EU-Thổ Nhĩ Kỳ nóng trở lại: Dùng chuyện mới, khơi chuyện cũ

Chẳng phải ngẫu nhiên giữa bất đồng nội khối, Liên minh châu Âu (EU) lại thống nhất về thái độ cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ giữa căng thẳng tại Đông Địa Trung Hải. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Đề cập về quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ sau Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 1/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng tôi muốn một quan hệ tích cực và tinh thần xây dựng với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng sẽ có lợi rất nhiều cho Ankara”. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định, trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ có hành động đơn phương, “EU sẽ sử dụng tất cả các công cụ và lựa chọn sẵn có của khối…chúng tôi có một loạt công cụ có thể được áp dụng ngay tức khắc.”

Theo đó, một mặt, EU sẵn sàng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề hợp tác nhằm giải quyết căng thẳng song mặt khác, các hành động đơn phương của Ankara sẽ đối mặt với sự trừng phạt không khoang nhượng từ Brussels.

Tuy nhiên, phát biểu mang tính răn đe của bà Ursula von der Leyen vẫn tương đối nhẹ nhàng so với mong muốn của một số quốc gia khác trong châu Âu. Hy Lạp và Cyprus, hai nước liên quan trực tiếp đến căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí hối thúc EU khối hành động mạnh mẽ hơn nữa, bởi đây không chỉ là chuyện Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn liên quan chặt chẽ tới quan hệ đối ngoại của EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh EU. (Nguồn: EPA)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh EU. (Nguồn: EPA)

Ngay cả Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, người có quan điểm khác biệt với khối trong các vấn đề người di cư hay phân bổ ngân sách EU trong dịch Covid-19, lên tiếng chỉ trích hành động thăm dò khí gas của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải là vi phạm luật pháp quốc tế và cần bị trừng phạt tương xứng.

Tuy nhiên, xét cho cùng, EU đều thống nhất về thể hiện thái độ cứng rắn đối với căng thẳng Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ. Đâu là lý do cho sự đồng lòng này?

Thứ nhất, đây là câu chuyện về lợi ích toàn EU. Trước Thượng đỉnh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Tình đoàn kết giữa các thành viên là không thể bàn cãi. Khi một thành viên EU bị tấn công, đe dọa, khi vùng lãnh hải của họ không được tôn trọng, các nước EU có nghĩa vụ chứng tỏ tình đoàn kết và chúng ta sẽ tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Hy Lạp và Cyprus”.

EU cần chứng tỏ rằng dù có bất đồng nội bộ, nhưng khi lợi ích chính đáng của quốc gia thành viên bị đe dọa bởi thế lực bên ngoài, các nước sẵn sàng gác lại khác biệt để bảo vệ cho quốc gia đó. Như Hy Lạp nhận định, đây không chỉ là câu chuyện về Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, mà nó liên quan mật thiết đến quan hệ đối ngoại của EU với bên ngoài nói riêng và sự tồn vong của EU nói chung. Bởi lẽ, nếu không thể bảo vệ lợi ích thành viên, tính chính danh của khối sẽ sứt mẻ nghiêm trọng.

Thứ hai, quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ vốn chẳng hề êm đềm. Sau thỏa thuận tiếp nhận người tị nạn, hiện Thổ Nhĩ Kỳ hiện là điểm dừng chân của 4,1 triệu người tị nạn, phần lớn đến từ Syria. Điều này đặt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trước sức ép nhất định, trong khi quyền lợi từ EU bị cho là không tương xứng: Các khoản tài trợ chẳng thấm tháp so với khoản tiền 40 tỷ USD Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đã chi cho người tị nạn; tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ bế tắc, trong khi Brussels chỉ trích luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ và lấy đó làm rào cản trở thành thành viên EU.

Tất nhiên, Tổng thống Tayyip Erdogan không ngồi yên, khi đơn phương tuyên bố mở cửa biên giới cho người tị nạn tới EU hồi tháng 3, khi dịch Covid-19 tại châu Âu đang vào cao điểm. Động thái này khiến Brussels nổi giận, khẳng định Ankara đi ngược với những gì từng cam kết, khiến quan hệ song phương nguội lạnh tới giờ.

Vì thế, căng thẳng Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ đã khơi lại bất đồng cũ EU-Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tạo cơ hội để Brussels gây áp lực với Ankara thực hiện thỏa thuận năm 2016. Dùng chuyện mới, khơi chuyện cũ là vậy.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-tho-nhi-ky-nong-tro-lai-dung-chuyen-moi-khoi-chuyen-cu-125213.html