EU tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga

Các đại sứ của Liên minh châu Âu đã đồng ý tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt chống lại kéo dài tới ngày 23/6/2021.

Đại sứ của 27 quốc gia thành viên EU ủng hộ tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Một nguồn tin từ Hội đồng EU tiết lộ với hãng tin TASS rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ được kéo dài đến ngày 23/6/2021.

Liên minh châu Âu quyết định tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Liên minh châu Âu quyết định tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Quyết định này sẽ được chính thức phê duyệt vào tuần tới và sẽ có hiệu lực cùng với việc công bố trên Tạp chí Chính thức của EU.

Đây là năm thứ sáu EU tiếp tục kéo dài các biện pháp trừng phạt đối với Nga do liên quan đến việc sát nhập Crimea. Các biện pháp trừng phạt Crimea và Sevastopol bao gồm lệnh cấm nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa ở khu vực Crimea, cùng với việc từ chối bất kỳ khoản đầu tư nào của châu Âu vào khu vực này.

Ngoài ra, tàu của các nước EU không được vào cảng Crimea và máy bay của EU cũng không được hạ cánh tại các sân bay ở Crimea, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp.

Phía Nga đã tuyên bố rằng, về vấn đề quyền sở hữu Crimea, chính quyền Nga sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán và thảo luận nào.

Ngoài vấn đề Crimea, Nga còn bị trừng phạt do liên quan đến các vấn đề ở khu vực Donbass. EU cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tình hình ở miền đông nam Ukraine đối với Nga, mặc dù Moscow đã nhiều lần phủ nhận sự liên quan của họ trong cuộc xung đột này.

Những biện pháp này bao gồm hạn chế thị thực, trừng phạt kinh tế đối với các công ty nhà nước Nga và toàn bộ các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Không giống như các biện pháp trừng phạt vì Crimea, các biện pháp này được gia hạn sáu tháng một lần.

Các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng lớn đến thương mại, tài chính, quân sự, các thỏa thuận hợp tác và chế độ miễn thị thực. Đáp lại, Nga áp đặt lệnh cấm đối với một số sản phẩm từ châu Âu.

Điều đáng chú ý là trên thực tế Ukraine là trở ngại chính trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga, vì việc giải quyết tình hình ở Donbass chủ yếu phụ thuộc vào Kiev. Tuy nhiên, thay vì thực hiện nghĩa vụ giải quyết theo thỏa thuận Minsk, phía Ukraine đã trì hoãn việc này. Ngoài ra, Kiev đã liên tục tuyên bố về việc thiếu cơ sở của thỏa thuận Minsk, cố gắng thay đổi các điều khoản trong thỏa thuận.

Với việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga, sự bất mãn giữa các doanh nghiệp ở EU đang chịu tổn thất vì chính sách trừng phạt của Brussels đối với Moscow càng tăng lên. Đặc biệt, có khá nhiều doanh nghiệp đã phản đối các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là ở Đức, nước này đang mất gần 670 triệu USD mỗi tháng do lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Ngoài ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận ra rằng, các biện pháp trừng phạt đã trở thành một yếu tố tiêu cực trong thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức vẫn ưu tiên giải quyết cuộc xung đột, sau đó mới bỏ các biện pháp trừng phạt.

Minh Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-tiep-tuc-gia-han-cac-bien-phap-trung-phat-nga-3405575/