có vẻ đã lỗi thời và châu Âu cần phải thích ứng với những biến động, trong đó nhiều sự kiện xảy ra ở bên ngoài châu lục.

Vượt qua gian nguy

Về ngắn hạn, năm 2016 dường là một năm bất ổn đối với châu Âu khi cử tri nước Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), thêm vào đó là việc nhà tỷ phú Donald Trump, một người có khuynh hướng dân túy đã bất ngờ đắc cử chức Tổng thống Mỹ. Nhiều người từng dự đoán năm 2017 sẽ là một dấu mốc tồi tệ cho châu Âu với những chính sách mới của Tổng thống Trump và khả năng phe cực hữu giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử quan trọng tại châu Âu. Trong bối cảnh đó, những diễn biến thực tế trong năm 2017 cho thấy lục địa già đã vượt qua gian nguy. Ông Emanuel Macron đắc cử Tổng thống Pháp mang lại một bầu không khí lạc quan, điều được nhiều người nhận thấy trong bài diễn văn và cũng là thông điệp của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Dù vậy, EU vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều áp lực khi việc thành lập chính phủ tại Đức còn rất khó khăn.

Trong dài hạn, người ta nhận thấy những cách thức được áp dụng khá hiệu quả trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh đang có nhiều biểu hiện không còn phù hợp. Về mặt kinh tế, cuộc khủng hoảng xảy ra những năm gần đây là minh chứng rõ ràng về sự lỗi thời trong cấu trúc xã hội. Còn xét về mặt địa chính trị, việc trở lại mạnh mẽ của nước Nga từ năm 2014 cho thấy Moskva đã có những hành động đầy tự tin. Điều này chứng tỏ tình trạng yếu thế của nước Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.

Nhiều khả năng giai đoạn tới sẽ còn nhiều bất ngờ, tình hình chính trị châu Âu vẫn có thể trở nên bấp bênh và người ta sẽ chỉ hiểu được điều đó khi tổng kết tương lai. Nhiều người cảm nhận các thập kỷ sắp tới sẽ khó khăn hơn so với những gì đã diễn ra trong thời gian qua. Tóm lại, mô hình được xây dựng và vận hành từ những năm 90 của thế kỷ trước đang trở nên lỗi thời và vấn đề hiện nay là châu Âu cần xây dựng một mô hình mới phù hợp hơn.

Mô hình tự do-xã hội đã tồn tại ở châu Âu lâu nay đang bị hoài nghi trong lòng dân chúng. Câu hỏi đặt ra là liệu nền dân chủ đại diện có còn phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại hay không. Trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, người ta đã trông đợi sự hợp tác thay thế cho quan hệ cạnh tranh trong quản trị toàn cầu. Thực tế đã ghi nhận sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia thành viên EU. Tại Pháp, các chính đảng truyền thống đang trên đà suy yếu rõ rệt. Còn tại Đức, những đảng lớn theo tư tưởng trung hữu đang phải chịu nhiều áp lực lớn từ cả bên trong lẫn bên ngoài đất nước. Cùng với đó là sự tồn tại của một đảng bài châu Âu tại Bỉ. Mô hình quản trị kinh tế thế giới hiện nay cũng đang là vấn đề gây tranh cãi. Chuyên gia Alexander Mattelear cho rằng sự thay đổi sẽ sớm diễn ra trong tình hình chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay. Về dài hạn, một sự cân bằng mới sẽ được thiết lập, nhưng điều này đòi hỏi thời gian với nhiều thảo luận và tranh cãi.

Với các hành động bảo hộ về kinh tế và những thay đổi trong chính sách với châu Âu của ông Trump cũng như sự căng thẳng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở khu vực Đông Á, người ta đang chứng kiến một thế giới thay đổi với tốc độ chóng mặt. Điều này có thể sẽ gây tác động tiêu cực đối với kinh tế châu Âu, khu vực từng được coi là đầu tàu trong nhiều thập kỷ qua nhưng hiện vai trò này đang ngày càng suy giảm. Đối mặt với sự cạnh tranh của châu Á, có nhiều khả năng châu Âu sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực do các sự kiện xảy ra ở bên ngoài. Ông Alexander Mattelear cho rằng nếu xảy ra đụng độ quân sự tại khu vực phía Đông lục địa thì các nước châu Á có thể tránh được điều này.

Ngay cả khi xung đột diễn ra tại một số khu vực khác trên thế giới, nhiều khả năng châu Âu vẫn phải gánh chịu những hậu quả to lớn. Lý do đơn giản là hiện nay, nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa. Ông cho rằng các siêu cường kinh tế châu Á có lợi ích trong quan hệ với EU vì điều này giúp họ là duy trì được mối quan hệ đối tác với đầu bên kia thế giới, giảm rủi ro khi có biến động. Tại Brussels (Bỉ), dư luận có ấn tượng rằng EU sẽ ảnh hưởng nhiều đến các nước khác trên thế giới. Điều này có thể đúng khi có các sự kiện đặc biệt nghiêm trọng, nhưng người ta cần phải chấp nhận và thích ứng với sự thực mới là vai trò của EU trên trường quốc tế hiện rất mờ nhạt.

Châu Âu vượt qua nhiều khó khăn trong năm 2017.

Những thách thức lớn

Dự báo về tình hình châu Âu trong năm 2018, tờ Le Figaro của Pháp nhấn mạnh hàng loạt thách thức lớn trong hồ sơ quốc tế do những biến động lớn trên thế giới.

Biến động thứ nhất đến từ tình hình chính trị trong nước Mỹ. Sau 1 năm đầy sóng gió ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11 tới. Để duy trì quyền lực, ông Trump phải tiếp tục có được đa số tại Quốc hội. Với tỉ lệ được lòng dân dưới mức 40%, đây là một nhiệm vụ nan giải đối với đương kim tổng thống Mỹ. Bầu cử lập pháp chắc chắn sẽ là trọng tâm hoạt động của ông Trump trong năm 2018. Vấn đề lớn khác đối với ông Trump là cuộc điều tra về nghi án Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Trong trường hợp mất đa số tại Quốc hội và cuộc điều tra đưa ra được các bằng chứng, ông Trump có thể phải đối mặt với đe dọa “phế truất”.

Biến động quốc tế lớn thứ hai đối với EU là viễn cảnh “một cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai,” mà theo tờ Le Figaro, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ theo dõi rất sát tình hình. Xung đột bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bùng phát giữa một bên là nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân, có khả năng tấn công Mỹ, bên kia là Tổng thống Mỹ sẵn sàng “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên trong một cuộc tấn công phủ đầu. Nếu chiến tranh không xảy ra, các diễn biến của hồ sơ Triều Tiên cũng “sẽ ảnh hưởng” nhiều đến quan hệ Mỹ-Trung, với viễn cảnh là một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và căng thẳng trỗi dậy tại Biển Đông hoặc hòn đảo Đài Loan.

Theo tờ Le Figaro, hai thách thức lớn tiếp theo đối với EU là vấn đề nội bộ của liên minh này. Trước hết là tình hình thành lập chính phủ liên minh tại Đức, quốc gia trụ cột của EU cùng với Pháp.

Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và đồng minh kỳ vọng đến tháng 3 tới có thể đạt được một thỏa thuận với đảng Xã hội Dân chủ (SPD) đối lập. Hiện tại không có gì chắc chắn về điều này. Ngày 13-1 tới, các lãnh đạo SPD sẽ phải phê chuẩn các chủ đề thương lượng, toàn đảng sẽ bỏ phiếu sau đó. Việc bà Angela Merkel tiếp tục làm thủ tướng Đức hay không phụ thuộc vào việc lãnh đạo SPD Martin Schulz có thuyết phục được đa số trong đảng ủng hộ một liên minh cầm quyền rộng rãi hay không. Nếu không đạt được thỏa hiệp, cử tri Đức sẽ bầu lại Quốc hội, tình trạng bất ổn chính trị tại Đức sẽ kéo dài.

Thách thức nội bộ thứ hai của EU là “các rạn nứt chính trị” trong khối. Theo tờ Le Figaro, sau khi đồng euro hồi phục, tăng trưởng trở lại, các rạn nứt tiếp tục đe dọa EU trong năm 2018 là “cuộc nổi dậy của các nước Trung Âu” chống lại Brussels (đặc biệt trong vấn đề chia sẻ gánh nặng người tị nạn, các nguyên tắc nhà nước pháp quyền) và làn sóng đòi độc lập tại vùng Catalonia (Tây Ban Nha). Năm 2018 cũng là năm mà EU phải hoàn tất "thủ tục ly hôn" với Anh, cuộc đàm phán còn nhiều chông gai, cho dù các đường nét chung đã rõ ràng.

Liệu Pháp và Đức có cùng hợp tác tốt đẹp được với nhau để cùng kiến thiết châu Âu? Có rất nhiều tâm lý bi quan trong nội bộ châu Âu vào giai đoạn cuối năm 2017 vì những tiến bộ mà trục Pháp-Đức đạt được diễn ra chậm hơn kỳ vọng, nhất là các vấn đề chính trị nội bộ tại Đức. Ý tưởng về một Hiệp ước mới cho châu Âu đã mở ra một cánh cửa cơ hội sau các cuộc bầu cử tại Pháp và Đức, hứa hẹn về một giai đoạn ổn định tại những nước thành viên chủ chốt có thể giúp thúc đẩy sự ổn định và phát triển của châu Âu.

Việc ông Trump đắc cử Tổng thống đã làm cho châu Âu thực sự lo ngại trước những quan điểm bảo hộ trong giai đoạn tranh cử. Trump là một vị tổng thống khó đoán định và đây thực sự là một cú sốc đối với các nhà lãnh đạo của châu Âu. Ngược lại, chiến thắng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mang đến những tác động trực tiếp và tích cực đối với chính trường châu Âu. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, người ta lại thấy một Tổng thống Pháp có một cương lĩnh hành động rõ ràng, đầy tham vọng cùng một tầm nhìn dài hạn. Trong nhiều thập kỷ qua, vai trò xây dựng châu Âu được xác định bởi tam giác Đức-Pháp-Anh. Việc nước Anh lựa chọn rời khỏi EU cũng đã đặt Paris vào một vị thế vững chắc hơn trong trục Pháp-Đức.

Việc ông Trump đắc cử Tổng thống đã làm cho châu Âu thực sự lo ngại trước những quan điểm bảo hộ trong giai đoạn tranh cử. Trump là một vị tổng thống khó đoán định và đây thực sự là một cú sốc đối với các nhà lãnh đạo của châu Âu. Ngược lại, chiến thắng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mang đến những tác động trực tiếp và tích cực đối với chính trường châu Âu. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, người ta lại thấy một Tổng thống Pháp có một cương lĩnh hành động rõ ràng, đầy tham vọng cùng một tầm nhìn dài hạn. Trong nhiều thập kỷ qua, vai trò xây dựng châu Âu được xác định bởi tam giác Đức-Pháp-Anh. Việc nước Anh lựa chọn rời khỏi EU cũng đã đặt Paris vào một vị thế vững chắc hơn trong trục Pháp-Đức.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/eu-tim-lai-tam-nhin-sieu-cuong-109762.html